Góp ý cho Dự thảo Luật Căn cước công dân và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

04:09, 14/09/2014

Chiều 12/9, với sự chủ trì của đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng, tại Đà Lạt diễn ra hội thảo góp ý cho Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), do Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh tổ chức. 

* Công dân phải khai báo 22 loại thông tin khi làm thẻ căn cước
 
Chiều 12/9, với sự chủ trì của đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng, tại Đà Lạt diễn ra hội thảo góp ý cho Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), do Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh tổ chức. 
 
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành cùng các đơn vị liên quan.
 
Đại biểu góp ý tại hội thảo
Đại biểu góp ý tại hội thảo
 
Các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh các vấn đề về điều kiện, các loại bất động sản được đưa vào kinh doanh. Phạm vi kinh doanh bất động sản của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản. Quy định cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, bảo lãnh trong bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai… Đây cũng là những nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang thu thập thêm ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện, nhằm thông qua tại kỳ họp sắp tới về dự Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), gồm 5 chương, 80 điều quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh bất động sản.
 
Trước đó, vào sáng cùng ngày, tại TP Đà Lạt, Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức hội thảo góp ý cho Dự thảo Luật Căn cước công dân. Hội thảo có sự tham dự của đồng chí Vũ Công Tiến - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH khóa XIII đơn vị tỉnh Lâm Đồng; đại diện lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
 
Luật Căn cước công dân có 7 chương, 42 điều quy định về căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Hầu hết đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất cần sớm thông qua dự luật, tuy nhiên phải làm rõ thêm một số từ ngữ, thuật ngữ, quy định tại các điều luật để phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Cụ thể, việc thu thập thông tin về phần nghề nghiệp, trình độ học vấn đối với công dân từ 14 tuổi là chưa cần thiết; quy định thời hạn sử dụng thẻ căn cước cũng chưa phù hợp, gây lãng phí thời gian và tốn kém rất nhiều cho xã hội, bởi theo quy định của Dự luật, đời người phải có tới 5 lần đổi thẻ căn cước là quá nhiều. Đặc biệt, Dự luật quy định người dân phải khai báo đến 22 loại thông tin liên quan đến nhân thân, quan hệ với chủ hộ, tình trạng hôn nhân… khi làm thẻ căn cước, trong khi thẻ chỉ thể hiện có 5 nội dung, điều này là rườm rà, gây phức tạp cho người dân.
 
Một số đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung thêm thông tin về mã số thuế cá nhân, số thẻ bảo hiểm y tế, số thẻ tín dụng trong phần cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, nên có quy định hành vi bị cấm đối với người khai báo thông tin là không được khai man, phải cung cấp thông tin đúng sự thực khi làm thẻ căn cước…
 
THỤY TRANG