- Cử tri đề nghị có biện pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng (trong đó có việc huy động vốn của các ngân hàng giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm, đặc biệt đối với hợp đồng vay tín chấp); có các giải pháp sâu sát và đồng bộ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
- Cử tri đề nghị có biện pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra, chấn chỉnh hoạt động của các ngân hàng (trong đó có việc huy động vốn của các ngân hàng giảm nhưng lãi suất cho vay không giảm, đặc biệt đối với hợp đồng vay tín chấp); có các giải pháp sâu sát và đồng bộ để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.
- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt và đồng bộ một số giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, như: Ngân hàng Nhà nước đã 6 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành và giảm trần lãi suất tiền gửi VND. Tích cực chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động). Điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đối với khách hàng có hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt; xem xét miễn, giảm lãi phải trả đối với khách hàng bị tổn thất về tài sản dẫn đến khó khăn về tài chính theo quy định pháp luật. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có triển vọng phát triển, có sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường nhưng đang gặp khó khăn về tài chính vay được vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Để giám sát việc thực hiện quy định về lãi suất của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trên cơ sở đó xử lý nghiêm theo quy định đối với những trường hợp vi phạm; quy trách nhiệm cụ thể đối với tổ chức, cá nhân liên quan; Kịp thời đăng tải trên trang tin điện tử (website) của Ngân hàng Nhà nước các trường hợp phát hiện có sai phạm liên quan đến việc chấp hành quy định về lãi suất và hình thức xử lý; khuyến khích người dân thông báo, cung cấp cho thanh tra, giám sát ngân hàng về các tổ chức tín dụng vi phạm lãi suất.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng không hoàn toàn là vì lãi suất cao mà chủ yếu do: Khả năng trả nợ của doanh nghiệp suy giảm trong điều kiện khó khăn về đầu ra; thị trường bất động sản thanh khoản kém trong khi phần lớn tài sản thế chấp các khoản vay có nguồn gốc bất động sản, bởi vậy các tổ chức tín dụng có xu hướng thận trọng hơn khi cho vay để hạn chế rủi ro trong hoạt động tín dụng; khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế (như vốn tự có thấp, khả năng điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh còn yếu, nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, không đủ tài sản để thế chấp vay vốn nên chưa tạo được niềm tin đối với tổ chức tín dụng).
Trong thời gian tới, cùng với việc tiếp tục triển khai các giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường và giải quyết nợ xấu.