Dưới mái ấm ngôi chùa nhỏ ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương, 12 đứa trẻ không nhà đã được bồng bế về đây nuôi dưỡng lớn lên theo năm tháng. Sư thầy trụ trì, Thích Từ Nhơn là người "bảo mẫu" cho trẻ bắt đầu từ 15 năm trước…
Dưới mái ấm ngôi chùa nhỏ ở xã Lạc Xuân, Đơn Dương, 12 đứa trẻ không nhà đã được bồng bế về đây nuôi dưỡng lớn lên theo năm tháng. Sư thầy trụ trì, Thích Từ Nhơn là người “bảo mẫu” cho trẻ bắt đầu từ 15 năm trước…
|
Sư thầy Thích Từ Nhơn (áo vàng) bên những đứa trẻ mồ côi ở chùa Giác Sơn |
Theo lời giới thiệu của Thượng tọa Thích Viên Thanh (Phó Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng), tôi tìm đến chùa Giác Sơn, tọa lạc bên Quốc lộ 27, thuộc thôn Lạc Bình, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương. Buổi sáng, đầu giờ một ngày tháng 3/2014, sư thầy trụ trì chùa Giác Sơn, Thích Từ Nhơn đang tất bật thi công dãy nhà mới dành cho trẻ mồ côi. Sư thầy chia sẻ: “Điều kiện cơ sở vật chất của chùa hiện đang gặp nhiều khó khăn cho trẻ sinh hoạt, ăn ở, học hành… Nay mới huy động tương đối đủ một khoản tiền xây dựng thành 2 tầng nhà để chuyển chỗ ở mới cho trẻ…”. Theo đó, toàn bộ khuôn viên chùa diện tích chỉ khoảng hơn một ngàn mét vuông, trong đó phần lớn tập trung xây dựng cho nhiều công trình chính phục vụ cho tu tập như chánh điện, khu vực các tượng Phật, khu vực cây xanh, khu vực nhà ở, nhà ăn… nên sư thầy Thích Từ Nhơn phải tận dụng diện tích nằm dọc theo đường đi bên hông phía sau chánh điện để thiết kế nhà nuôi trẻ mới 2 tầng - 8 phòng, mỗi phòng có diện tích 12m2, không kể diện tích hành lang, sân hè. Dự kiến thi công thêm vài tháng nữa, công trình sẽ hoàn thành với tổng kinh phí trên dưới 1 tỷ đồng, chia ra các khoản chi phí như vật tư xây dựng, thi công, sắm sửa giường nệm, mùng mền, bàn ghế, điện, nước… cho trẻ được thuận tiện “an cư”.
Sư thầy Thích Từ Nhơn với họ và tên khai sinh ngoài đời là Nguyễn Tấn Lang, nguyên quán ở TP. Hồ Chí Minh, thời niên thiếu theo gia đình ra Phan Thiết làm ăn và xuất gia tu tập tại đây. Khi sư thầy còn là chú tiểu, một lần tình cờ thấy một đứa trẻ sơ sinh bị vứt bỏ chết thương tâm bên bụi đường, từ đó đã phát nguyện sẽ tìm mọi cách góp phần cứu giúp những mảnh đời trẻ thơ để không xảy ra hoàn cảnh tương tự. Mãi đến năm 1996, lúc đã giữ chức sắc trụ trì chùa Giác Sơn sư thầy Thích Từ Nhơn mới gặp được “nhân duyên” đưa về nuôi đứa trẻ gái mới 5 tuổi, sống lang thang ở lề đường từ Phan Thiết. Sư thầy nhận đứa trẻ gái này trong hoàn cảnh đang đi xin tiền ở ngoài phố về nộp cho một gã đàn ông bất lương. Đứa trẻ thứ 2 là con trai mồ côi chưa đầy 4 tuổi, sư thầy bế về nuôi trong thời điểm đang sống lang thang với những người không phải ruột thịt ở vỉa hè ngoài đường. Đến nay, đứa trẻ trai này đã là một thanh niên 18 tuổi, đang làm sinh viên một Trường Cao đẳng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện tại, sư thầy Thích Từ Nhơn đang làm “bảo mẫu” cho 12 trẻ em từ 2 ngày tuổi đến 12 tuổi tại chùa Giác Sơn ở huyện Đơn Dương. Vài năm trở lại đây, đã có ít nhất 3 trẻ em từ 5- 6 tuổi (sau 3 - 4 năm nuôi dưỡng ở chùa) được người họ hàng thân thuộc tìm đến xin nhận về, sư thầy rất sẵn lòng: “Mục đích chính của chùa Giác Sơn là giúp trẻ em được lớn lên trong tình thương yêu của những người xung quanh, còn con đường vào đời khi trẻ đủ 18 tuổi sẽ tự quyết định. Nếu chưa đủ 18 tuổi mà có người thân bảo lãnh về nhà thì cũng là một kết quả tốt đẹp cho trẻ…”. Trong 12 đứa trẻ mồ côi đang nuôi ở đây, sư thầy bố trí từng phòng riêng hoặc từng dãy phòng chung cho từng lứa tuổi, tất cả trẻ đến tuổi đi học đều được đưa đến trường ở xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương.
2 ngày trước khi tôi đến chùa Giác Sơn để viết bài này, một người phụ nữ ngoài tỉnh đã nhặt một đứa trẻ sơ sinh bỏ rơi, hớt hải đưa đến cửa thiền nhờ nuôi, sư thầy Thích Từ Nhơn đã thành tâm đón nhận. Sư thầy thật lòng cho biết, hiện sư thầy có nguồn thu hàng tháng từ dãy nhà trọ thừa kế từ cha mẹ để lại ở TP. Hồ Chí Minh, cộng với nguồn thu từ 1 ha đất nông nghiệp ở huyện Đơn Dương, nên vẫn có đủ chút ít khả năng để tiếp tục đón nhận trẻ không nơi nương tựa về nuôi.
VĂN VIỆT