Cử tri kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thay đổi cách thức tổ chức thi tuyển sinh đại học tại địa phương để giảm thiểu chi phí và hạn chế tiêu cực.
- Cử tri kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thay đổi cách thức tổ chức thi tuyển sinh đại học tại địa phương để giảm thiểu chi phí và hạn chế tiêu cực.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời:
1. Về kiến nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm mục đích kiểm tra kiến thức để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh học xong chương trình trung học phổ thông; ngoài việc đánh giá kết quả học tập của học sinh ở trường phổ thông, còn cung cấp thông tin phản hồi để đánh giá chương trình giáo dục phổ thông làm cơ sở cho các nghiên cứu để hoàn thiện chương trình cũng như để hoạch định chính sách đầu tư cho giáo dục ở các vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn giúp cho học sinh chú trọng trong việc rèn luyện và học tập. Vì vậy, nếu bỏ kỳ thi này sẽ ảnh hưởng tới ý thức học tập của học sinh.
2. Việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng tại các địa phương: Từ năm 1965 đến năm 1987, tại phía Bắc, trong hoàn cảnh chiến tranh và trong điều kiện được nhà nước bao cấp hoàn toàn chi phí tuyển sinh, với số lượng thí sinh dự thi chỉ khoảng 30.000 người, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã huy động các trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng tại các địa phương. Các trường đại học đã vượt qua rất nhiều khó khăn, tốn kém, vượt qua nhiều sức ép căng thẳng của thí sinh và gia đình họ tại các địa phương.
Hiện nay, với số lượng thí sinh dự thi hàng năm rất lớn (khoảng 1.500.000 thí sinh), trung bình mỗi năm các trường đại học, cao đẳng đã tổ chức khoảng trên 60.000 phòng thi và huy động trên 170.000 lượt cán bộ coi thi. Chỉ riêng việc huy động phương tiện để vận chuyển cán bộ coi thi đến các địa phương đã rất cồng kềnh và tốn kém, hơn nữa phải chịu sức ép nhiều mặt của học sinh và phụ huynh ở các địa phương. Vì vậy, từ năm 1988, để xã hội hoá và giảm bớt gánh nặng ngân sách cho các trường, đồng thời đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi, các trường đại học, cao đẳng và ý kiến của dư luận xã hội đã kiến nghị Giáo dục và Đào tạo không tổ chức thi tại địa phương.