Một số tiểu thương và hộ dân xung quanh Chợ trung tâm huyện Bảo Lâm tỏ ra bức xúc vì Công ty TNHH Liên Phước (chủ đầu tư) đã tự ý cho phép hàng chục hộ tiểu thương xây dựng trái phép các ki-ốt tạm bợ ngay trên… mặt đường nội bộ chợ để kinh doanh, buôn bán…
Một số tiểu thương và hộ dân xung quanh Chợ trung tâm huyện Bảo Lâm tỏ ra bức xúc vì Công ty TNHH Liên Phước (chủ đầu tư) đã tự ý cho phép hàng chục hộ tiểu thương xây dựng trái phép các ki-ốt tạm bợ ngay trên… mặt đường nội bộ chợ để kinh doanh, buôn bán. Việc làm này đã phá vỡ hiện trạng ban đầu, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến công tác phòng cháy chữa cháy, cũng như quyền lợi của các hộ kinh doanh trong khu vực chợ lồng. Các ki ốt tạm bợ, nhếch nhác mọc lên như nấm đã tạo nên những cơn “sóng ngầm” tại Chợ Bảo Lâm, rồi từ đó đã phát sinh khiếu kiện dài ngày.
Tự ý phá vỡ quy hoạch, thiết kế chợ
Công trình Chợ Bảo Lâm được xây dựng trên cơ sở Hợp đồng (số 05/HĐ-BOT ngày 2/3/2005) được ký kết giữa UBND huyện Bảo Lâm và Công ty TNHH Liên Phước, theo hình thức BOT (xây dựng-kinh doanh-khai thác-chuyển giao). Theo quy hoạch, thiết kế đã được UBND tỉnh phê duyệt, Chợ Bảo Lâm được xây dựng ở vị trí trung tâm thị trấn Lộc Thắng với khuôn viên rộng gần 1ha, trong đó diện tích xây dựng 3.271m2, gồm 2 khu chợ lồng (gần 400 quầy, sạp), sân, nhà giữ xe, đường nội bộ... Ngoài 2 khu chợ lồng chính, Chợ Bảo Lâm còn có 3 dãy nhà phố chợ với 65 căn nhà, diện tích từ 64 đến 83m2/căn, được ngăn cách với khu chợ chính bằng một con đường rộng 5m. Sau khi UBND huyện Bảo Lâm rao bán những căn nhà phố chợ trên, nhiều hộ gia đình đã mua và xây dựng nhà kiên cố để kinh doanh buôn bán. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, do công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng chưa tốt nên tại khu vực Chợ Bảo Lâm đã để 10 hộ dân cư trú xung quanh chợ lấn chiếm đường giao thông quy hoạch chợ dựng mái che và xây dựng hàng rào trái phép. Bên cạnh đó, chủ đầu tư và Ban Quản lý chợ, còn tự ý cho một số tiểu thương xây dựng trái phép 37 ki-ốt với diện tích gần 714 m2 trên đất thuộc quy hoạch xây dựng đường giao thông chợ để kinh doanh buôn bán.
Bà L.T.Y, một hộ dân tại khu vực phố chợ bức xúc: “Là một tiểu thương, sau khi biết UBND huyện Bảo Lâm rao bán đất phân lô ở các khu vực dãy phố Chợ Bảo Lâm, gia đình tôi đã gom tiền mua đất và xây dựng nhà hướng về phía đường giao thông nội bộ để kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, khu vực đường nội bộ chợ bất ngờ mọc lên hàng chục lều quán có tính chất tạm bợ (khung gỗ, tường che bằng tôn, hoặc phủ bạt - PV) để buôn bán đủ loại mặt hàng, từ quần áo, thực phẩm, cho tới các quán ăn... Từ ngày những ki-ốt tạm bợ này xuất hiện, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng, bởi phần lớn nước thải đều được đổ ra trước nhà chúng tôi, gây phản cảm, mất mỹ quan đô thị, nghiêm trọng hơn là nếu có cháy chợ thì không có đường vào để chữa cháy…”.
|
Xây dựng ki-ốt tạm bợ ngay trên lòng đường, gây cản trở lưu thông và công tác PCCC |
Thiếu quyết đoán trong việc xử lý vi phạm
Việc chủ đầu tư tự ý cho phép các hộ tiểu thương thuê mặt bằng xây dựng trái phép ngay trên đường giao thông nội bộ đã phá vỡ thiết kế ban đầu, không những thế còn gây mất trật tự, tạo nên sự nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, gây mất mỹ quan đô thị và cản trở công tác phòng cháy chữa cháy. Theo Kết luận số 31/TTXD ngày 23/5/2011 của Đội Thanh tra Xây dựng huyện Bảo Lâm (cũ), việc Công ty TNHH Liên Phước và Ban Quản lý chợ tự ý cho các hộ tiểu thương xây dựng các ki-ốt tạm bợ trên là vi phạm vào Điều 14 Nghị định 180/2007/NĐ-CP và khoản 3, Điều 11 Nghị định 23/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị UBND huyện Bảo Lâm xử phạt hành chính và yêu cầu Công ty TNHH Liên Phước, Ban Quản lý chợ thông báo cho các hộ tiểu thương tự tháo dỡ các ki-ốt tạm, khôi phục lại hiện trạng ban đầu, trả lại mặt bằng cho công trình Chợ Bảo Lâm trước ngày 30/6/2011. Nếu không thực hiện sẽ ra quyết định cưỡng chế. Đối với 10 hộ dân xây dựng mái che và xây hàng rào trái phép lấn chiếm đường quy hoạch chợ, yêu cầu phải tự tháo dỡ các công trình vi phạm trước ngày 31/5/2011. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND huyện Bảo Lâm tiến hành kiểm tra thực hiện quy hoạch và đơn kiến nghị của người dân, đồng thời đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh hướng chỉ đạo giải quyết. Để giải quyết tình trạng khiếu kiện kéo dài này, trong năm 2011, UBND tỉnh đã không dưới 5 lần ra văn bản chỉ đạo UBND huyện có biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng xây dựng ki-ốt trái phép tại Chợ Bảo Lâm. Tuy nhiên, đã hơn 3 năm qua, tất cả các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh vẫn... đang nằm trên giấy, chưa được UBND huyện Bảo Lâm chấp hành thực hiện triệt để.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết: “Thực hiện các công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, UBND huyện cũng đã rất nhiều lần chỉ đạo các phòng chức năng, UBND thị trấn Lộc Thắng phối hợp kiểm tra, lập biên bản và đôn đốc, nhắc nhở yêu cầu chủ đầu tư và Ban Quản lý Chợ Bảo Lâm thông báo tới các tiểu thương và chủ động tháo dỡ công trình vi phạm. Thế nhưng, đến nay, Công ty TNHH Liên Phước và Ban Quản lý Chợ Bảo Lâm vẫn không chấp hành những chỉ đạo của huyện. Trên cơ sở đó, UBND huyện cũng đã ban hành Quyết định 2173/QĐ-UBND ngày 16/5/2012 về việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thi hành Quyết định số 1043/QĐ-UBND ngày 9/4/2012 nhằm khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, đến nay tình trạng này vẫn chưa giải quyết được!”.
Khu vực chợ lồng (A và B) có 388 quầy sạp, nhưng chỉ có 240 quầy đang kinh doanh, chiếm chưa đầy 1/3 tổng số quầy sạp trong chợ. Trong khi những tiểu thương phải bỏ tiền ra mua quầy kinh doanh trong chợ ế ẩm, thì những ki-ốt tạm bợ lại tấp nập người mua, kẻ bán vì nằm ngay trên lòng đường, thuận tiện trong kinh doanh buôn bán, vô hình chung tạo sự bất bình đẳng đối với những tiểu thương trong chợ. Đã đến lúc, UBND huyện Bảo Lâm cần chỉ đạo quyết liệt và có hướng giải quyết dứt điểm tình trạng này theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, nhằm trả lại hiện trạng ban đầu cho chợ Bảo Lâm, từng bước lập lại trật tự kỷ cương trong kinh doanh buôn bán, góp phần xây dựng "văn minh thương mại", đồng thời đảm bảo mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường, thuận tiện cho công tác phòng cháy chữa cháy, đồng thời tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài...
Hồng Hải