Chuyện thu gom rác ở Lộc An

03:03, 03/03/2013

Dân cư xã Lộc An khá đông, hiện có khoảng 20 ngàn người. Cùng với sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội, trong những năm gần đây, lượng rác thải cũng ngày một gia tăng. Trước đây, do chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vệ sinh môi trường (VSMT), rác thải ở Lộc An cũng là chuyện đáng nói.

Dân cư xã Lộc An khá đông, hiện có khoảng 20 ngàn người. Cùng với sự phát triển toàn diện về kinh tế và xã hội, trong những năm gần đây, lượng rác thải cũng ngày một gia tăng. Trước đây, do chưa quan tâm đúng mức đến công tác quản lý vệ sinh môi trường (VSMT), rác thải ở Lộc An cũng là chuyện đáng nói. Thế nhưng, từ năm 2010, khi được tỉnh chọn làm “điểm” xây dựng nông thôn mới (MTM), chuyện “rác” (nói riêng) đã được đưa lên bàn nghị sự và nó được đưa vào nội dung Nghị quyết của Đảng bộ, HĐND và kế hoạch hàng năm của UBND xã.

Bãi rác ở giữa thôn 4 lúc nào cũng nhiều
Bãi rác ở giữa thôn 4 lúc nào cũng nhiều


Ông Võ Hữu Hỷ - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Lộc An, trao đổi với chúng tôi: “Đến thời điểm này, xã Lộc An đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng NTM. Hiện, xã còn 6 tiêu chí chưa đạt là: Môi trường, giao thông, thuỷ lợi, trường học, chợ nông thôn và cơ cấu lao động. Xã đang ra sức phấn đấu để được công nhận xã NTM trước 1 năm. Muốn vậy, trong năm 2013, chúng tôi sẽ cố gắng đạt thêm 3 tiêu chí; trong đó, có tiêu chí về môi trường”. Cũng theo ông Võ Hữu Hỷ, để đạt được tiêu chí về môi trường, vấn đề cơ bản hiện nay của xã là tập trung cho việc xử lý rác thải, vì đây là vấn khó nhất từ trước đến nay.

Trong thời gian gần đây, Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình công cộng huyện Bảo Lâm đã chi trả phụ cấp cho 2 lao động để hàng ngày thu gom rác (dọc tuyến Quốc lộ 20) của từng gia đình (để sẵn trước ngõ) về các “điểm tập kết” để công nhân xe rác của huyện tiện thu gom theo lịch. Hàng tháng, mỗi gia đình (dọc Quốc lộ 20) đóng 10.000 đồng lệ phí tiền rác. Còn những gia đình ở xa quốc lộ, tạm thời bà con tự đào hố để chôn lấp hoặc tự đốt huỷ rác thải. Để quyết tâm trong năm 2013, Lộc An đạt được tiêu chí về môi trường, thì ngoài việc duy trì các biện pháp nói trên, ông Võ Hữu Hỷ cho chúng tôi biết thêm: “Xã sẽ giao cho Hội Phụ nữ xã thành lập các tổ tự quản ở các thôn để lo về VSMT. Các tổ tự quản sẽ có trách nhiệm tổ chức vận động, nhắc nhở bà con và kiểm tra việc gìn giữ VSMT, không để rác thải gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan đường làng, ngõ xóm”.

Với cách làm nói trên, việc thu gom và xử lý rác thải ở Lộc An có chuyển biến tích cực, nhưng đây chỉ mới là bước đầu. Bộ mặt (mỹ quan) nông thôn ở Lộc An hiện vẫn chưa sạch, chưa đẹp như mong muốn. Bởi lẽ, hiện tượng xả rác bừa bãi trên các tuyến đường, xóm ngõ trong xã vẫn còn xuất hiện khá nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề chúng tôi muốn đề cập là dọc tuyến Quốc lộ 20 - “mặt tiền” của xã Lộc An. Từ sát đầu cầu Lộc Nga về đến thôn 4 có đến 12 “điểm tập kết” và thường xuyên có nhiều rác vì không thu gom kịp (chưa kể những “điểm” nhỏ, lẻ do bà con vứt bừa bãi). Khi quan sát, chúng tôi ghi nhận là có những gia đình, những khu vực, rác thải được dọn rất sạch sẽ; nhưng cũng có khá nhiều gia đình, những khu vực thì ngược lại. Khổ tâm nhất là những gia đình ở cận kề những “điểm tập kết” đành phải “sống chung” mùi hôi thối của rác thải!

 Cũng như các thôn khác, tại xóm 2 (thôn 4) có một “điểm tập kết” mà lâu nay nó đã trở thành một “bãi rác”! Do bị ô nhiễm, bà con tự dựng bảng “Cấm đổ rác”, nhưng vẫn bị đổ rác tới tấp; thậm chí cả chó, mèo, gà chết cũng vất bừa bãi ở đây! Bà Mai Thị Thắm, nhà và quán bán bánh xèo nằm cạnh bãi rác này, bức xúc nói với chúng tôi: “Đề nghị nhà báo nói giúp để làm sao dẹp được bãi rác này cho chúng tôi nhờ!”. Bãi rác này còn nằm ngay trước Nhà nghỉ Gia Hân. Chủ nhà nghỉ cho biết là đã nhiều lần kiến nghị thôn, kiến nghị xã, nhưng vẫn chưa được giải quyết di dời!... Đem kiến nghị của người dân trao đổi trực tiếp với Trưởng thôn 4 - anh Tô Nguyên cho chúng tôi biết: “Theo cách làm của xã là như thế! Nếu mỗi nhà tự để rác trước ngõ, thì công nhân thu gom rác chuyển lên xe chậm, không đủ kinh phí để chi trả cho họ!”.

Qua trao đổi với nhiều người dân tại Lộc An và qua thực tiễn ghi nhận từ các nơi khác, chúng tôi thiết nghĩ là cách làm của xã Lộc An là chưa thật hợp lý. Nên chăng, xã không cần phải có người làm trung gian đi thu gom rác về “điểm tập kết”, mà trước khu vực nhà ai và rác nhà ai thì nhà đó tự quản lý (chỉ trừ khu vực chợ là phải thu gom thành đống mỗi ngày). Lúc đó, địa phương mới kiểm tra, kiểm soát và nhắc nhở được. Và tự khắc, mỗi gia đình sẽ tự lo VSMT tại khu vực nhà mình và rác sẽ đựng vào bao bịt gọn gàng để chờ xe đến thu gom. Điều chắc chắn là làm như thế thì việc gom rác sẽ nhanh và sạch sẽ hơn là rác đổ thành đống, thành bãi. Và, tất nhiên cũng đòi hỏi Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình công cộng của huyện tăng cường thêm lượt xe về xã để thu gom rác chuyển đi nơi khác.

BÙI TRƯỞNG