Được khởi công xây dựng từ tháng 5/2009, Chợ trung tâm Bảo Lộc (nằm ở khu đô thị mới Hà Giang) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, đã trễ hơn 2 năm so với dự kiến, vẫn chưa được đưa vào sử dụng, dù rằng chợ đã hoàn thành đến 95% khối lượng công trình?
Được khởi công xây dựng từ tháng 5/2009, Chợ trung tâm Bảo Lộc (nằm ở khu đô thị mới Hà Giang) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên, đã trễ hơn 2 năm so với dự kiến, vẫn chưa được đưa vào sử dụng, dù rằng chợ đã hoàn thành đến 95% khối lượng công trình?
Đã đặt tiền cọc nhưng không có tên?
Khoảng 2 tuần trở lại đây, nhiều tiểu thương ở Chợ Bảo Lộc xôn xao khi Công ty VAT yêu cầu họ mang hợp đồng mua bán quầy sạp đến Văn phòng Ban Quản lý (BQL) Chợ để đối chiếu. Trước đó, phía Công ty VAT cũng đã gởi cho BQL Chợ cũ danh sách các hộ tiểu thương đã ký hợp đồng mua quầy sạp ở Chợ mới và kèm theo thông báo: “Phía Công ty VAT không chịu trách nhiệm với những trường hợp đã mua bán quầy sạp mà không có tên trong danh sách”. Khá nhiều tiểu thương bất ngờ khi không thấy tên mình trong danh sách này, dù trước đó đã phải “chạy vạy” vay mượn để đủ tiền đặt cọc mua quầy sạp. Chị N.T.H (tiểu thương hàng thịt) cho biết: Hai năm trước, đã nghe phía Công ty VAT rao bán quầy sạp, do chợ chưa xây xong nên tôi không dám đặt cọc mua quầy sạp trước. Đến khi UBND thành phố công bố phương án di dời chợ thì tôi mới đặt cọc trước là 30% giá trị quầy sạp. Tuy nhiên, hiện tôi và nhiều tiểu thương khác cùng mua đợt sau đều không có tên trong danh sách. Theo ông Nguyễn Văn Thương, Phó BQL Chợ Bảo Lộc, có khoảng 350/500 hộ tiểu thương đã đăng ký mua quầy sạp bên Chợ mới, nhưng trong danh sách của phía Công ty VAT cung cấp thì rất nhiều hộ lại không có tên!
Chợ mới Bảo Lộc đã cơ bản hoàn thành nhưng việc di dời vẫn chưa thể thực hiện được |
Trước sự việc này, UBND thành phố Bảo Lộc ban hành Thông báo số 02/UBND-TB ngày 19/3/2013. Theo đó, giao cho Phòng Kinh tế Bảo Lộc kiểm tra, rà soát lại số hộ đã đăng ký mua quầy sạp Chợ mới và tìm hiểu nguyên nhân việc tiểu thương đã ký hợp đồng mua quầy sạp nhưng lại không có tên trong danh sách. Theo kết quả rà soát của Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, đến ngày 2/4, đã có 278 hộ đến đối chiếu; trong đó, có 102 hộ không có tên trong danh sách. Ông Vũ Thành Công, Phó Phòng Kinh tế Bảo Lộc, cho biết: Hiện, vẫn còn 59 hộ có tên trong danh sách nhưng chưa đến đối chiếu. Khả năng số hộ đã đặt cọc mua nhưng không có tên sẽ tiếp tục tăng. Tổng số tiền các hộ tiểu thương đã đặt cọc mua quầy sạp với Công ty VAT là hơn 41 tỷ đồng. Sở dĩ có những hộ đã đặt cọc mua quầy sạp nhưng không có tên trong danh sách là do các hộ này giao dịch với Công ty từ sau thời điểm tháng 8/2012. Còn danh sách phía Công ty cung cấp là chỉ thống kê trước đó. Cũng theo ông Công, UBND thành phố đã có buổi làm việc với Công ty VAT và đại diện Công ty đã chính thức đưa ra lời “xin lỗi” về việc thông báo “Không chịu trách nhiệm đối với những trường hợp không có tên trong danh sách”. Còn theo ông Tạ Công Triêm, Trưởng Phòng Kinh tế Bảo Lộc, đến thời điểm này, qua rà soát chưa phát hiện trường hợp nào bán trùng quầy sạp. Riêng đối với những hộ tiểu thương đã thực hiện hợp đồng mua bán, nhưng không có tên trong danh sách, UBND TP Bảo Lộc sẽ làm việc với Công ty VAT để đảm bảo quyền lợi cho những hộ tiểu thương này.
Bất nhất vai trò chủ đầu tư!
Sở dĩ phải có sự đối chiếu, gây nên sự hoang mang cho các hộ tiểu thương là vì nội bộ Công ty VAT bị “lủng củng”. Việc chuyển giao “quyền lực” giữa các thành viên trong HĐQT Công ty đã “đẩy” cái khó về cho tiểu thương. Hiện tại, dù trên giấy tờ, bà Trần Thị Bích Liên vẫn là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành. Tuy nhiên, trong thực tế, vai trò này đã bị HĐQT Công ty VAT bác bỏ.
Theo ông Phạm Ngọc Bình, thành viên HĐQT Công ty VAT, trước đây, Giám đốc điều hành của Công ty VAT là bà Trần Thị Bích Liên. Trong quá trình điều hành, bà Liên đã có những dấu hiệu vi phạm về tài chính và không đảm bảo tiến độ xây dựng chợ. Thêm vào đó, số tiền gần 50 tỷ đồng mà bà Liên thu được từ việc nhận tiền đặt cọc bán quầy sạp với tiểu thương đã không được nộp lại cho Công ty. Do đó, từ tháng 7/2012, HĐQT Công ty VAT đã yêu cầu bà Liên thôi giữ chức Giám đốc điều hành và bàn giao lại con dấu của Công ty. Tuy nhiên, cho đến nay, trên giấy tờ bà Liên vẫn là đại diện Công ty đứng tên trên giấy phép xây dựng Chợ Bảo Lộc. Lợi dụng điều này, bà Liên đã sử dụng con dấu “giả” để tiếp tục giao dịch mua bán với tiểu thương. Chính vì vậy, danh sách niêm yết của Công ty không có tên những người thực hiện việc mua bán sau thời điểm tháng 8/2012 đến nay. HĐQT Công ty VAT sẽ xem xét, giải quyết quyền lợi chính đáng cho những trường hợp chưa có tên trong danh sách.
Chợ trung tâm Bảo Lộc được đầu tư theo hình thức BOT, với quy mô 710 quầy sạp (theo thiết kế). Chợ có tổng vốn xây dựng dự toán ban đầu khoảng 52 tỷ đồng. Hiện, khu chợ mới này đã cơ bản hoàn thành, phần việc còn lại chủ yếu là làm sân, đường nội bộ, cửa và thang máy. Cuối năm 2012, UBND thành phố đã yêu cầu phía Công ty VAT phải sớm hoàn thành các hạng mục này để đưa chợ vào sử dụng từ tháng 3/2013. Nhưng do chưa giải quyết xong những mâu thuẫn nội bộ, nên chợ vẫn chưa thể đi vào hoạt động. So với kế hoạch dự kiến thì chợ đã chậm tiến độ hơn 2 năm. Theo ông Phạm Ngọc Thành, Chủ tịch UBND phường I, việc Chợ mới chậm tiến độ đã gây không ít khó khăn cho địa phương trong chủ trương phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực Bắc Hà Giang; nhiều dự án “ăn theo” Chợ mới của các nhà đầu tư và của nhân dân bị đình trệ. Thêm vào đó, hoạt động kinh doanh, buôn bán của tiểu thương cũng bị động do họ không biết khi nào thì Chợ mới được đưa vào hoạt động để chuẩn bị di dời.
Hiện, UBND TP Bảo Lộc đã thông báo đến các hộ tiểu thương và các tổ chức, cá nhân dừng mọi hoạt động giao dịch, mua bán quầy sạp với Công ty VAT. Đồng thời, UBND TP Bảo Lộc cũng đã chỉ đạo Công an thành phố điều tra, làm rõ việc huy động vốn bên ngoài của Công ty VAT, cũng như việc Công ty đã sử dụng 2 con dấu và 2 văn phòng đại diện (tại TP Hồ Chí Minh và TP Bảo Lộc); yêu cầu Công ty VAT đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chợ và thực hiện việc di dời Chợ cũ theo đúng phương án mà UBND TP đã phê duyệt, trên nguyên tắc ưu tiên bố trí quầy sạp ở vị trí tương đương cho tất cả tiểu thương ở Chợ cũ có nhu cầu kinh doanh ở Chợ mới.
HẢI UYÊN - HỮU SANG