23 mét mương thoát nước trên đường 723 tại khu Hòn Bồ ra suối Thái Phiên đoạn hạ lưu chạy qua những vườn hoa của người dân ở làng hoa Thái Phiên bị sập vỡ sau những trận mưa vào giữa tháng 7. Hơn 1,4ha trồng hoa cúc của 9 hộ gần đó bị ngập bùn không thể cứu vãn.
23 mét mương thoát nước trên đường 723 tại khu Hòn Bồ ra suối Thái Phiên đoạn hạ lưu chạy qua những vườn hoa của người dân ở làng hoa Thái Phiên bị sập vỡ sau những trận mưa vào giữa tháng 7. Hơn 1,4ha trồng hoa cúc của 9 hộ gần đó bị ngập bùn không thể cứu vãn.
|
Anh Trần Phú Bình đang cố gắng dọn dẹp đất đá trên mảnh vườn sát chân dãy taluy để có đất sản xuất |
Mương thoát nước sập vỡ, bờ taluy sạt lở
Được biết công trình mương thoát nước này vừa hoàn thành cách đây 7 tháng. Tuy nhiên, sau trận mưa gần đây nhất, đoạn mương này đã không đủ sức chống chọi. Ông Nguyễn Thái Hùm - người có gần 8.000m2 trồng hoa cúc ngay sát bờ mương chia sẻ: “Nhìn vào thành mương giống như tổ ong, những lỗ nhỏ rất nhiều nên không khó để nước lọt qua. Mương vỡ, nước tràn vào làm bồi lắng hồ tưới và ngập héo toàn bộ cây con. Hiện nay, gia đình tôi phải dùng can nhựa để gác vòi bơm nước, hút nước bề mặt rửa từng bông hoa cúc đang thu hoạch, mong cứu vãn một ít”.
Gia đình ông Bùi Hướng, có vườn cách xa mương thoát nước khoảng 600m, 3.000m
2 diện tích trồng cúc với nhiều lứa tuổi khác nhau đều héo rũ. Ông Hướng ngậm ngùi: “Đặc tính của hoa cúc không thể chịu được sự ngập nước hay đóng bùn chỉ trong vòng 3 - 4 tiếng. Trời ngừng mưa, nước đã rút hết song vẫn còn bùn đọng lại trong vườn. Tôi thật không biết cứu vãn vườn cúc của mình thế nào”.
Hiện tại, 9 hộ dân bị ảnh hưởng bởi việc cống vỡ đang khẩn trương rửa những bông lớn để cứu vãn một số hoa đang mùa thu hoạch. Còn đa phần cây con đã héo rũ. Theo bà con nơi đây, khoảng 80 - 90% lượng cây này sẽ không cứu vãn được.
Không chỉ có thế, ngay cả taluy lớn, sát đường 723 đoạn chạy qua khu vực 2 xóm Hòn Bồ, phường 12 cũng gây lo lắng cho người dân. Anh Trần Phú Bình - một hộ dân có vườn sản xuất ngay chân dãy taluy này chia sẻ: “Chưa kịp tận hưởng niềm vui mùa mưa năm nay không phải chịu cảnh nước và đất đá từ trên đường tràn xuống vườn sau mỗi trận mưa thì chúng tôi lại càng thêm ngao ngán. Taluy được xây xong từ đầu năm, nhưng chỉ sau trận mưa ngày 13/4/2014, nước tràn qua bờ kè kéo theo đất đá từ trên đường và cả cát đá sạt lở từ chính taluy trên đường 723 đã làm hư hỏng nhiều hoa màu, trong đó nặng nề nhất là 2.000 cây atiso chuẩn bị cho thu hoạch đã mất trắng”.
Được biết, trong suốt thời gian đơn vị thi công xây dãy taluy, gần 1.000m
2 đất vườn phải bỏ không vì đất đá và máy móc thi công. Nhưng đến nay, diện tích này vẫn không thể sản xuất được vì quá nhiều đá chẻ lớn lổn nhổn, trộn lẫn trong đất không thể dọn dẹp, san bằng nếu không có phương tiện cơ giới. Đó là sản phẩm còn lại sau khi đơn vị thi công thông báo là công trình đã “hoàn thành” và rời đi.
Anh Trần Anh (có vườn sản xuất tại đây), cho biết: “Những cơn mưa nhỏ gần đây cũng làm đất sụt lở xuống, đè bẹp diện tích hoa màu đang độ ra hoa. Hai cống thoát nước chính và phụ ở bờ kè không hoạt động hiệu quả. Lượng nước chảy xuống cống chính rất ít, còn cống phụ thì bị đổ bể vì nước quá nhiều. Mặc dù cống phụ đã được xây lại nhưng vẫn quá sơ sài. Lo sợ nước sẽ tiếp tục tràn, cống lại vỡ nên tôi nhặt nhạnh đá còn vương vãi trong vườn nhà, tự mình xây cao thêm bờ mương”.
|
Ông Nguyễn Đình Kỳ cố gắng trồng lại một ít cúc trên diện tích gần 3.000m2 bị hư hại do ngập nước |
8.000m
2 vườn dưới chân dãy taluy thoát nước của đường 723 nay xác xơ tiêu điều. Những khu vườn không thể tiến hành sản xuất. Nhà kính phải dỡ bỏ vì nước ngập, hoa màu thối rễ, đất đá trôi xuống làm cằn cỗi đất vườn. Ông Hồ Ngọc Dinh - Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, cho biết: Những hộ trên trước đây là một trong những hộ sản xuất giỏi, thuộc diện hộ khá tại địa phương. Nhưng từ 2007 tới nay, họ trở thành hộ nghèo, một phần vì đất không sản xuất được.
Mong qua được mùa mưa
Khi được hỏi về phương án xử lý, ông Nguyễn Đình Hướng - Phó Chủ tịch UBND phường 12 và ông Đặng Bảo Vinh - cán bộ khuyến nông phường 12 (thành viên đoàn khảo sát thiệt hại của người dân) đều cho biết: Sau khi nhận được kiến nghị của người dân, lãnh đạo phường và ban công trình xây dựng và đại diện chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành khảo sát tại vị trí mương đổ bể và thống kê thiệt hại của các hộ dân. Chủ đầu tư hứa sẽ khắc phục trong thời gian sớm nhất, song chưa có thời gian cụ thể.
Riêng về bờ taluy sát đường 723, ông Đặng Sanh - Trưởng Ban Giám sát công trình đầu tư cộng đồng phường 12, Tp. Đà Lạt cho biết: “7 năm qua, cứ qua mỗi lần mưa lớn bờ taluy này đều sạt lở. Từ đầu năm 2014 đến nay, bờ taluy này đã sạt lở ba lần. Khi người dân báo tin, ban giám sát đã báo đến chủ đầu tư và đơn vị thi công để có hướng khắc phục. Tuy nhiên, việc khắc phục còn sơ sài, xi măng chỉ có ở mặt ngoài còn bên trong chủ yếu là cát nên chỉ cần có mưa công trình rã ngay. Chất lượng công trình không đảm bảo kể cả bờ taluy và chất lượng mặt đường nhựa. Mương thoát nước ở taluy hầu như không đảm bảo, khi mưa nước tràn qua bờ và tràn xuống vườn nên người dân không thể sản xuất được”.
Những hộ dân có vườn sản xuất ở dãy taluy trên đường 723 và sát mương thoát nước đường 723 đều chung mong muốn những công trình này sẽ được sửa chữa kiên cố hơn để người dân yên tâm sản xuất, nhất là trong mùa mưa. Tuy nhiên, theo thông tin mà những hộ dân trực tiếp bị ảnh hưởng ở đây cho biết, thì các cơ quan liên quan nói rằng, các công trình này sẽ được khắc phục sau mùa mưa này (?).
P. Nhân - N. Ngà