Không thuê tư vấn thiết kế, không đơn vị giám sát và không cả nhà thầu, nhưng hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn do chính người dân ở huyện Đạ Huoai làm vẫn đạt chất lượng cao...
Không thuê tư vấn thiết kế, không đơn vị giám sát và không cả nhà thầu, nhưng hàng chục kilomet đường giao thông nông thôn do chính người dân ở huyện Đạ Huoai làm vẫn đạt chất lượng cao. Với phương thức “nhân dân làm - Nhà nước hỗ trợ vật tư”, người dân đã trở thành “nhà thầu chính” của những tuyến đường liên thôn, liên xóm khi họ cùng nhau hợp sức tự làm, tự quản lý vật liệu, tự kiểm tra và tự giám sát công trình. Cách làm này không phải tốn phí thuê tư vấn, thiết kế và giám sát, nên giảm từ 40 - 50% chi phí đầu tư.
Người dân thôn 3 (xã Đạ Oai) góp sức làm đường giao thông nông thôn |
Bỏ của riêng để làm đường chung
Mặc dù con đường bê tông dài hơn 500 m ở tổ 9 (thị trấn Madaguôi, huyện Đạ Huoai) đã hoàn thành cách đây hơn nửa năm, thế nhưng câu chuyện về những người dân chân chất sẵn sàng bỏ của riêng để cùng làm con đường chung này vẫn được nhiều người nhắc đến. Bà Nguyễn Thị Thường (người dân tổ 9) vẫn còn nhớ cái ngày mà tổ dân phố vận động người dân góp tiền làm đường. Vợ chồng bà đã đứng lên xin tự nguyện thế chấp sổ đỏ của gia đình để ứng trước tiền cho 11 hộ khó khăn chưa có khả năng đóng góp. Bà Thường kể lại: “Khi đó, ngoài việc hiến đất làm đường, mỗi hộ còn phải đóng góp thêm 2,3 triệu đồng. Toàn tổ có 21 hộ nhưng chỉ có 10 hộ có tiền liền để nộp, còn lại chủ yếu là hộ nghèo và gia đình chính sách. Vì vậy, tại cuộc họp của tổ, vợ chồng tôi đã đề xuất được thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 25 triệu đồng để đóng góp trước cho những hộ chưa có tiền. Các hộ này sẽ “trả góp” lại cho gia đình trong vòng 1 năm”. Con đường hoàn thành, có lẽ bà Thường là người vui nhất. Bà vui không phải vì người dân đã trả đủ số tiền mà bà đã cho mượn. Bà vui còn vì “có con đường “ngon” thế này để đi là tốt lắm rồi, còn tiền thì một năm bà con có trả cũng được, không thì 2 năm cũng chẳng sao! Trước đây, con đường đất chật hẹp, mưa lầy nắng bụi, lắm lúc đi xe về cũng chẳng muốn đưa vào nhà vì quá bẩn. Giờ có đường mới khang trang, tối nào bà con cũng tụ tập nói chuyện rôm rả. Nhà ai có công, có việc như cưới hỏi, ma chay cũng thuận tiện hơn” - bà Thường chia sẻ.
Không riêng gia đình bà Thường, rất nhiều hộ dân khác trên địa bàn thị trấn Madaguôi cũng đã có nghĩa cử cao đẹp cùng góp sức tạo nên những tuyến đường thôn, xóm khang trang. Đó là trường hợp của ông Thành đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng mua lại miếng đất ngay đầu đường vành đai để hiến lại một phần làm đường. Hay như trường hợp ông Hùng đã vui vẻ 3 lần đập bỏ tường rào để hiến đất, làm đường cho thẳng đẹp…
Góp bánh giò… làm đường
Giữa trưa một ngày cuối năm, dù trời nắng như đổ lửa, nhưng hơn 20 người dân vẫn hăng hái nhào trộn xi măng, dùng xe rùa đẩy vật liệu và thảm bê tông mặt đường. Hình ảnh này rất dễ bắt gặp khi về xã Đạ Oai (huyện Đạ Huoai), nơi mà phong trào làm đường giao thông nông thôn được người dân tích cực hưởng ứng nhất. Vào thời điểm này, cả 3 tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã với chiều dài 400 – 500m/tuyến được người dân đồng loạt triển khai. Ông Võ Kế Đạo, Trưởng ban công tác mặt trận thôn 3 (xã Đạ Oai), được xem là “chỉ huy trưởng” của công trình đường giao thông đang được thi công ở xóm 2 Bình Thạnh trên địa bàn thôn do ông quản lý.
Để làm tuyến đường dài 420 m này, Nhà nước đã hỗ trợ 230 triệu đồng, còn lại là phần người dân đóng góp hơn 1.000 m2 đất, 24 triệu tiền mặt và hàng trăm ngày công lao động. Với những hộ khó khăn không thể đóng góp, thôn đã linh động bằng cách vận động những người buôn bán, thu mua nông sản mỗi ngày qua lại tuyến đường này đóng góp. Đến nay, đã có 6 người đồng ý đóng góp số tiền còn thiếu. Đặc biệt, dù ngày ngày chỉ qua lại tuyến đường này để bán hàng rong nhưng bà Năm (một người dân ở thôn khác) vẫn tự nguyện đóng góp 15 – 20 cái bánh giò mỗi ngày để cho nhân công ăn giữa buổi. Bà chia sẻ: Mỗi người một ít, góp gió sẽ thành bão mà!
Dù năm nay đã 79 tuổi nhưng từ khi tuyến đường này bắt đầu làm, ngày nào ông Đặng Kịp cũng có mặt để giúp sức. Khi thì ông mang xô nước uống, khi thì ông thu vén vật liệu vương vãi. Đặc biệt, ông cũng chính là người giám sát chặt chẽ nhất cử nhất động của mọi người thi công. Ai làm không đúng ông chỉ, ai làm ẩu ông đe, ai xin vụng trộm vật liệu để làm việc riêng cho gia đình thì ông nhắc. Nhờ vậy mà một xẻng cát, một cân xi măng cũng không thể thất thoát dưới mắt ông. “Cơ chế giám sát” này cũng được tất cả các thôn, các xóm khác thực hiện. Người già không góp sức nhưng họ lại góp kinh nghiệm, góp trách nhiệm của mình trên từng kilomet đường.
Những con đường trách nhiệm
Có lẽ, những con đường liên thôn, liên xóm này sẽ chẳng bao giờ được đặt tên. Nhưng, với những con người đã cùng nhau làm nên chúng đây chính là những con đường mang tên Trách Nhiệm. Ông Đạo tâm sự: "Người dân nông thôn nghèo thật nhưng ai cũng khát khao có một con đường đi lại thuận tiện, vì vậy hễ đường làm đến nhà nào thì nhà đó lo nước nôi và đãi nhân công một bữa. Chính vì vậy mà ý thức trách nhiệm của mỗi người dân với cộng đồng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm thêm thắt chặt".
Ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Madaguôi, cho biết: Với phương thức “nhân dân làm – Nhà nước hỗ trợ vật tư” hiệu quả hơn rất nhiều. Đến nay, đã có 15 tuyến đường với tổng chiều dài gần 5 km đã được hoàn thành và người dân rất đồng tình ủng hộ. Chỉ cần đáp ứng tiêu chí có 10 hộ dân sinh sống trên tuyến đường trở lên và dân tự nguyện giải phóng mặt bằng rộng từ 4 m và lu lèn cứng mặt đường đảm bảo yêu cầu là Nhà nước sẽ hỗ trợ vật tư làm.
Ông Nguyễn Quý Mỵ, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, cho biết: Cái chính vẫn là người dân tự làm, nhưng huyện cùng với ban giám sát cộng đồng và cán bộ kỹ thuật của các xã, thị trấn luôn theo dõi và giám sát chất lượng công trình cũng như yêu cầu kỹ thuật. Theo tính toán, với 1 km đường giao thông nông thôn làm theo đầy đủ “ban bệ” như trước đây thì tổng chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng, nhưng giờ đây chi phí này giảm chỉ còn từ 820 triệu đến 1 tỷ đồng.
HỮU SANG