Thứ 7, 05/04/2025, 21:13

Phiền phức do nhầm họ tên, giới tính

03:09, 17/09/2013

Thời gian gần đây, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, không ít cử tri là người dân tộc thiểu số Churu, Cơho, Mạ… phản ánh về tình trạng tên họ và giới tính của họ bị ghi sai trong chứng minh nhân dân, trong thẻ bảo hiểm y tế và nhiều loại giấy tờ tùy thân khác.

Thời gian gần đây, tại các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, không ít cử tri là người dân tộc thiểu số Churu, Cơho, Mạ… phản ánh về tình trạng tên họ và giới tính của họ bị ghi sai trong chứng minh nhân dân, trong thẻ bảo hiểm y tế và nhiều loại giấy tờ tùy thân khác.

Với người Cơho, con cái sinh ra khi được đặt tên đều lấy theo họ mẹ. Cách đặt tên theo họ mẹ là một quy ước bắt buộc của người Cơho; tuy nhiên, về hình thức, theo quy định thì “họ” chung nhất của con trai là “K’” (ví dụ như K’Nam, K’Bnam, K’Tnam…), còn con gái là “Ka” (ví dụ Ka Nam, Ka Bnam, Ka Tnam…). Cũng là người Cơho nhưng thuộc các nhánh Srê, Chil, Lạch… có khác hơn: Có họ riêng, ví dụ như các dòng họ Cill, Langbian, Dagút, Păngting, Lơmu… (ví dụ Cill Git, Langbian Git…). Cũng có những người có họ tên na ná với người Mạ hoặc người Mnông như Cill K’Git (nam), Cill Ka Git (nữ), Cill Ha Git (nam), Cill Hơ Git (nữ)… Thế nhưng có làng người Cơho cả đàn ông lẫn đàn bà đều được ghi tên trong chứng minh hoặc trong thẻ bảo hiểm y tế (và nhiều loại giấy tờ khác) là “K’” (phụ nữ cũng được ghi giống đàn ông là K’Nam, K’Bnam, K’Tnam…).

Còn ở hai tộc người Churu và Raglai thì họ, tên đệm và tên được phân biệt khá rõ. Ví dụ như một người có họ tên và tên đệm đầy đủ là “Jơrông Blơm Git” thì họ là “Jơrông”, tên đệm là “Blơm” và tên là “Git”. Hoặc giữa đàn ông và đàn bà còn có tên đệm rất dễ phân biệt như: Jơrông Blơm Ya Git (nam), Jơrông Blơm Ma Git (nữ). Thành phần tên đệm “Ya” và “Ma” này đối với nam và nữ hầu như không đổi. Tuy nhiên, khi làm các loại giấy tờ, do một số cán bộ người Việt (Kinh) chưa thành thạo cách đặt tên của người Churu và người Raglai nên đã có sự nhầm lẫn đáng tiếc về họ tên và cả giới tính.

Trước đây, do cuộc sống của người dân tộc thiểu số tương đối khép kín trong cộng đồng làng buôn nên việc họ tên trong các loại giấy tờ tùy thân không quá quan trọng đối với họ, nhưng nay thì khác rồi. Xin dẫn ra đây một minh chứng: Tại một văn bản sau tiếp xúc cử tri của tỉnh có nêu là “Cử tri huyện Đơn Dương phản ánh tình trạng thẻ bảo hiểm y tế cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số ghi sai tên, giới tính khá nhiều, gây khó khăn cho việc khám chữa bệnh của nhân dân; đề nghị tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho nhân dân”.

Khắc Dũng