Lễ hội và công tác quản lý lễ hội

09:03, 06/03/2013

(LĐ online) - Lễ hội truyền thống là một trong những di sản văn hoá phi vật thể quí báu từ ngàn xưa để lại, phát triển tốt lễ hội là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc...

(LĐ online) - Lễ hội truyền thống là một trong những di sản văn hoá phi vật thể quí báu từ ngàn xưa để lại, phát triển tốt lễ hội là góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Trong mấy năm gần đây, dưới ánh sáng Nghị quyết Trung ương V của Đảng về “xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, nhiều lễ hội truyền thống đang được khôi phục. Tuy nhiên, sự đa dạng, phong phú về giá trị nhân văn sâu sắc, cũng như những tàn dư lạc hậu trong các lễ hội đều đang đặt ra yêu cầu cho chúng ta phải chọn lọc kế thừa và phát huy những mặt tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực.

Rước kiệu tại đền Hùng thác Prenn - Đà Lạt trong ngày Giỗ Tổ
Rước kiệu tại đền Hùng thác Prenn - Đà Lạt trong ngày Giỗ Tổ


Duy trì và phát triển mặt tích cực của lễ hội là điều tất yếu thế nhưng vấn đề đặt ra là cần phải chủ động trong quản lý lễ hội. Thời gian qua về mặt pháp lý, chúng ta đã có Luật Di sản văn hoá, Công ước Quốc tế của UNESCO về bảo vệ Di sản văn hoá phi vật thể (2003), Công ước về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hoá (2005) và nhiều luật có liên quan khác. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được hoàn thiện nhằm bảo vệ các di sản tầm quốc gia và quốc tế.

Bên cạnh đó chúng ta có các cơ quan quản lý Nhà nước, các Viện nghiên cứu ở Trung ương, ở mỗi địa phương đều có các Sở VHTT&DL tỉnh, thành phố với các đơn vị chuyên môn trực thuộc như các bảo tàng, ban quản lý di tích, trung tâm văn hoá và phòng văn hoá các cấp. Đó là hệ thống cơ quan quản lý văn hoá và thiết chế văn hoá đã được thiết lập và phát triển trong nhiều thập kỷ qua đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc giúp Nhà nước quản lý và bảo tồn di sản lễ hội. Tuy nhiên, công tác quản lý lễ hội trong thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập và cần giải đáp. Đó là chưa có cơ sở dữ liệu đầy đủ và chính xác về lễ hội và các quan điểm tiếp cận đúng trong việc thống kê, phân loại để xác định chúng ta có trách nhiệm và khả năng quản lý lễ hội nào, vai trò và mức độ quản lý của các cơ quan văn hoá đến đâu.

Việc phục dựng lại những lễ hội đã bị mai một có cần thiết không, phục dựng trên quan điểm nào?

Lễ hội mới - đương đại là gì? Thế nào là lễ hội, thế nào là festival? Có nên đồng nhất hai khái niệm này hay không.

Chúng ta cũng chưa có một cơ sở pháp lý khả thi trong việc quản lý lễ hội. Mặc dù đã có 3 qui chế tổ chức lễ hội, có Luật Di sản văn hoá (2001) và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá (2009), đây là những cơ sở quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hoá trong đó có lễ hội, nhưng chúng ta lại thiếu các văn bản qui phạm dưới luật để bảo đảm cho việc hướng dẫn thực thi luật cấp cơ sở.

Mặt khác chúng ta vẫn chưa có đủ nguồn lực để quản lý lễ hội, các tổ chức, thiết chế văn hoá cho dù đã có sự phát triển trong mấy năm qua, song vấn đề quản lý di sản phi vật thể vẫn còn là một vấn đề mới. Đội ngũ cán bộ trình độ không đồng đều, chưa được đào tạo về kĩ năng làm việc với cộng đồng để bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Thiếu kiến thức cơ bản để có thể hướng dẫn và hỗ trợ cộng đồng tổ chức và thực hành lễ hội.

 Ở Lâm Đồng trong thời gian qua, đặc biệt là trong mấy năm gần đây công tác tổ chức và quản lý lễ hội rất được quan tâm. Nhiều lễ hội đã được tổ chức quản lý chặt chẽ và diễn ra khá thành công như: Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức long trọng với qui mô cấp tỉnh thu hút nhân dân toàn tỉnh và cả một số tỉnh bạn tham gia. Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng các hoạt động của phần hội cũng được diễn ra trong không khí vui tươi sôi nổi như rước kiệu, thi gói bánh chưng bánh dày, kết mâm ngũ quả, các trò chơi dân gian đã tạo được sự gắn kết cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.

Các lễ hội Festival Hoa, lễ hội văn hoá Trà cũng đã gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp. Đặc biệt là lễ hội Festival Hoa Đà Lạt năm 2010 được xác định là sự kiện văn hoá du lịch tiêu biểu mở đầu cho chương trình hành động quốc gia chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong lễ khai mạc Festival Hoa, thành phố Đà Lạt vinh dự được nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận Đà Lạt là thành phố Festival Hoa của Việt Nam.

Lễ hội Festival Hoa thực sự đã tôn vinh được các giá trị của hoa và nghề trồng hoa Đà Lạt, đồng thời giới thiệu được tiềm năng thế mạnh của hoa Đà Lạt trong hiện tại và tương lai. Khẳng định được vị trí của thành phố Đà Lạt - thành phố Festival Hoa của Việt Nam. Gây được ấn tượng đẹp cho du khách về một Festival Hoa đặc trưng cho Đà Lạt. Lễ hội Festival Hoa càng ngày càng mang tính xã hội hoá cao huy động được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia, đặc biệt là sự góp mặt của đông đảo doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ngành hoa.

Tuy nhiên để quản lý lễ hội được tốt hơn, chúng ta cần kiểm kê, phân loại và xác định giá trị, tính chất và phân cấp để quản lý.

Tổ chức hội thảo đánh giá các lễ hội được phục dựng trong thời gian qua để có kết luận định hướng cho các dự án khác.

Để quản lý lễ hội cần có chương trình, kế hoạch nhằm phổ biến nâng cao nhận thức cho người dân về nội dung và giá trị của lễ hội, về qui trình tổ chức lễ hội, về nguy cơ làm tổn hại, sai lệch, biến dạng, biến mất di sản do “phát triển”, “sáng tạo” và do thương mại hoá lễ hội. Đồng thời cần có nhiều kinh phí để nâng cao năng lực cho cộng đồng.

Công tác tổ chức cần phải được đưa vào khuôn khổ, những hiện tượng biến tướng, sai lệch làm ảnh hưởng tới vẻ đẹp văn hoá truyền thống của  lễ hội sẽ bị xử lí nghiêm khắc.

Để chấn chỉnh và  làm tốt công tác quản lý lễ hội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21-12-2012 về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm chống lãng phí, trong đó chỉ rõ: Trọng tâm của công tác quản lí lễ hội năm 2013 là thực hiện tiết kiệm, đưa lễ hội vào nề nếp trong đó có việc quản lí công đức, giọt dầu, vệ sinh môi trường, cấm đốt vàng mã, in tiền, nhái tiền Ngân hàng nhà nước Việt Nam,… và phát huy vai trò cán bộ, đảng viên trong việc nâng cao nhận thức tham gia lễ hội của người dân.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cũng đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các Sở VHTT&DL địa phương thường xuyên đột xuất kiểm tra xử lí nghiêm túc các vi phạm, cũng như những biểu hiện tiêu cực lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, chặt chém, lừa đảo, cò… để thu lợi bất chính, nhằm đảm bảo cho lễ hội được diễn ra một cách vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm phát huy được các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc.

Đoàn Bích Ngọ