Ngày 11/7/2014, Báo điện tử "Người Cao tuổi" của TW Hội Người Cao tuổi Việt Nam đã đăng tải bài viết: Lại "chuyện lạ ở Lâm Đồng": Khi con "quan" là ... con nghiện? của tác giả Mạc Hồng Kỳ. Nhiều người biết chuyện đã tỏ ý không đồng tình, thậm chí là bức xúc đối với những thông tin sai sự thật mà tác giả đã nêu.
Ngày 11/7/2014, Báo điện tử “Người Cao tuổi” của TW Hội Người Cao tuổi Việt Nam đã đăng tải bài viết: Lại “chuyện lạ ở Lâm Đồng”: Khi con “quan” là ... con nghiện? của tác giả Mạc Hồng Kỳ. Nhiều người biết chuyện đã tỏ ý không đồng tình, thậm chí là bức xúc đối với những thông tin sai sự thật mà tác giả đã nêu.
Cái sai thứ nhất:
Nội dung “cốt tử” mà Mạc Hồng Kỳ thông tin trong bài báo của mình, đó là:
“Sau khi đi cai nghiện nhiều lần không được, cuối năm 2012, cậu ta (tức Hoàng Long, con trai thứ hai của Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Sĩ Sơn-PV) được đưa thẳng vào Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Lâm Đồng mà không qua nghĩa vụ quân sự”.
Không hiểu, Mạc Hồng Kỳ dựa vào cơ sở nào để khẳng định điều này, vì sự thật hoàn toàn không phải như thế. Theo hồ sơ lưu trữ thì trước khi được chính thức tuyển dụng, thượng sỹ Hoàng Long đã có thời gian nghĩa vụ quân sự tại Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Lâm Đồng với thời hạn 3 năm, kể từ tháng 2 năm 2009. Điều này cũng đã được thể hiện rõ tại Quyết định tuyển dụng số 15/QĐ-CAT-PX13, ngày 4/3/2012 của Công an tỉnh Lâm Đồng do đại tá Nguyễn Đức Hiệp, Giám đốc Công an tỉnh ký. Chứng cứ trên đã chỉ ra rằng việc tuyển dụng Hoàng Long vào công tác tại Phòng Cảnh sát bảo vệ là đúng quy định tuyển dụng của Bộ Công an, chứ không phải như thông tin mà bài báo đã phản ánh.
Mạc Hồng Kỳ còn khẳng định: “Sau khi đi cai nghiện nhiều lần không thành” thì Hoàng Long mới được đưa vào Phòng Cảnh sát bảo vệ. Thượng sỹ Hoàng Long cho chúng tôi biết, anh ta không hề nghiện ngập và chưa bao giờ đi cai nghiện. Chúng tôi cũng đã xác minh tại Trung tâm cai nghiện tỉnh Lâm Đồng và rà soát danh sách người cai nghiện ở đây, thì không có ai mang tên Hoàng Long. Nhân đây, cũng xin được nói rõ rằng theo nguyên tắc phản ánh phóng sự điều tra, không cho phép tác giả áp dụng thuật ngữ “độ không xác định” để thay thế cho những con số. Ở đây, Mạc Hồng Kỳ đã dùng từ “nhiều lần” để phản ánh mức độ nghiêm trọng của vấn đề; vậy, người viết bài này xin được hỏi tác giả bài báo: Nhiều là bao nhiêu? Và thượng sỹ Hoàng Long đã cai nghiện ở đâu???
Xin minh chứng thêm rằng, theo quy định thì trước khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, điều bắt buộc là phải khám tuyển. Theo lời bác sỹ Nguyễn Bá Hy, Giám đốc Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng, thì việc khám tuyển nghĩa vụ quân sự là yêu cầu bắt buộc và phải được thực hiện nghiêm ngặt. Đặc biệt, nếu là khám tuyển cho ngành Công an thì người tham gia nghĩa vụ quân sự phải được tổ chức kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện tỉnh, trong đó thủ tục xét nghiệm máu để kiểm tra HIV và ma túy là một yêu cầu không được bỏ qua. Kết quả xét nghiệm của thượng sỹ Hoàng Long theo hồ sơ lưu, thì chỉ số xác định HIV và ma túy đều là âm tính. Điều đó, đã chứng minh rằng thông tin mà Mạc Hồng Kỳ khẳng định Hoàng Long là con nghiện và đã nhiều lần cai nghiện là vô căn cứ.
Cái sai thứ hai
Mạc Hồng Kỳ còn nói: “Một nguồn tin đáng tin cậy nữa cho hay: Cách đây 3 - 4 năm, Công an Lâm Đồng bắt quả tang một vụ vận chuyển ma túy trên chiếc xe khách của Công ty Phương Trang. Kẻ phạm pháp đã khai: Y chuyển hàng cho con trai ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Sỹ Sơn” và nói rằng Hoàng Long là “kẻ chủ mưu”.
Không biết Mạc Hồng Kỳ trích dẫn lời khai này từ nguồn tin “đáng tin cậy” nào, nhưng cái sai ở đây là vào thời điểm đó, ông Sơn chưa phải là Phó Bí thư Tỉnh ủy. Một trích dẫn sai thì không thể nói vấn đề Mạc Hồng Kỳ nêu là đúng. Xin nói với tác giả bài báo rằng: “chuyển hàng”; “nhận hàng” và “chủ mưu” là ba khái niệm khác nhau; tính chất, mức độ phạm tội khác nhau và cả 3 đều vi phạm vào tội hình sự. Đây là một vấn đề vô cùng hệ trọng không thể muốn nói sao thì nói. Vậy nên, nếu có lời khai đó đi chăng nữa, thì sự ràng buộc về trách nhiệm và đạo đức người làm báo cũng không cho phép Mạc Hồng Kỳ thông tin khi chưa có kết luận rõ ràng. Cần nhớ rằng, “chủ mưu” là một loại tội danh được quy định tại Điều 3 của Bộ Luật Hình sự. Kết luận phạm tội “chủ mưu” chỉ có Hội đồng xét xử của Tòa án mới có quyền. Vậy, xin hỏi Mạc Hồng Kỳ: Cơ sở nào mà tác giả kết luận Hoàng Long là kẻ chủ mưu của vụ vận chuyển ma túy cách đây 3 – 4 năm. Nếu chỉ căn cứ vào lời nói của cái gọi là một nguồn tin “đáng tin cậy”, hay là lời khai vu vơ nào đó mà vội vàng phản ánh trên báo chí, thì “hành vi tác nghiệp” như vậy là điều không thể chấp nhận được.
Cái sai thứ 3
Cũng trong bài viết này, tác giả Mạc Hồng Kỳ lại khẳng định: “chưa hết, năm 19 tuổi, chính “quý tử” Hoàng Long còn liên quan đến một vụ môi giới mại dâm tại địa phương (?)”...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 255 Bộ Luật Hình sự thì: Tội môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt người mại dâm. Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 14/3/2003 cũng đã quy định: Tội môi giới mại dâm là hành vi dụ dỗ hoặc dẫn dắt của người làm trung gian để các bên thực hiện việc mua dâm, bán dâm”. Nếu căn cứ vào quy định của Bộ Luật Hình sự thì có nghĩa là Hoàng Long phải là người có tham gia dụ dỗ hoặc dẫn dắt mại dâm và hành vi đó, chí ít phải được cơ quan điều tra kết luận. Đáng tiếc rằng, kết quả mà chúng tôi xác minh hoàn toàn trái ngược với những gì mà nhà báo Mạc Hồng Kỳ khẳng định. Tại Văn bản số 845 đề ngày 18/7/2014, trung tá Bùi Đức Rô - Phó Trưởng Công an thành phố Đà Lạt xác định: “Qua xác minh, rà soát các vụ án, chuyên án liên quan đến mại dâm trên địa bàn thành phố Đà Lạt từ năm 2000 đến nay, không có trường hợp nào liên quan đến vụ việc môi giới mại dâm mang tên Hoàng Long như báo đã nêu”. Đây chính là cơ sở, chứng tỏ rằng Mạc Hồng Kỳ đã nghe, suy diễn, rồi quy kết người khác theo ý chí chủ quan của mình, một việc làm đặc biệt cấm kỵ trong hoạt động điều tra của báo chí.
Với những chứng cứ và phân tích ở trên, cho thấy ba vấn đề “cốt tử” mà nhà báo Mạc Hồng Kỳ thông tin trong bài báo của mình đều sai sự thật; hay nói cách khác, đó chính là sự vu khống, lăng mạ, xúc phạm, tạo ra những hệ lụy đáng buồn không chỉ cho cá nhân, gia đình, tổ chức (đối tượng mà bài báo phản ánh) mà còn tác động tiêu cực cho xã hội. Rõ ràng, đây là chuyện không hề nhỏ. Nhiều câu hỏi được đặt ra là vì sao Mạc Hồng Kỳ lại cố tình viết sai sự thật và mục đích chính của bài viết là gì? Thiết nghĩ, câu trả lời đã được chính tác giả thể hiện quá rõ ràng ở ngay tựa đề. Bởi thế, những cái sai trong bài báo không thể là những cái sai do vô tình, càng không thể vì non tay trong tác nghiệp.
Bất luận vì động cơ, mục đích gì đi nữa thì sự thiếu khách quan, thiếu trung thực nói trên cũng đã vi phạm 9 điều quy định đạo đức người làm báo, để lại một góc tối đáng buồn trong đạo đức làm nghề đối với nhà báo Mạc Hồng Kỳ.
Triệu Quang