Có thể nói, mấu chốt của vấn đề chính là ở thời điểm thanh lý hợp đồng giữa 2 bên, bởi có ý kiến cho rằng, văn bản này không hợp pháp mà do trung tâm tự... ngụy tạo.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, đông con tại huyện Giao Thủy (Nam Định), cựu nữ thanh niên xung phong Trần Thị Cậy (thôn 13, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) không có điều kiện học lên cao hơn như những bạn bè cùng trang lứa. Sau khi chọn vùng đất Nam Tây Nguyên làm quê hương thứ 2 để lập nghiệp, năm 2009, khi biết tin trung tâm có chủ trương giao khoán trồng, chăm sóc và sản xuất kinh doanh vườn chè, cà phê cho người lao động, bà Cậy đã làm đơn xin nhận giao khoán. Ngày 13/7/2009, bà Trần Thị Cậy và trung tâm cùng thống nhất ký vào bản Hợp đồng giao khoán số 100/HĐK-CNAQ-KT về trồng mới, chăm sóc, kiến thiết cơ bản và sản xuất kinh doanh cây chè cành.
|
Biên bản thanh lý hợp đồng được bà Trần Thị Cậy cho là trung tâm đã ghép chữ ký của bà |
Theo đơn phản ánh của bà Trần Thị Cậy: “Trên cơ sở hợp đồng giao khoán này, tôi được nhận khoán chăm sóc vườn chè cành giống gốc (trồng chè TB14 và 100 cây TB11) với diện tích 0,5ha, tại thửa 79, họa đồ lô đất do UBND tỉnh giao khoán cho trung tâm tại Quyết định số 2800/QĐUB ngày 15/7/2004. Ngỡ rằng bản hợp đồng nhận giao khoán vườn cây có thời hạn 20 năm sẽ là nguồn thu nhập ổn định cho gia đình sau này, thế nhưng, khi mới trồng được 1 năm thì trung tâm đã cho người tới xới đất, cuốc hố, bỏ phân nhưng không đầu tư gì cả và để đất bỏ hoang cho tới nay. Thấy lãng phí, nhiều lần tôi đề nghị với trung tâm khoán trắng cho tôi để tự trồng và chăm sóc, nhưng không được giải quyết. Trong khi hợp đồng nhận giao khoán giữa 2 bên đang còn hiệu lực (đến ngày 31/12/2028 mới hết hiệu lực), thì trung tâm lại lấy thửa đất đó giao cho người khác canh tác và không cho biết lý do tại sao, cũng không thanh lý hợp đồng với tôi”.
Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Hùng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao Kỹ thuật cây công nghiệp & cây ăn quả Lâm Đồng cho rằng: “Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, trung tâm đã đầu tư 100% vốn để trồng mới vườn chè theo quy trình kỹ thuật bảo tồn vườn chè giống gốc và được các cơ quan chức năng nghiệm thu với tỷ lệ sống đạt 92%. Năm 2010, do bà Cậy không thực hiện việc chăm sóc năm thứ nhất theo nội dung hợp đồng đã ký kết và có đơn kiến nghị thay đổi một số điều khoản của hợp đồng. Do không chấp nhận thay đổi điều khoản hợp đồng, ngày 20/7/2010, trung tâm và bà Cậy đã thỏa thuận chấm dứt thanh lý hợp đồng trước thời hạn. Vì vậy, đơn vị triển khai cuốc hố để trồng lại vườn chè bảo tồn với các giống chè TB14, TB11 theo như dự án trước đây đã phê duyệt là nhiệm vụ của đơn vị chứ không liên quan đến bà Cậy. Cũng tại diện tích này, hiện chúng tôi đang làm vườn ươm chồi giống cà phê, chứ chưa giao khoán cho người khác”.
Có thể nói, mấu chốt của vấn đề chính là ở thời điểm thanh lý hợp đồng giữa 2 bên, bởi có ý kiến cho rằng, văn bản này không hợp pháp mà do trung tâm tự... ngụy tạo. Trong khi trung tâm cho rằng, 2 bên đã thống nhất thanh lý hợp đồng vào ngày 20/7/2010, thì bà Cậy nói là Biên bản thanh lý hợp đồng trên chỉ là ghép chữ ký của bà, chứ bà chưa bao giờ thỏa thuận và ký vào bất kỳ biên bản thanh lý hợp đồng nào với trung tâm. Khi được đề nghị cho xem bản hợp đồng gốc, ông Lê Văn Hùng đã cung cấp cho chúng tôi Biên bản thanh lý hợp đồng được phô tô và nhận sơ suất do bộ phận văn thư lưu trữ của đơn vị đã làm thất lạc bản gốc. Theo nguyên tắc, những văn bản không có chữ ký “tươi”, không đóng dấu đỏ, cũng như bản phô tô không có chứng thực của cơ quan chức năng sẽ không có giá trị về mặt pháp lý.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, sau khi tiến hành điều tra xác minh, mới đây Sở Nông nghiệp - PTNT đã ban hành Quyết định 1079/QĐ-SNN về việc giải quyết khiếu nại của bà Trần Thị Cậy. Đồng thời nhận định, nội dung khiếu nại của bà Trần Thị Cậy về việc trung tâm thu hồi đất nhận giao khoán của bà chưa hết thời gian là đúng. Trên cơ sở đó, Sở đã giao cho trung tâm thanh lý hợp đồng số 100/HĐ-CNAQ-KT, ngày 13/7/2009 với bà Cậy (vì vườn chè là điều kiện chính để thực hiện các điều khoản trong hợp đồng không còn nữa, mà đã bị trung tâm phá, bỏ hoang tới tháng 7/2014 mới trồng lại cà phê ghép cành). Đồng thời, yêu cầu trung tâm phải ký lại hợp đồng với bà Trần Thị Cậy theo đúng trình tự pháp luật...
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, những nữ thanh niên xung phong đã dành cả tuổi xuân của mình cho Tổ quốc, không quản ngại mưa bom, bão đạn, luôn vững tin về một ngày toàn thắng. Trở về thời bình, chủ trương của Đảng và Nhà nước là phải tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những cựu thanh niên xung phong phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Việc được nhận giao khoán 0,5ha vườn cây này được xem là nguồn thu nhập chính của bà Trần Thị Cậy, vì vậy Trung tâm Nghiên cứu và chuyển giao Kỹ thuật cây công nghiệp & cây ăn quả Lâm Đồng cần sớm giải quyết nhu cầu được tiếp tục nhận giao khoán vườn cây trên của bà Cậy.
Hồng Hải