Thứ 5, 10/04/2025, 13:35

Cảnh báo phản ứng có hại của thuốc

03:08, 25/08/2013

Lâm Đồng có 18 báo cáo về tình hình phản ứng có hại của thuốc (ADR), cao nhất khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 1, Bệnh viện II Lâm Đồng 3, các trung tâm y tế Đạ Tẻh 2, Đức Trọng 9, Lạc Dương 1, Lâm Hà 2.

Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc đã tiến hành tổng hợp và công bố các thông tin cơ bản thu thập được từ báo cáo phản ứng có hại của thuốc tại các đơn vị y tế trong toàn quốc nhằm cung cấp các thông tin khái quát và cập nhật tình hình an toàn thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Tiêm phòng ngừa vắc-xin cho trẻ sơ sinh ở phường 9, Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn
Tiêm phòng ngừa vắc-xin cho trẻ sơ sinh ở phường 9, Đà Lạt. Ảnh: Thanh Toàn


Lâm Đồng có 18 báo cáo về tình hình phản ứng có hại của thuốc (ADR), cao nhất khu vực 5 tỉnh Tây Nguyên. Trong đó: Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng 1, Bệnh viện II Lâm Đồng 3, các trung tâm y tế Đạ Tẻh 2, Đức Trọng 9, Lạc Dương 1, Lâm Hà 2.

Từ các báo cáo tình hình phản ứng có hại của thuốc ở các địa phương, Trung tâm Quốc gia về Thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc đã giải quyết 31 trường hợp khẩn cấp, trong đó có 19 trường hợp báo cáo khẩn và 12 trường hợp công văn phản hồi cho cơ quan quản lý của  Bộ Y tế. Có tất cả 21 báo cáo tử vong do ADR đã được báo cáo khẩn, trong đó 9 báo cáo tử vong trên bệnh nhi sử dụng vaccin Quinvaxem, 3 báo cáo tử vong do sốc phản vệ liên quan đến ceftazidim và 2 báo cáo tử vong do sốc phản vệ liên quan đến cefotaxim. 104 báo cáo ADR nghiêm trọng xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam và tại các nước khác có lưu hành sản phẩm đang có số đăng ký và sử dụng tại Việt Nam từ 15 đơn vị sản xuất kinh doanh dược phẩm, với 24 trường hợp tử vong. Trong đó có 94 báo cáo ADR liên quan đến các chế phẩm đang được lưu hành trên thị trường và 10 báo cáo ADR xảy ra trên bệnh nhân trong thử nghiệm lâm sàng.

Danh sách các thuốc nghi ngờ gây ADR xảy ra nhiều nhất được báo cáo là: vaccine 5 trong 1, Imatinib, các loại vaccine khác, Iopromid, Rituximab, Sorafenib. Các loại thuốc nghi ngờ liên quan đến các trường hợp tử vong: vaccine 5 trong 1, Imatinib, vaccine bại liệt, cyclosporin, Bisoprolol fumarat, Cefuroxim, Hydroxycarbamid, Mycophenolate mofetil, Sevofluran, vaccine phòng ung thư cổ tử cung HPV tuýp 16 và 18 ở người.

Phản ứng có hại của thuốc xảy ra tại các cơ sở khám chữa bệnh miền Nam được báo cáo chiếm tỉ lệ cao nhất 46,35%, miền Bắc 36,54% và miền Trung 17,11%. Đặc biệt, các cơ sở y tế tuyến tỉnh báo cáo về tình hình ADR có tỉ lệ cao nhất 59,24%, vượt xa các bệnh viện tuyến cơ sở (22,7%) và tuyến trung ương (18,07). Các bệnh viện đa khoa tỉnh gởi báo cáo về phản ứng có hại của thuốc chiếm 63,81% số lượng từ các đơn vị báo cáo ADR, chủ yếu tại bệnh viện công lập. Trong số 301 bệnh viện thuộc 62 tỉnh có báo cáo tình hình phản ứng có hại của thuốc chiếm nhiều nhất là ở Tp.HCM 23,86%, Hà Nội 14,14%, Quảng Ninh, An Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai, Thái Nguyên, Hải Phòng và Đà Nẵng. Theo phân tích phản ứng có hại của thuốc thường gặp nhất ở nhóm đối tượng người trưởng thành từ 18-60 tuổi (chiếm 60,85%), tiếp theo là nhóm trên 60 tuổi 18,72%; xảy ra ở trẻ em từ 1-12 tuổi chiếm tỉ lệ khá cao 9,17% và ở 5,28% trẻ dưới 1 tuổi.

Có 2.486 báo cáo về thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại. Thuốc gây phản ứng có hại xảy ra nhiều nhất là thuốc dùng bằng đường uống 49,92% và đường tiêm tĩnh mạch 43,99%, thuốc dùng được tiêm bắp có ADR ít hơn 12,58%. Theo phân loại, nhóm thuốc kháng khuẩn dùng đường toàn thân được báo cáo phản ứng có hại nhiều nhất 63,91%, tiếp theo là nhóm thuốc tác dụng trên đường tiêu hóa và chuyển hóa 16,94%, nhóm thuốc da liễu 8,42% và nhóm thuốc tác dụng trên hệ thần kinh 8,27%. Trong đó, các kháng sinh nhóm beta-lactam khác (cephalosporin thế hệ từ 1 đến 4, carbapenem…) là nhóm kháng sinh có tỉ lệ báo cáo biến cố bất lợi nhiều nhất 32,61%, kế tiếp là nhóm thuốc điều trị lao 11,59% và nhóm thuốc chống nhiễm khuẩn tiêu hóa 9,38%. Các thuốc nghi ngờ gây phản ứng có hại xuất hiện nhiều nhất trong các báo cáo ADR thuộc 4 nhóm chính: nhóm thuốc kháng sinh nhiều nhất với 4 đại diện là cefotaxim, ceftriaxon, ceftazidim, ciprofloxacin; nhóm thuốc điều trị lao: streptomycin, pyrazynamid, rifampicin; nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm: paracetamol, diclofenac và thuốc điều trị sốt rét: primaquin.

DIỆU HIỀN