Trả lời kiến nghị của cử tri về việc quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thất thoát vốn Nhà nước…

03:03, 17/03/2013

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu bộ, ngành liên quan của Chính phủ đối với việc quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thất thoát vốn Nhà nước; đồng thời công khai kết quả xử lý cho nhân dân biết. Cử tri cũng đề nghị việc quản lý tài sản ở các tập đoàn kinh tế lớn cần được thắt chặt trong quản lý, nghiêm túc trong thực hiện nhằm tránh tình trạng trên tái diễn.

- Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của người đứng đầu bộ, ngành liên quan của Chính phủ đối với việc quản lý, sử dụng vốn kém hiệu quả, đầu tư ngoài ngành gây thất thoát vốn Nhà nước; đồng thời công khai kết quả xử lý cho nhân dân biết. Cử tri cũng đề nghị việc quản lý tài sản ở các tập đoàn kinh tế lớn cần được thắt chặt trong quản lý, nghiêm túc trong thực hiện nhằm tránh tình trạng trên tái diễn.

- BỘ TÀI CHÍNH TRẢ LỜI:

Sau khi Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003 hết hiệu lực thi hành từ 1/7/2010, việc chuyển đổi Công ty nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoạt động theo Luật Doanh nghiệp cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách trong quản lý doanh nghiệp nhà nước còn bất cập, dẫn đến tình trạng quản lý nhà nước và vai trò chủ sở hữu chưa rõ; quản lý doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, hiệu quả sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp Nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu cũng như nguồn lực được giao, đã xảy ra những vụ việc kinh doanh thua lỗ, mất vốn, vi phạm pháp luật đáng tiếc, gây bức xúc trong nhân dân như vụ việc ở Vinashin, Vinaline.

Để tăng cường công tác quản lý, giám sát đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ đã phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cho các bộ, UBND cấp tỉnh, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty.

Bộ Tài chính đã và đang hoàn thiện trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số cơ chế, chính sách như Nghị định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghị định về giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp do Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Các Nghị định này sau khi được Chính phủ ban hành sẽ khắc phục những tồn tại hiện nay về cơ chế và phương thức đầu tư vốn, quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã và đang đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt triển khai Đề án tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo phân công của Chính phủ tại Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012 của Chính phủ, định kỳ Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ về hiệu quả sản xuất kinh doanh, về tình hình tài chính đối với các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh thực hiện giám sát, kiểm tra và thanh tra theo quy định việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

TS (Tổng hợp)