Trong những ngày giữa tháng 3/2014, trên một số trang mạng, blog đã đăng tải các bài viết nói về sự kiện ngày 14/3/1988 - đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa bị quân đội Trung Quốc đánh chiếm… với những câu chuyện cường điệu xung quanh sự kiện của 26 năm về trước…
(LĐ online) - Trong những ngày giữa tháng 3/2014, trên một số trang mạng, blog đã đăng tải các bài viết nói về sự kiện ngày 14/3/1988 - đảo Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa bị quân đội Trung Quốc đánh chiếm… với những câu chuyện cường điệu xung quanh sự kiện của 26 năm về trước…
|
Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trên các đảo, nhà Dàn DKI. Ảnh T.D.H |
* Lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước
Có thể nói, lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước vô cùng ác liệt và hào hùng của dân tộc Việt Nam. Từ xưa đến nay, trải qua từng giai đoạn lịch sử, dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với các thế lực ngoại xâm hung hãn để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã viết: “Nếu vẽ lịch sử dân tộc Việt Nam thì không có trang nào, dòng nào không tô đậm một thanh gươm nhuộm màu máu”. Việt Nam - “đất nước ra ngõ gặp anh hùng”!
Thực tế đã chứng minh: để đất nước hôm nay hoàn toàn độc lập, nhân dân được tự do, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, các thế hệ cha ông và cả dân tộc Việt Nam đã phải đổ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và xương máu. Truyền thống đấu tranh ngoan cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam được lưu truyền trong sử sách, trở thành niềm tự hào thiêng liêng và được truyền từ đời này qua đời khác. Đã bao đời nay, người Việt Nam không biết cúi đầu và đã đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược khi chúng đặt chân lên lãnh thổ hình chữ S này.
Đặc tính của chiến tranh đi liền với mất mát; song, dù phải mất tất cả, hy sinh tất cả để giành lấy độc lập cho Tổ quốc, gìn giữ giang sơn, đem lại tự do cho dân tộc thì nhân dân Việt Nam chẳng sờn. Cuộc chiến tranh của nhân dân Việt Nam là cuộc chiến tranh yêu nước và chính nghĩa nên giá trị không gì sánh nổi và sự hy sinh của nhân dân Việt Nam trong các cuộc chiến tranh là bất tử và phải được lưu danh muôn đời. Tổ quốc Việt Nam luôn ghi công những người đã hy sinh xương máu, cống hiến cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước và bảo vệ Tổ quốc.
Thật đáng buồn hiện nay có những người do nhận thức không đúng, hiểu không thấu đáo về ý nghĩa lớn lao của các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam nên đã suy diễn sai lệch, thậm chí “nhầm lẫn” giữa cuộc đấu tranh thần thánh của cách mạng Việt Nam với những cuộc chiến tranh ở nước…khác. Do đó đã vội ca thán, kể công, trách cứ Nhà nước thiếu quan tâm đối với những người đã hy sinh và những gia đình có công trong kháng chiến để rồi khơi gợi, cường điệu nỗi đau do chiến tranh mất mát trong quá khứ mà có thể không ít người trong số họ là người ngoài cuộc (!)
* Có nên cường điệu nỗi đau?
Xung quanh sự kiện ngày 14/3/1988, nhiều bài viết của một số tác giả nêu lại trận hải chiến trên đảo Gạc Ma của 26 năm về trước cùng với những hình ảnh tư liệu chắp vá; phân tích cuộc “chiến đấu không cân sức” và sự hy sinh của 64 cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam; nêu những suy nghĩ cá nhân với giọng điệu bi ai, trách cứ. Riêng tác giả Đào Tuấn đã đăng tải liên tiếp 3 bài viết (trên blog quechoa) kể về sự gặp gỡ (của tác giả) với các thân nhân của một số chiến sĩ đã hy sinh trong trận Gạc Ma dù đã 26 năm rồi nhưng toàn bằng nước mắt (?). Đó là vợ chồng một cựu binh già tự nuôi nhau trong bệnh tật, khó khăn túng thiếu; một bà mẹ có 2 con trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ và một người con trai hy sinh trong trận chiến Gạc Ma chưa tìm được hài cốt; 3 mẹ con cô giáo có chồng hy sinh cũng trong ngày 14/3 năm ấy hiện đang chật vật trong cuộc sống mưu sinh…
Trong chiến tranh, phụ nữ luôn là người chịu nhiều đau thương và thiệt thòi nhất. Họ tiễn chồng, con đi kháng chiến, thầm lặng nuôi con và chờ ngày toàn thắng người thân trở về. Và, khi người thân “không về nữa” thử hỏi có nỗi đau nào hơn! Trên đất nước này đã có biết bao người vợ góa chồng, người mẹ mất con qua các cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc ta. Trên thế giới đã có người phụ nữ nào được Nhà nước xây tượng đài để cả dân tộc hôm nay và các thế hệ mai sau luôn luôn ngưỡng vọng như Mẹ anh hùng Nguyễn Thị Thứ của Việt Nam ? (Mẹ Thứ có chồng, 9 người con ruột, con rể và 2 cháu ngoại hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ). Còn có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của Mẹ Thứ và có sự hy sinh nào trọn vẹn cho Tổ quốc như Mẹ Thứ nữa không?
Công bằng mà nói, mất mát nào cũng để lại nỗi đau, nhưng sự hy sinh cho Tổ quốc là sự hy sinh cao đẹp, Nhà nước và cả dân tộc Việt Nam đều ghi ơn và trân trọng. Chớ nên so sánh sự mất mát, đặc biệt sự mất mát người thân hy sinh vì Tổ quốc!
“ Chết con ta? Nhưng sống vạn đời thơ
Ừ, chúng cũng là con ta đó cả
Vợ ta chết? Nhưng sống muôn êm ả
Nhà ta tan? Nhưng sống vạn gia đình”
(Tố Hữu)
Có nhận thức được như vậy mới hiểu đúng giá trị cao cả của sự hy sinh lớn lao của cả dân tộc Việt Nam qua các cuộc chiến tranh yêu nước vĩ đại và mới hiểu giá trị đích thực của cuộc sống ngày hôm nay đáng quý biết dường nào.
Đã 39 năm đất nước hòa bình thống nhất, song hiện nay còn nhiều gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của chồng, của con em mình. Trên nhiều Nghĩa trang, còn đó những ngôi mộ “không tên” (vô danh); còn biết bao nhiêu liệt sĩ mà thân xác họ lẫn khuất đâu đó giữa rừng sâu, núi thẳm, trong sương khói mây ngàn. Trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị giữa “Mùa hè đỏ lửa” 1972, đã có biết bao nhiều người hy sinh mà thân xác của họ đã hòa trong cát bụi, hay chìm vào dòng Thạch Hãn cuồn cuộn trôi, để bất cứ ai cũng phải bùi ngùi mỗi lần về đây đều nghe ngân ngấn những câu thơ bi tráng:
“Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…”
(Lê Mã Dương)
Hay trong số 10 Cô gái Thanh niên xung phong hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc có người không tìm được xác trong hố bom sâu hoắm của quân thù. Và, trên quần đảo Trường Sa, trong suốt những năm canh giữ, đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, chống chọi với thiên tai bão dữ để canh giữ các Nhà giàn DKI…đã có hàng chục cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong những trận bão lớn của các năm 1990, 1998, 2000; trong đó có những người không tìm được xác…Đâu chỉ có 64 chiến sĩ hy sinh trong trận chiến đảo Gạc Ma? Trong số họ, có người mãi mãi nằm lại giữa lòng biển xanh, máu của các anh đã hòa vào nước biển, thân xác của các anh đã hóa thành san hô cắm sâu vào lòng đất mẹ.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đã có biết bao hy sinh, mất mát to lớn mà không thể gì sánh nổi. Riêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả nước có 1,1 triệu liệt sĩ, 600 ngàn thương binh; trên 300 ngàn người mất tích, trên 2 triệu người dân chết; khoảng 2 triệu người bị phơi nhiễm các chất độc hóa học…
Song, hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ để hướng tới tương lai! Chúng ta có nên gợi lại quá khứ, cường điệu nỗi đau? Ngoài ra, từ sự kiện Gạc Ma trên quần đảo Trường Sa, một số tác giả còn nhắc lại trận hải chiến trên quần đảo Hoàng Sa tháng 1/1974; đòi phải được tổ chức tưởng niệm, đòi Nhà nước công nhận liệt sĩ cho những người lính chế độ Việt Nam cộng hòa đã chết trong trận hải chiến của 40 năm về trước... Khơi gợi các sự kiện về Hoàng Sa, Trường Sa và cường điệu nỗi đau đã hơn một phần tư thế kỷ đi qua nhằm mục đích gỉ ?...
THẠCH TÂM