Nhiều năm qua, mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán trong khuôn viên chợ dường như bị “tê liệt”. Tình trạng các tiểu thương “bỏ chợ” ra ngoài để lấn chiếm lề đường buôn bán đang là vấn đề thường trực cần được xem xét.
Chợ Đại Lào (đóng tại thôn 1, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 12 năm 2006, với tổng kinh phí khoảng 11 tỷ đồng. Nhiều năm qua, mọi hoạt động kinh doanh, buôn bán trong khuôn viên chợ dường như bị “tê liệt”. Tình trạng các tiểu thương “bỏ chợ” ra ngoài để lấn chiếm lề đường buôn bán đang là vấn đề thường trực cần được xem xét.
Hiện tượng lấn chiếm lề đường buôn bán đang diễn ra |
Chợ Đại Lào do Công ty TNHH Nhân Phú (trụ sở tại phường II, TP Bảo Lộc) đầu tư xây dựng. Chợ được thiết kế với 300 quầy, sạp và ki ốt. Sau 5 năm hoạt động kinh doanh không hiệu quả, Công ty Nhân Phú chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Lộc Mỹ (trụ sở đóng tại thôn 1, xã Đại Lào) tiếp tục quản lý. Ông Phạm Ngọc Tám, Phó Ban quản lý (BQL) chợ Đại Lào, cho biết: “Ngay sau khi công trình hoàn thành đưa vào hoạt động, có khoảng 100 quầy, sạp, ki ốt được các tiểu thương hợp đồng, đăng ký thuê buôn bán, kinh doanh. Lúc đầu, thời hạn đăng ký của tiểu thương là 20 năm. Nhưng, đến nay còn khoảng 50 tiểu thương đăng ký, còn lại đều buôn bán tự do, không nằm trong sự quản lý của BQL chợ!”.
Nhìn từ bề ngoài ắt hẳn ai cũng nghĩ là chợ Đại Lào rất đông đúc, náo nhiệt, bên trong đã “lấp đầy”, buộc tiểu thương phải chen lấn ra bên ngoài buôn bán. Song, một thực tế diễn ra trong nhiều năm qua là chợ luôn ở trong tình trạng “vườn không, nhà trống”. Bên trong, không hề có một “bóng” tiểu thương nào! Cả công trình được xây dựng tiêu tốn khoảng 11 tỷ đồng đang ngày một… “chết dần, chết mòn”. Chua xót hơn, giờ đây bên trong chợ lồng đã trở thành “sân chơi thể thao”. Thật ra, số tiểu thương ít ỏi đăng ký kinh doanh tại chợ cũng chỉ mang tính hình thức. Để “cạnh tranh” với khu chợ cũ (phía tây cầu Đại Lào) và số tiểu thương buôn bán tự do, buộc họ phải chuyển ra khỏi chợ. Theo như ông Phạm Ngọc Tám, nguyên nhân dẫn đến chợ Đại Lào bị bỏ trống là do việc giải toả chợ cũ chưa dứt điểm. “Trước đây, Công ty Nhân Phú cùng với BQL chợ đã nhiều lần nhờ đến chính quyền địa phương xem xét giải toả chợ cũ để đưa chợ mới được sắp xếp trật tự. Song, đến nay chợ cũ vẫn còn họp chợ; tiểu thương ở chợ mới buộc phải “bỏ chợ” ra lấn chiếm lề đường buôn bán. Do đó, khó khăn lớn nhất của BQL chợ hiện nay là không thể quản lý được hoạt động buôn bán của tiểu thương. Ngoài ra, việc lấn chiếm lề đường buôn bán của tiểu thương vừa làm mất an ninh, trật tự, lại không đảm bảo vệ sinh” - Ông Tám cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bà con tiểu thương “bỏ chợ” ra ngoài buôn bán là do để tranh giành khách và việc quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương. Tiểu thương Lê Thị Tần (người đăng ký quầy bán hàng tại chợ) cho biết: “Tôi cũng như bao người khác, khi đăng ký thuê quầy bán hàng tại chợ với mong muốn có một chỗ sạch sẽ, thoáng mát để ổn định kinh doanh. Nhưng, “tiền mất, tật mang”, tôi bị những người buôn bán tự do tranh giành hết khách. Do vậy, buộc tôi phải dọn hàng ra ngoài!”. Khi được hỏi về hiện trạng chợ Đại Lào, Chủ tịch UBND xã Đại Lào, ông Nguyễn Văn Dũng nói rằng: “Do chợ cũ Đại Lào nằm trên địa phận 2 xã Đại Lào và Lộc Châu nên xã đang gặp khó khăn trong việc giải toả. Xã Đại Lào đã nhiều lần giải toả, xử phạt các tiểu thương lấn chiếm lề đường buôn bán, nhưng ít lâu sau hiện tượng đó lại tiếp diễn”.
Hiện nay, trên lộ trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xây dựng chợ nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng. Song, hiện tượng chợ nông thôn được xây dựng rồi lại bị “bỏ trống” ở các vùng quê trong tỉnh Lâm Đồng là khá phổ biến. Đã đến lúc rất cần đến các cấp, các ngành chức năng thực sự quan tâm vào “cuộc” để giải quyết một hiện tượng phổ biến trong tầm tay!
KHÁNH PHÚC