(LĐ online) - Dọc theo bờ sông Đạ Quay (đoạn qua xóm Bình Thạnh, thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai), tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Đến nay, hơn 7ha đất sản xuất nông nghiệp của 27 hộ dân nơi đây bị nước cuốn trôi.
(LĐ online) - Dọc theo bờ sông Đạ Quay (đoạn qua xóm Bình Thạnh, thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai), tình trạng sạt lở đã và đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Đến nay, hơn 7ha đất sản xuất nông nghiệp của 27 hộ dân nơi đây bị nước cuốn trôi. Thậm chí, nhiều điểm tại khu vực này, đã bị sông “ăn” sâu vào hàng chục mét, khiến nhiều hộ dân hoang mang, khốn đốn!
|
Một điểm sạt lở mới tại bờ sông Đạ Quay (xã Đạ Oai) |
Khổ vì sông!
Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện tượng sạt lở đất canh tác của người dân xóm Bình Thạnh đã diễn ra trong nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục. Theo thống kê, hiện có 27 hộ dân với trên 7ha đất sản xuất bị sông Đạ Quay cuốn trôi. Hộ ít thì bị nước sông cuốn trôi 1 sào, hộ nhiều lên đến 1ha. Dựa trên bản đồ địa chính xã Đạ Oai cho thấy, chiều rộng khu vực sạt lở được xác định từ 50 - 70 mét, chiều dài khoảng 400 mét. Ngoài ra, tại đây còn có khoảng 30 mét kênh thủy lợi Đạ Gùi cũng bị nước sông bẻ gãy. Cùng với đó, hiện còn hàng chục ha đất canh tác của người dân nơi đây đang nằm trong tình trạng “báo động” và có nguy cơ bị nước sông cuốn trôi bất cứ lúc nào. Ông Huỳnh Quả, một hộ dân bị sông cuốn trôi đất, phản ánh: “Gia đình tôi có 4 sào đất ven sông, trước đây được dùng để trồng dâu nuôi tằm. Chừng ấy đất, mỗi năm mang lại cho gia đình tôi nguồn thu nhập từ 60 - 70 triệu đồng. Nhưng đến nay, tất cả đã bị nước sông cuốn trôi không còn một tấc!”.
Thực tế cho thấy, hầu hết diện tích đất bị sạt lở 2 bên bờ sông chủ yếu được người dân địa phương canh tác cây dâu tằm và đa số đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong số 27 hộ có đất bị sông cuốn trôi, có 3 hộ hiện không còn đất để sản xuất. Đó là các hộ Hồ Thanh Áng, Nguyễn Thị Tâm và Đặng Văn Dần (đều ngụ tại xóm Bình Thạnh). Khi được hỏi về hoàn cảnh của gia đình mình, ông Hồ Thanh Áng không giấu được sự bức xúc: “Còn đâu nữa chú! Gia đình tôi chỉ có gần 3 sào đất để trồng dâu nuôi tằm, nay đã bị nước sông “nuốt” trọn. Đất không còn, buộc gia đình tôi phải thuê 2 sào đất để kiếm kế sinh nhai. Vào mùa khô, tôi còn phải dắt bò đi cày thuê, khổ lắm!”.
Ông Võ Văn Đào, Chủ tịch UBND xã Đạ Oai, cho biết: “Tình trạng sạt lở dọc theo bờ sông Đạ Quay đã được chúng tôi kiến nghị lên cơ quan cấp trên để tìm phương án khắc phục và hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại. Chúng tôi cũng mong muốn các ngành chức năng sớm có biện pháp giải quyết”.
Tại trời hay tại người?
Theo phản ánh của người dân địa phương, nguyên nhân làm đất sản xuất của họ sạt lở một phần là do yếu tố tự nhiên, song không thể phủ nhận sự tác động của con người. Điều mà người dân xóm Bình Thạnh nhắc đến nhiều nhất khi gặp chúng tôi, đó là hoạt động khai thác cát, sỏi từng diễn ra trên sông Đạ Quay (đoạn chảy qua khu vực sạt lở). Ông Nguyễn Xuân Lăng (Trưởng thôn 3, xã Đạ Oai) xác nhận: “Năm 2011, ông Lưu Quang Trung (ngụ tại thôn 4, xã Đạ Oai) được cấp giấy phép khai thác cát sỏi trên khúc sông này. Điểm khai thác trước đây của ông Trung nằm cách khu vực sạt lở khoảng 250 mét. Sau khi xảy ra tình trạng sạt lở, đến cuối năm 2013, ông Trung bị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép khai thác. Khối lượng cát, sỏi trên sông được ông Trung đưa máy xúc, xe ben vào khai thác suốt 3 năm qua không thể kể hết. Đến nay, mặc dù đã bị cấm, nhưng vào mùa khô hiện tượng khai thác “lậu” trên khúc sông này vẫn thường xuyên diễn ra!”.
Còn theo ông Nguyễn Huyện, cán bộ Địa chính xã Đạ Oai, thời gian qua, xã đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra và xử phạt hành chính đối với những đối tượng khai thác cát, sỏi trái phép trên khúc sông này. Song, hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép lại diễn ra vào ban đêm, nên gây khó khăn cho việc tuần tra, kiểm soát. Ông Hồ Thanh Thu, một người dân ở xóm Bình Thạnh, cho hay: “Những ai đã từng khai thác cát, sỏi trên khúc sông này, chúng tôi đều biết hết. Nhưng, mỗi khi bà con phản ánh lên xã, thì họ lại dọa bơm thuốc sâu vào vườn dâu nên ai cũng sợ!”.
Ông Nguyễn Quý Mỵ, Bí thư Huyện ủy huyện Đạ Huoai, cho biết: “Để khắc phục tình trạng sạt lở này, huyện đã lập Đề án và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đề án có tổng kinh phí 6,4 tỷ đồng, bao gồm cả kinh phí nạo vét dòng chảy và xây dựng bờ kè tại những điểm xung yếu. Dự kiến, trong thời gian tới, sau khi được UBND tỉnh cấp vốn, chúng tôi sẽ triển khai ngay các biện pháp khắc phục khu vực sạt lở. Riêng, những hộ bị nước sông cuốn hết đất sản xuất, chúng tôi sẽ chỉ đạo UBND xã Đạ Oai tiến hành điều tra, xác minh để kịp thời có biện pháp hỗ trợ cho bà con”.
KHÁNH PHÚC