Nhịn ăn trưa chờ đặt vòng

03:03, 30/03/2014

Trở lại vùng Loan lần này trong cái nắng hanh hao tháng ba, chúng tôi chứng kiến đông đảo người dân hưởng ứng tích cực việc chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Từ sáng sớm nhiều chị em dân tộc thiểu số đã lặn lội đường xa địu con đến điểm làm dịch vụ. 

Trở lại vùng Loan lần này trong cái nắng hanh hao tháng ba, chúng tôi chứng kiến đông đảo người dân hưởng ứng tích cực việc chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ. Từ sáng sớm nhiều chị em dân tộc thiểu số đã lặn lội đường xa địu con đến điểm làm dịch vụ. 
 
 Hai bà mẹ trẻ: Ma Thôn và Ma Ương (từ trái sang) chờ đặt vòng
Hai bà mẹ trẻ: Ma Thôn và Ma Ương (từ trái sang) chờ đặt vòng
 
Có đến những vùng sâu mới thấy nhu cầu được chăm sóc sức khỏe của phụ nữ rất lớn. Mỗi năm 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn là cơ hội cho chị em tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Lần này, lễ phát động ra quân chiến dịch tổ chức tại xã Tà Năng quy tụ 5 xã vùng Loan (Tà Năng, Đa Quyn, Ninh Loan, Đà Loan, Tà In) cùng tham gia. Đây là vùng đất có nhiều cư dân của các tỉnh, thành cả nước hội tụ về sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số K’Ho, Chu ru, Tày, Thái, Dao chiếm 30%. 
 
Ông Ya Đa, ở thôn Masara - xã Tà Năng là người “đàn ông dũng cảm” đi đình sản đầu tiên ở xã Tà Năng cách đây 18 năm, khi ấy ông 41 tuổi có 4 đứa con. Bây giờ đã 59 tuổi, hưởng ứng chiến dịch, ông Ya Đa dậy sớm ăn mặc chỉnh tề sơ mi trắng thắt cà-vạt. Bước lên bục, không giấu nỗi xúc động và nội dung phát biểu chưa được lưu loát lắm nhưng tinh thần nhiệt tình của ông Ya Đa đã được đông đảo người dân ủng hộ: “Tôi có 4 con, bây giờ đứa lớn 25 tuổi, đứa út 19 tuổi. Tôi tình nguyện đi đình sản đầu tiên ở xã từ năm 1996, sức khỏe vẫn tốt. Tôi mong bà con không sinh con thứ ba, thứ tư ”. 
 
“Mỗi gia đình hãy sinh đủ 2 con”
 
Ngày 26/3, TS Trần Mạnh Hạ - Phó Giám đốc Sở Y tế phát động ra quân chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến 35 xã có mức sinh cao và vùng khó khăn đợt 1 tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh. Tốc độ gia tăng dân số nhanh ở Lâm Đồng đã được khống chế, tỉ lệ sinh đã giảm xuống còn 1,84%; số con trung bình của một phụ nữ độ tuổi sinh đẻ còn 2,25 con. Ở  vùng sâu, vùng khó khăn và một số địa phương có tỉ lệ sinh con thứ ba còn cao cần truyền thông giảm mức sinh nhằm đạt mức sinh thay thế, tuyên truyền về lợi ích của KHHGĐ, thực hiện khẩu hiệu: “Mỗi gia đình hãy sinh đủ hai con” tiến tới điều chỉnh mức sinh hợp lý trong toàn tỉnh.

Điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại Trạm y tế Tà Năng có hơn 100 phụ nữ đăng ký thực hiện các dịch vụ, phần lớn là các bà mẹ trẻ địu con theo chờ đến lượt mình. Trò chuyện với chị em mới thấu hiểu được nỗi lòng của người phụ nữ không ai muốn sinh nhiều con để mang gánh nặng gia đình khó khăn. Câu chuyện của Ma Thôn, 22 tuổi, địu con 9 tháng đang ngủ vùi trong lòng mẹ: “Em đăng ký đặt vòng vì em muốn “kế hoạch” đợi 5 năm sau mới sinh thêm 1 đứa nữa thôi. Vì mình nghèo quá, không có đất đai, hàng ngày đi làm cỏ cà phê được 120 ngàn đồng, cứ thay phiên nhau chồng làm thuê thì vợ ở nhà trông con”. Chúng tôi hiểu nguyên nhân sâu xa Ma Thôn không muốn sinh nhiều con vì gia đình em có 7 anh chị em, cuộc sống thiếu thốn, em không biết chữ, chỉ có 2 đứa em út được đi học đến lớp 5 rồi cũng nghỉ học. Mẹ em 60 tuổi đang mắc bệnh gan, bố bị gãy chân do tai nạn làm cầu nên gần 15 năm nay không làm được gì. Ma Thôn không muốn lặp lại hoàn cảnh gia đình đông con như bố mẹ mình, 7 giờ sáng từ nhà ở thôn 2, em đã địu con đi bộ 3 km đến Trạm Y tế Tà Năng chờ đặt vòng nhưng quá trưa vẫn chưa đến lượt. Ma Thôn bảo: “Em chờ cả ngày để đặt vòng, nhịn ăn bữa trưa, còn bé đã có sữa mẹ rồi!”. 

Nhiều bà mẹ trẻ ở đây cũng quyết tâm như thế. Người bạn đi cùng là Ma Ương, 22 tuổi, địu con 5 tháng tuổi vừa đang bú mẹ, cho biết: “Em mới sinh có một cháu này thôi! Em sợ sinh con nữa nên đến đây đăng ký chờ đặt vòng”. Chị Ma Chuyên, 33 tuổi, có 2 con (5 tuổi và 15 tháng tuổi) cho biết: “Đây là lần đầu tiên mình đến dịch vụ này. Mình sinh 2 con rất khó, phải chuyển từ Đà Loan lên Bệnh viện huyện Đức Trọng rồi lên Bệnh viện tỉnh mới sinh được, bây giờ mình sợ quá, không đẻ nữa nên quyết tâm chờ đặt vòng xong mới về”. 
 
Ka Hương - Cộng tác viên dân số ở cụm dân cư Láng Mít (xã Tà Năng) cho biết: Công việc của mình đều đặn hàng tháng đến trạm y tế nhận thuốc uống tránh thai và bao cao su để phát cho chị em. Dụng cụ tránh thai không có thiếu, riêng biện pháp đình sản bây giờ vận động khó lắm. Trong buôn có 2 chị sinh 5 - 6 con, mình vận động đình sản không được, các chị chọn thuốc tiêm tránh thai và đặt vòng. Chiến dịch đợt này, mình vận động 25 chị thực hiện các dịch vụ như đặt vòng, khám phụ khoa. Chị em đã rất quan tâm đến KHHGĐ, tự đến trạm y tế để nhận các dụng cụ tránh thai.
 
Chiến dịch cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản - KHHGĐ ở Tà Năng tổ chức 2 ngày 26 - 27/3, cùng với 4 cán bộ ở trạm y tế xã, đội dịch vụ SKSS/KHHGĐ của Trung tâm Y tế Đức Trọng tăng cường 6 người (1 BS, 2 cử nhân, 2 nữ hộ sinh trung học), huy động 14 y tế thôn bản và cộng tác viên dân số, dinh dưỡng để đáp ứng các hoạt động của chiến dịch. Nữ hộ sinh Lại Thị Thuận - Trưởng trạm Y tế xã Tà Năng cho biết: chị em đăng ký 25 ca đặt vòng, 5 ca đình sản và hàng trăm trường hợp đăng ký khám phụ khoa, sử dụng thuốc tránh thai. Càng ngày người dân vùng khó khăn càng nhận thức tốt hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ.
 
DIỆU HIỀN