Đã hơn 4 năm trôi qua, việc giải quyết đất tái định canh cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 (chỉ đề cập vùng ảnh hưởng trên địa bàn huyện Di Linh) vẫn chưa xong. Người dân vẫn tiếp tục thắc mắc, khiếu kiện...
Đã hơn 4 năm trôi qua, việc giải quyết đất tái định canh cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 (chỉ đề cập vùng ảnh hưởng trên địa bàn huyện Di Linh) vẫn chưa xong. Người dân vẫn tiếp tục thắc mắc, khiếu kiện. Một mặt, do khu vực đất qui hoạch tái định canh bị lấn chiếm và tái lấn chiếm nhiều lần; mặt khác, do diện tích đất bị ngập phát sinh chưa được đền bù, diện tích đất sau khi chặn dòng (17/9/2010) không có đường đi lại để canh tác…
|
Một trong những lô đất đã giao tái định canh nhưng vẫn còn để hoang |
Điều mà chúng tôi ghi nhận là UBND huyện Di Linh, các ngành liên quan của huyện và UBND 2 xã Tân Lâm và Đinh Trang Thượng đã tích cực triển khai Quyết định số 2396/QĐ - UBND ngày 22/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Huyện đã tiến hành bàn giao diện tích đất tại khu vực tái định canh (tại Tiểu khu 611 và Tiểu khu 615) cho Ban Quản lý Dự án Thủy điện 6 (QLDATĐ 6) để giải quyết đất định canh cho những hộ trong vùng bị ảnh hưởng lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3.
Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận khu đất tái định canh, Ban QLDATĐ 6 không kịp thời triển khai xây dựng các hạng mục công trình trong khu tái định canh; việc giải quyết đất tái định canh cho người dân còn có những bất cập, chưa hợp lý; thời gian giải quyết chậm chạp, kéo dài; thiếu sự hợp tác với các ngành và chính quyền địa phương…, nên đã bị nhiều người lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp và làm nhà ở. UBND huyện Di Linh đã nhiều lần tổ chức giải tỏa đất bị lấn chiếm và đã giao lại mặt bằng cho Ban QLDATĐ 6. Nhưng do tiếp tục kéo dài việc buông lỏng quản lý và không thực thi chức trách của mình, nên mọi việc… “đâu lại vào đó”!
Vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2013, UBND huyện Di Linh đã tổ chức huy động “tổng lực” để triển khai cưỡng chế, giải tỏa cây trồng, tháo dỡ 8 căn nhà (trong tổng số 15 căn nhà tạm, xây cất trái phép). Còn lại 7 căn, chủ hộ cam đoan tự tháo dỡ và Đoàn cưỡng chế yêu cầu chủ hộ tự tháo dỡ. Giải tỏa đến đâu, UBND huyện bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư (Ban QLDATĐ 6) để phối hợp với các ngành chức năng tiến hành tổ chức bốc thăm, giao đất và cấp ngay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân thuộc diện được cấp đất tái định canh. Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Di Linh: “Danh sách dự kiến ban đầu, diện tích 163,7ha đất tái định canh được chia cho 136 hộ. Tuy nhiên, hiện chỉ có 100 hộ đã bốc thăm và đã được cấp gần 85ha đất. Số hộ còn lại chưa bốc thăm và chưa được giao đất; diện tích còn lại chưa giải tỏa được vì cây trồng (cà phê) đã lớn và 7 căn nhà cũng chưa được giải tỏa xong…”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mặc dù UBND huyện Di Linh triển khai các giải pháp khá “quyết liệt”, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn có những bất cập, dẫn đến việc giải quyết đất tái định canh thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 hiện đang còn dang dở. Nguyên nhân, trước hết là do Ban QLDATĐ 6 thiếu trách nhiệm, thiếu sự hợp tác với địa phương để giải quyết. Đến nay, Ban QLDATĐ 6 vẫn chưa hoàn thành các hạng mục đầu tư tại khu tái định canh. Một số người dân không bằng lòng với mức nộp tiền khai hoang cho Ban QLDATĐ 6, vì họ cho rằng mức thu quá cao, nên không chịu nhận đất tái định canh. Mặc dù đã được giao đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, có người không kịp thời đưa vào sản xuất; có người bị đe dọa, gây cản trở từ phía người bị cưỡng chế giải tỏa, nên đất tiếp tục bị tái lấn chiếm thêm lần nữa. Việc xử lý các hành vi vi phạm (chống đối, gây cản trở hoặc không chấp hành quyết định cưỡng chế, giải tỏa) của chính quyền địa phương và các ngành chưa nghiêm, dẫn đến hiện tượng là một số người coi thường “kỷ cương, phép nước” tại địa phương, tái lấn chiếm đất nhiều lần; một số người quá “khích” đã đập phá chốt canh giữ (căn nhà tạm để bảo vệ, gìn giữ trật tự tại khu tái định canh)… Trong việc giao đất đã phát sinh việc làm sai trái là giao 30 ha đất cho 61 hộ dân không đúng đối tượng (theo Quyết định số 2396/QĐ - UBND ngày 22/9/2009 của UBND tỉnh Lâm Đồng) và hiện nay còn có 39 ha đất trong khu vực quy hoạch tái định canh đã trồng cà phê (3 - 4 năm tuổi) vẫn chưa có phương án hợp lý để giải tỏa…
Ngoài những bất cập nói trên, trong việc đền bù thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3 còn phát sinh 67 đơn thư khiếu kiện về diện tích đất và cây trồng ngập phát sinh; diện tích đất canh tác, sau khi chặn dòng, người dân không có đường đi lại; diện tích sai ranh phân định đất nông - lâm. “Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Di Linh đề nghị Ban QLDATĐ 6 cung cấp bản đồ thu hồi đất lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 để có cơ sở xem xét, giải quyết thắc mắc cho dân, nhưng đến nay Ban QLDATĐ 6 vẫn chưa cung cấp” – Theo Báo cáo số 07/BC-TTPTQĐ, ngày 12/3/2014 của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện.
Mới đây, theo báo cáo và đề nghị của Thanh tra tỉnh, ngày 13/3/2014, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1130/ UBND – TD về việc “Chỉ đạo công tác quản lý, sử dụng đất tái định canh thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3”. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ban QLDATĐ 6 và UBND huyện Di Linh phải tập trung giải quyết và khắc phục những tồn tại để thực hiện việc tái định canh cho những hộ có đủ điều kiện theo quy định; không để phát sinh “điểm nóng” về khiếu nại tố cáo, gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
“Trong việc tập trung giải quyết đất tái định canh thuộc Dự án Thủy điện Đồng Nai 3, thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức các cuộc đối thoại với người dân có đơn thư khiếu kiện; tổ chức rất nhiều cuộc họp với Ban QLDATĐ 6 và các đơn vị liên quan để bàn giải pháp giải quyết dứt điểm việc giải quyết đất tái định canh. Nhưng quả thực là Ban QLDATĐ 6 vẫn chưa tích cực phối hợp cùng với địa phương. Triển khai Văn bản số 1130/ UBND – TD của UBND tỉnh, vào ngày 20/3/2014, UBND huyện đã họp với Ban QLDATĐ 6 và các ngành của huyện để triển khai các giải pháp theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Lần này, chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt hơn!” - ông Nguyễn Canh - Chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho chúng tôi biết.
BÙI TRƯỞNG