Hiểm nguy ở cầu Đông Thanh

10:07, 09/07/2014

(LĐ online) - Mỗi ngày, khi oằn mình gánh chịu hàng chục chiếc xe tải vượt quá 5 đến 6 lần tải trọng cho phép, tuổi thọ của cây cầu sắt Đông Thanh đang dần bị rút ngắn. Người dân xã Đông Thanh (Lâm Hà) nơm nớp nỗi lo sập cầu lần thứ 2. 

(LĐ online) - Mỗi ngày, khi oằn mình gánh chịu hàng chục chiếc xe tải vượt quá 5 đến 6 lần tải trọng cho phép, tuổi thọ của cây cầu sắt Đông Thanh đang dần bị rút ngắn. Người dân xã Đông Thanh (Lâm Hà) nơm nớp nỗi lo sập cầu lần thứ 2. 
 
Mối nối giữa trụ và cầu đã có dấu hiệu hư hỏng, tấm gỗ đệm mục được dằn sơ sài bằng dây thép
Mối nối giữa trụ và cầu đã có dấu hiệu hư hỏng, tấm gỗ đệm mục được dằn sơ sài bằng dây thép

Nguy cơ sập cầu Đông Thanh
 
Cầu sắt Đông Thanh được xây dựng từ năm 1984 với chiều dài 40m bắc qua suối Cam Ly nối hai thôn Tiền Lâm và Đông Anh thuộc xã Đông Thanh. Theo số liệu ghi trên biển tải trọng còn mới tinh gắn đầu cầu thì cầu này có sức tải 10 tấn. Song thực tế hiện trạng cầu Đông Thanh đã cũ kỹ và có dấu hiệu xuống cấp. Đây là cây cầu nối con đường liên xã có vị trí quan trọng trong việc lưu thông qua lại cũng như chuyên chở nông sản, cà phê, phân bón, thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng… của bà con các xã Đông Thanh, Mê Linh ra Nam Ban, Đà Lạt, Đức Trọng và ngược lại. Mật độ xe cộ qua cầu khá lớn.
 
Năm 2011, cầu này đã từng bị sập vì xe chở cát quá trọng tải chạy qua nhiều. Ngành chức năng địa phương đã khắc phục bằng cách gia cố, xây mới thêm trụ giữa cầu bằng gỗ. Tuy nhiên, hiện mối nối giữa trụ và cầu đã có dấu hiệu hư hỏng, tấm gỗ đệm mục được dằn sơ sài bằng dây thép. Vụ sập cầu, xe tải rơi xuống suối nhiều lái xe biết song vẫn cố tình làm ngơ, liều mình chạy qua cầu.
 
Từ đầu năm 2014 đến nay, cầu Nam Ban đang được xây mới, cầu tạm có tải trọng yếu nên toàn bộ xe trọng tải lớn chạy theo hướng từ Đà Lạt về Đức Trọng, Lâm Hà và ngược lại đều chuyển hướng đi qua cầu Đông Thanh. Anh Nguyễn Văn Quân (SN 1974) trú tại thôn Tiền Lâm, có nhà ngay sát chân cầu cho biết: “Mỗi ngày từ 3 đến 5 giờ sáng xe tải lớn chạy qua liên tục. Có những hôm xe chạy cả lúc 10 giờ đêm. Xe qua cầu không thể chạy nhanh mà cứ bò chầm chậm, máy rú lên cùng với tiếng rung xành xạch của cầu, gia đình tôi nghe lạnh cả sống lưng vì sợ sập”. Đứng trên cầu, anh Quân đã không khó để kéo những tấm sắt hai bên hay lấy ra những con ốc lớn từ cầu, đơn giản vì xe quá nặng chạy qua nhiều nên ốc vít long ra và rơi rụng. Nhiều hộ dân ở hai thôn bên cầu cùng tâm trạng lo lắng: Chưa kịp hoàn hồn với vụ sập cầu năm 2011, đến nay chứng kiến hàng chục chiếc xe lớn chạy rầm rập qua cầu, họ lại lo lắng cầu Đông Thanh sẽ sập lần thứ 2. Anh Nguyễn Văn Khoa, người dân kinh doanh ở đầu cây cầu cho biết: “Nguy hiểm nhất là xe tải ba chân, bốn chân chở vật liệu xây dựng với trọng tải từ 50 - 60 tấn qua cầu như rắn bò. Đầu xe đã bên kia cầu mà thân xe chưa tới giữa cầu. Những thanh sắt bị lỏng ra kêu xành xạch, cả cầu và xe rung rinh như đi trên phà”. 
 
Người dân ở đây cho biết, biển tải trọng đầu cầu thường xuyên bị cánh lái xe dùng bìa các tông dán lại để khi bị phạt nhằm lấp liếm với cơ quan chức năng rằng, không nhìn thấy biển báo.
 
Xử phạt nặng vẫn không thể đẩy lùi
 
Khi hỏi về biện pháp xử lý của chính quyền địa phương, ông  Đào Văn Tám – Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thanh cho biết: Cầu nằm trên con đường liên xã nên xã Đông Thanh không đủ thẩm quyền xử lý. Trước nhiều ý kiến kiến nghị của người dân, lãnh đạo xã đã có tờ trình đề nghị UBND và Công an huyện Lâm Hà thắt chặt xử lý, cấm xe quá trọng tải qua cầu.
 
CSGT Công an huyện Lâm Hà đã có kế hoạch phối hợp tuần tra, nhằm kịp thời phát hiện và xử lý mạnh tay đối với xe ô tô chở quá tải. Song, những đoàn xe vi phạm vẫn “chạy như chỗ không người”. Đã có 17 trường hợp xe bị xử lý với mức phạt từ 4 - 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng tiến hành yêu cầu các chủ xe trên địa bàn ký cam kết không chở quá tải. Song, một lượng xe lớn chạy qua cầu Đông Thanh hàng ngày là xe từ các địa phương khác nên việc quản lý rất khó khăn. Đến nay, hầu như tình trạng này vẫn chưa được đẩy lùi. Thượng úy Nguyễn Quang Tùng - Đội phó Đội CSGT Công an huyện Lâm Hà lý giải thêm, các tài xế, chủ xe liều mình chạy qua cầu vì để tiết kiệm thời gian và chi phí, họ không lựa chọn con đường khác dài hơn gần 20km, trong đó có 5km dốc tức (người dân địa phương gọi là dốc Ông Quỹ) mà chọn cách chạy “chui lủi” vào mờ sáng và đêm khuya.
 
Người dân Đông Thanh lo ngại rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, cầu Đông Thanh có thể sẽ sập trước khi cầu Nam Ban kịp hoàn thành vào đầu năm 2015. Và những con đường nông thôn mới vừa được đưa vào sử dụng một năm nay ở Đông Thanh cũng sẽ tan nát, hiện nay nhiều đoạn đã lún sâu, nứt gãy, khi hàng ngày phải oằn mình gánh xe quá tải trọng.
 
Ngọc Ngà