Thứ 5, 17/04/2025, 21:25

Chuyện căn nhà 695/27 Trần Phú (phường B'lao)

03:09, 22/09/2013

Theo đề nghị của UBND phường B'Lao và Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố, ngày 27/8/2012, UBND thành phố Bảo Lộc đã ra Quyết định số 2581/ QĐ-UBND về việc thu hồi căn nhà số 695/27 đường Trần Phú, phường B'Lao (gồm 146 m2 đất ở và nhà ở theo hiện trạng gắn liền với đất) thuộc thửa 586, tờ bản đồ địa chính số 3; đồng thời, tạm giao cho UBND phường B'Lao quản lý...

Theo đề nghị của UBND phường B’Lao và Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố, ngày 27/8/2012, UBND thành phố Bảo Lộc đã ra Quyết định số 2581/ QĐ-UBND về việc thu hồi căn nhà số 695/27 đường Trần Phú, phường B’Lao (gồm 146 m2 đất ở và nhà ở theo hiện trạng gắn liền với đất) thuộc thửa 586, tờ bản đồ địa chính số 3; đồng thời, tạm giao cho UBND phường B’Lao quản lý. UBND phường B’Lao đã nhiều lần yêu cầu người đang sử dụng giao căn nhà nói trên cho phường để “làm hội trường sinh hoạt cho tổ dân phố 5”. “Thời hạn chậm nhất là ngày 30/10/2012. Nếu quá thời hạn, UBND phường sẽ tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật” (theo Thông báo số 35/TB-UBND ngày 24/9/2012 của UBND phường B’Lao). Tuy nhiên, cho đến bây giờ việc thu hồi vẫn chưa thực hiện được. Và nên chăng, việc thu hồi là không cần thiết, vì đây còn là một chuyện thuộc về phạm trù… “đạo lý” nữa!

Căn nhà 695/27 đường Trần Phú (phường B’Lao)
Căn nhà 695/27 đường Trần Phú (phường B’Lao)


Căn nhà 659/27 là của bà Phạm Thị Bê ( thường gọi là Phạm Thị Như Hiền). Do cuộc sống đơn chiếc (không chồng, không con và bố mẹ đã qua đời từ lâu), năm 1996, bà Phạm Thị Như Hiền (sinh năm 1944) đã xin cháu Trần Thị Hằng để làm con nuôi, với mong muốn của bà là khi đến tuổi già có người chăm sóc, nương tựa và khi qua đời còn có người lo nhang khói, thờ phụng.

Trần Thị Hằng (sinh ngày 25/5/1989, quê ở thôn Siêu Quần, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) là con thứ 6 của bà Trần Thị Tư. Do hoàn cảnh gia đình nghèo, đông con, bà Tư đã viết giấy đồng ý cho bà Hiền nhận cháu Hằng về làm con nuôi (giấy tờ này có chữ ký và con dấu xác nhận của HTX Nông nghiệp Siêu Quần và Trưởng Công an xã Phong Bình). Đồng ý nhận làm con nuôi, đến ngày 15/7/1998, bà Phạm Thị Như Hiền làm thủ tục xin và đã được Công an thị xã Bảo Lộc cho cháu Trần Thị Hằng nhập hộ khẩu chung với hộ khẩu của bà Hiền. Gia đình bà Hiền lúc này chỉ có 2 khẩu (bà Hiền và cháu Hằng). Cuộc sống mẹ con hạnh phúc, đầm ấm như bao gia đình khác. Tuy nhiên, do bị bệnh tim, ngày 28/8/1998, bà Hiền đã bị chết đột ngột. Lúc đó, cháu Hằng chỉ mới 9 tuổi; bà Hiền chưa kịp làm thủ tục con nuôi và cũng không kịp làm di chúc, thừa kế tài sản. Lúc đó, cuộc sống của cháu Hằng và việc quản lý tài sản (căn nhà 695/27) đều nhờ người giám hộ.

Ngày tháng trôi qua, bây giờ cháu Hằng đã khôn lớn. Trong đơn gởi các cấp, ngành ở địa phương để xin cứu xét được thừa kế và được ở tại căn nhà nói trên để lo cuộc sống bản thân và lo thờ phụng cho mẹ Hiền, Trần Thị Hằng có viết: “Lúc được mẹ Hiền nhận làm con nuôi, tôi còn quá nhỏ dại, chỉ mới 7 tuổi, nên không biết gì. Tôi chỉ biết vào tháng 7/1998, mẹ Hiền đã nhập hộ khẩu cho tôi ở tại gia đình. Do không hiểu biết về pháp luật, nên lúc đó không làm thủ tục nhận con nuôi. Đến tháng 8/1998, mẹ Hiền đột ngột bệnh nặng và qua đời không kịp để lại một lời trăn trối. Từ ngày mẹ Hiền mất cho đến hôm nay, tôi vẫn sinh sống, học tập, làm ăn và trông coi căn nhà này cũng như lo việc thờ phụng. Tôi xem đây là trách nhiệm của một người con hiếu thảo trong gia đình. Đã 17 năm rồi (kể từ ngày đến ở), không một ai tranh chấp khiếu nại căn nhà này. Ngày 20/9/2012, tôi đột ngột nhận được Quyết định thu hồi đất và căn nhà mà tôi đã và đang sinh sống 17 năm qua. Trước tình cảnh này, thân gái cô đơn, tôi không biết kêu oan với ai!...”. Cũng trong lá đơn kêu oan, Trần Thị Hằng có một lời thỉnh cầu: “Tôi chỉ có nguyện vọng xin quý cơ quan, chính quyền giải quyết cho tôi được sống và chăm sóc căn nhà mà tôi đang sinh sống lâu nay, để tiếp tục lo việc thờ phụng mẹ Hiền và tổ tiên như nguyện vọng của mẹ lúc còn sống”.

Qua tìm hiểu sự việc nói trên, chúng tôi được biết, sau khi bà Hiền chết, năm 1999, ông Phạm Văn Kịch (ở xã Đinh Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) đã làm đơn xin hưởng thừa kế căn nhà 695/27, nhưng Tòa án Nhân dân thị xã Bảo Lộc không đồng ý và trả lại đơn. Cách giải quyết của Tòa án như vậy là đúng theo pháp luật. Còn vợ chồng ông Trần Viết Đen và bà Nguyễn Thị Thuận sinh sống tại căn nhà này từ năm 2004 đến nay, chỉ với tư cách là người bà con đến ở và trông coi nhà hộ, trong khi Trần Thị Hằng tạm thời đi làm ăn xa, chứ không thể có bất kỳ một quyền lợi nào liên quan đến căn nhà này cả.

Như vậy, cho dù Trần Thị Hằng không chứng minh được quyền thừa kế hợp pháp căn nhà 695/27, nhưng xét về hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ của Hằng (còn quá nhỏ, nhưng đã có những giấy tờ chứng minh liên quan) và của bà Hiền (vì chết đột ngột); đất và nhà ở không có ai tranh chấp; đồng thời, nếu quan tâm thêm về mặt “đạo lý” nữa, thì thiết nghĩ, các ngành và chính quyền địa phương nên xem xét trở lại để có thể chọn hướng giải quyết đạt lý, thấu tình hơn. Giá như, căn nhà 695/27 phải thu hồi theo Quyết định số 2581/ QĐ-UBND của UBND thành phố Bảo Lộc để làm hội trường tổ dân phố 5 (phường B’Lao) thì con nuôi của bà Hiền là Trần Thị Hằng sẽ sinh sống ở đâu và nơi thờ phụng bà Hiền cùng tổ tiên của bà lúc đó sẽ giải quyết như thế nào?

XUÂN LONG