Lâm vào khốn khó sau hai lần bị giải tỏa thu hồi nhà, đất

08:07, 02/07/2014

Ở đời "An cư mới lạc nghiệp", những ai bị xáo trộn chỗ ở đều gặp phải khó khăn. Đặc biệt, bị giải tỏa, thu hồi nhà, đất thì gặp phải vô vàn khó khăn, chật vật. Ấy vậy mà, có người có đến hai lần bị giải tỏa, thu hồi nhà, đất, nên vợ chồng từ chỗ làm chủ cuộc sống có nhà để ở, có đất sản xuất phải lang thang kiếm sống bằng nghề làm thuê. 

Ở đời “An cư mới lạc nghiệp”, những ai bị xáo trộn chỗ ở đều gặp phải khó khăn. Đặc biệt, bị giải tỏa, thu hồi nhà, đất thì gặp phải vô vàn khó khăn, chật vật. Ấy vậy mà, có người có đến hai lần bị giải tỏa, thu hồi nhà, đất, nên vợ chồng từ chỗ làm chủ cuộc sống có nhà để ở, có đất sản xuất phải lang thang kiếm sống bằng nghề làm thuê. Đó là trường hợp của vợ chồng anh Trần Văn Thái ở tổ 12, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc.
 
Trước tháng 7/1993, gia đình anh Trần Văn Thái sinh sống ổn định, lâu dài và thực hiện nghĩa vụ thuế nhà đất đầy đủ với nhà nước ở khu vực hồ Nam Phương 2, phường I, TP Bảo Lộc. Đến năm 2002, UBND thị xã Bảo Lộc (nay là TP Bảo Lộc) có chủ trương xây dựng hồ Nam Phương 2, nhà (66m 2) và đất (400m 2 đất ở, 1.539m 2 đất nông nghiệp) của gia đình anh Thái nằm trong diện phải giải tỏa trắng để xây dựng hồ. Khi bị giải tỏa toàn bộ nhà và đất, theo tính toán ban đầu giữa chính quyền địa phương với gia đình anh Thái tổng giá trị đền bù lên đến 98 triệu đồng, nhưng khi có quyết định chính thức thì chỉ có đền bù 45,899 triệu đồng, nên gia đình anh Thái không đồng ý. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động của các cấp, các ngành, gia đình anh Thái đã đồng ý “Tạm nhận số tiền đền bù giải tỏa 45 triệu đồng, để giao đất cho nhà thầu, đảm bảo tiến độ thi công công trình”. Việc tạm nhận tiền đền bù giải tỏa này có văn bản hẳn hoi. Tuy nhiên, sau khi công trình hồ Nam Phương 2 được hoàn thành đưa vào sử dụng, chính quyền địa phương không có sự điều chỉnh tiền đền bù, giải tỏa, gia đình anh Thái liên tục có đơn khiếu nại gửi nhiều cấp, nhiều ngành từ đó đến nay, vẫn không được giải quyết thỏa đáng. 
 
Đã thế, ngày 7/3/2014, UBND TP Bảo Lộc có Quyết định 414/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ lô đất sản xuất chè, cà phê diện tích 2.913 m 2 đất duy nhất còn lại của gia đình anh Trần Văn Thái tại tổ dân phố 2, phường Lộc Phát giao cho Công ty TNHH Hà Bảo xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa. Lý do thu hồi đất, UBND TP Bảo Lộc cho rằng: Lô đất 2.913 m 2 gia đình anh Trần Văn Thái sử dụng trồng chè, cà phê thuộc các thửa số 106, 107, một phần thửa 108 tờ bản đồ số 27 đã có Quyết định 287/QĐ-UB ngày 5/8/1995 của UBND tỉnh “Thu hồi diện tích đất trồng chè của Nông trường chè Hà Giang thuộc Công ty chè Lâm Đồng để giao cho UBND TP Bảo Lộc quản lý”. 
 
Không đồng ý với Quyết định 414/QĐ-UBND thu hồi đất của UBND TP Bảo Lộc, qua nhiều lần đối thoại, anh Trần Văn Thái vẫn bảo lưu quan điểm rằng: Lô đất 2.913m2 đất trồng chè, cà phê của gia đình ông có nguồn gốc của bố vợ là ông Trần Lung khai hoang, phục hóa từ năm 1979 nằm xen kẽ trong khu vực đất của Nông trường chè Hà Giang, cũng như nhiều hộ dân khác, đến năm 1987 bố vợ anh cho vợ chồng anh sử dụng trồng cây chè, cà phê, ổn định từ đó đến nay, không tranh chấp với ai. Do không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND TP Bảo Lộc, gia đình anh Thái không tự giác bàn giao mặt bằng cho Công ty TNHH Hà Bảo, nên đến ngày 6/12/2013, UBND TP Bảo Lộc ban hành Quyết định 2490/QĐ-XPHC xử phạt hành chính gia đình anh Thái 30 triệu đồng về hành vi “lấn chiếm 2.913 m 2 đất của nhà nước quản lý”. Tiếp tục không đồng tình với quyết định xử phạt hành chính của UBND TP Bảo Lộc, anh Trần Văn Thái có đơn khiếu nại. Ngày 17/2/2014, UBND TP Bảo Lộc ban hành Quyết định số 267/QĐ-UBND hủy bỏ biện pháp xử phạt hành chính 30 triệu đồng đối với gia đình anh Thái vì hết thời hiệu xử phạt hành chính về đất đai được quy định tại Khoản 1, Điều 4, Nghị định 105/2009/NĐ-CP, ngày 11/11/2009 của Chính phủ.
 
Điều đáng nói là: Quyết định 414/QĐ-UBND TP Bảo Lộc thu hồi 2.913 m2 đất trồng chè và cà phê của gia đình anh Trần Văn Thái chỉ hỗ trợ tiền giá trị vườn cây gồm 350 cây cà phê, 138 cây chè với số tiền 26,506 triệu đồng (hiện anh Thái chưa nhận), trong lúc vườn chè của gia đình anh đã cho thu nhập hàng tháng trên dưới 1 triệu đồng, vườn cà phê cao sản của gia đình anh Thái được Hội Nông dân hỗ trợ tín chấp vay của ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư trồng mới, đang phát triển rất tốt. Đặc biệt, tại Điều 2 của Quyết định số 943/QĐ-UBND ngày 7/5/2014 của UBND TP Bảo Lộc về giải quyết khiếu nại của anh Trần Văn Thái nói rõ: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này, nếu không đồng ý, ông Trần Văn Thái có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án theo quy định của pháp luật”. 
 
Thực hiện nội dung của Điều 2, Quyết định 943/QĐ-UBND của UBND TP Bảo Lộc, ngày 12/5/2014, anh Trần Văn Thái khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu TAND TP Bảo Lộc giải quyết hủy bỏ Quyết định 414/QĐ-UBND ngày 7/3/2014 về việc thu hồi 2.913m2 đất sản xuất chè, cà phê của gia đình anh. Trong lúc TAND TP Bảo Lộc chưa giải quyết, thì ngày 25/5/2014, UBND TP Bảo Lộc tổ chức cưỡng chế, giải tỏa trắng toàn bộ lô đất trồng chè, cà phê 2.913m 2 đất của gia đình anh Thái giao cho Công ty TNHH Hà Bảo xây dựng nhà máy ươm tơ, dệt lụa. Điều đáng nói nữa là: Tại khu vực có diện tích đất của gia đình anh Trần Văn Thái bị thu hồi, nhiều hộ cũng nằm trong trường hợp tự khai phá năm 1979, thậm chí có nhiều hộ đã sang qua, bán lại, đến nay vẫn bỏ hoang, nhưng không bị UBND TP Bảo Lộc thu hồi. Chẳng hạn như các hộ nằm cạnh kề lô đất của anh Thái bị thu hồi như ông Phan Văn Minh, Nguyễn Đức Thoa, Trần Sách Đoan và phía sau còn nhiều hộ khác. 
 
Như vậy, từ một gia đình có cuộc sống ổn định, có nhà ở, có đất sản xuất, có vườn cây công nghiệp cho thu nhập hàng năm, sau hai lần bị giải tỏa, thu hồi nhà, đất, đến nay gia đình anh Trần Văn Thái bị “trắng tay”, lâm vào tình cảnh khốn khó, vợ chồng phải lang thang làm thuê, cuốc mướn để mưu sinh. Gia đình và 6 con có nguy cơ không còn chốn nương thân, bởi căn nhà 40m 2 trên lô đất 164m 2 tại khu tái định cư của UBND TP Bảo Lộc bố trí cho gia đình anh ở tạm năm 2008 đã có thông báo của Công ty Công trình đô thị đòi lại nhà vào tháng 2/2014. Đây là điều đáng quan tâm xem xét, giải quyết chí lý, chí tình của các cấp, các ngành chức năng trong tỉnh.
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ