Cây rau xà lách xoong được di thực từ Đà Lạt về bén rễ trên cánh đồng Nà Sa của huyện Đức Trọng gần 10 năm nay. Đây cũng là một trong những vùng rau xà lách xoong lớn nhất của Lâm Đồng. Cây rau này đã giúp nhiều nông dân nơi đây xóa đói giảm nghèo và có của ăn của để.
Cây rau xà lách xoong được di thực từ Đà Lạt về bén rễ trên cánh đồng Nà Sa của huyện Đức Trọng gần 10 năm nay. Đây cũng là một trong những vùng rau xà lách xoong lớn nhất của Lâm Đồng. Cây rau này đã giúp nhiều nông dân nơi đây xóa đói giảm nghèo và có của ăn của để. Thế nhưng, hàng chục hộ dân nơi đây đang thất bát trắng tay, khóc đứng, khóc ngồi nhìn theo ruộng rau đang ngập úng trong biển nước.
Thất bát trắng tay
Khoảng 40ha rau xà lách xoong đang chuẩn bị thu hoạch ở cánh đồng Nà Sa của hơn 50 hộ dân Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng hiện đang ngập úng thối rữa giữa đồng nước mênh mông. Nhiều hộ dân rơi vào tình cảnh ruộng bị ngập, rau không có thu hoạch, việc làm cũng không có hiện như đang ngồi trên đống lửa. Đứng nhìn đám ruộng xà lách xoong của mình đang chìm dưới nước sâu, chị Phạm Thị Tuyết Mai ở thôn Phú Hòa, Phú Hội (Đức Trọng) nước mắt ngắn dài nói trong tiếc nuối: “Ruộng rau này là nguồn thu nhập để nuôi sống gia đình tôi. Giờ nước ngập, trắng tay rồi”. Chị Mai cũng cho biết, gia đình chị có gần 2ha trồng rau xà lách xoong ở cánh đồng Nà Sa này. Chị đã đầu tư máy móc và hệ thống tưới tự động để chăm sóc cho khu vườn mấy năm nay. Hiện, chuẩn bị vào vụ thu hoạch thì nước tràn về ngập hết. Lúc đầu gia đình chị cũng như các hộ dân trồng xà lách xoong nơi đây đã tìm cách ngăn bờ và thức suốt đêm để bơm hút, tát nước chống úng cho rau. Thế nhưng, chỉ được 2 ngày đầu, sau đó, nước tràn về quá lớn nên người dân đành “bó tay” và vô phương cứu chữa đối với ruộng rau của mình. Cũng theo chị Mai, với gần 2ha rau xà lách xoong nếu không ngập thì vụ này gia đình có thu nhập khoảng 150 triệu đồng, giờ nợ tiền phân cũng không có trả.
Cũng chung nỗi buồn mất của như chị Mai là anh Tô Đức Hùng ở thôn Phú Thịnh, Phú Hội. Không có đất, gia đình anh đã phải thuê 1,2ha ở cánh đồng Nà Sa để sản xuất rau xà lách xoong với tiền thuê đất hơn 30 triệu đồng mỗi năm. Anh cho biết, đã đầu tư tiền công, tiền phân, thuốc bảo vệ thực vật, tiền dầu máy bơm nước tưới… cho ruộng rau vụ này là hơn 60 triệu đồng. Nếu thuận lợi thì vụ này anh sẽ thu được gần 100 triệu đồng. Thế nhưng, giờ đã mất cả vốn lẫn lời.
Theo ước tính của người dân nơi đây, với diện tích rau bị ngập này, với giá hiện tại thì thiệt hại khoảng hơn 3 tỷ đồng. Đồng rau bị ngập không chỉ thiệt hại cho những chủ ruộng mà hàng trăm người chuyên làm nghề thu hoạch rau, vận chuyển rau xà lách xoong cũng thất nghiệp.
|
Cánh đồng xà lách xoong ngập úng dưới đồng nước trắng xóa |
Tại trời hay tại người?
Cánh đồng Nà Sa giáp ranh giữa thị trấn Liên Nghĩa và xã Phú Hội là một vùng trũng. Trước đây, người nông dân trồng lúa một vụ, hiệu quả kinh tế thấp. Gần 10 năm trở lại đây, người dân đã chuyển đổi sang trồng xà lách xoong cho thu nhập cao và tạo được thương hiệu ở nhiều thị trường trong nước. Trồng lúa chỉ cho thu hoạch một vụ còn xà lách xoong cho thu hoạch trung bình khoảng 6 vụ mỗi năm. Theo tính toán của người dân nơi đây, mỗi vụ trừ chi phí thì mỗi ha cho thu nhập trung bình khoảng 30 - 40 triệu đồng. Lợi nhuận gấp 5 - 6 lần so với trồng lúa trước đây.
Được biết, gần 10 năm nay, nông dân vẫn trồng xà lách xoong, phát triển bình thường. Có những năm mưa lớn vẫn xảy ra tình trạng ngập nhưng ngập ít và người dân đã dùng máy để bơm hút chống úng. Riêng năm nay, nước tràn về quá lớn, ngoài tầm kiểm soát nên không cứu vãn nổi. Người dân bức xúc và bất bình cho rằng lý do khiến ruộng rau của họ bị ngập là vì tuyến kênh tiêu nước cánh đồng Liên Nghĩa - Phú Hội xây dựng dở dang, ngắt quãng nên khi mưa lớn, nước theo kênh mương dồn về ngập lụt cánh đồng. Người dân cũng phản ánh, tuyến kênh này được xây dựng bằng bê tông và khi đến cánh đồng thì bị “cụt”, nước trực tiếp chảy ra cánh đồng, xói trôi cả đường đi và rác rưởi cũng tuồn về đổ ra đồng. Khi xây dựng kênh, người dân đã phản ánh với đơn vị thi công nhưng không có tác dụng. Anh Phan Tấn Viện ở Phú Hòa, Phú Hội cho biết: “Ruộng rau của gia đình tôi nằm ngay cuối con mương bê tông. Khi xây dựng tôi đã nói với họ (đơn vị thi công - PV) là phải làm sao chứ thế này thì ruộng nhà tôi bị trôi mất. Họ bảo không sao từ từ rồi làm tiếp. Thế nhưng, giờ hậu quả thì đã thấy rõ”. Người dân cũng phản ánh một nguyên nhân nữa làm ngập ruộng rau của họ là do hệ thống kênh tiêu bị bồi lắng, chính quyền đã thu tiền đền bù giải phóng mặt bằng hơn hai năm nay nhưng đến nay vẫn chưa nạo vét nên nước thoát không kịp.
Chúng tôi đã trao đổi với ông Phạm Viết Thạch - Chủ tịch UBND xã Phú Hội về những bức xúc, phản ánh của người dân. Ông Phạm Viết Thạch cho biết: “Hiện tượng ngập úng ruộng rau đã từng xảy ra nhưng do ngập ít nên người dân xử lý được. Năm nay, do mưa lớn nước đổ về nên dẫn đến tình trạng ngập úng gây ra thiệt hại. Còn hệ thống kênh thủy lợi thì chúng tôi cũng đã làm việc với thị trấn Liên Nghĩa để xây dựng tiếp. Riêng phần nạo vét kênh tiêu, chúng tôi cũng đã tiến hành vận động nhân dân hiến đất để nạo vét, mở rộng kênh mương. Hiện nay, có 5/6 hộ đã đồng ý đền bù giao đất nhưng còn một hộ nữa chưa giải quyết được nên chúng tôi chưa thể triển khai. Một nguyên nhân nữa là do người dân tự lấn chiếm làm thu hẹp bờ kênh nên nước thoát không kịp”.
Được biết, công trình tuyến kênh tiêu nước cánh đồng Liên Nghĩa - Phú Hội trước đây do Trung tâm Quản lý và Khai thác công trình công cộng huyện Đức Trọng làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 6 tỷ đồng. Hiện nay, công trình này được UBND huyện Đức Trọng giao cho Trung tâm Phát triển Quỹ đất của huyện quản lý làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, tuyến kênh này được chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 có chiều dài 279m bằng bê tông đã hoàn thành. Đoạn 2 là kênh đất và đoạn 3 là nạo vét thì vẫn chưa được triển khai xây dựng. Ông Phan Thanh Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đức Trọng cho biết: “Công trình này có tổng vốn đầu tư hơn 6 tỷ đồng, đoạn 1 đơn vị thi công đã hoàn thành nhưng đoạn 2, đoạn 3 thì đang tạm ngưng vì thiếu vốn. Đoạn 1 nhà thầu thi công cũng đang ứng vốn ra để xây dựng còn vốn nhà nước thì chưa có. Còn người dân phản ánh kênh chưa xây dựng xong đã xả nước về là không đúng vì đầu tuyến kênh vẫn được xây bít lại. Nước theo kênh chạy về ruộng của người dân là do mưa to nước hai bên tràn vào kênh đổ về gây ngập úng”.
Do trời hay tại người thì chưa biết nhưng thiệt hại tiền tỷ của người nông dân là rõ ràng. Tại trời thì không ai nói được, nhưng do con người thì có thể khắc phục. Nếu như chính quyền địa phương, các đơn vị liên quan triển khai dứt điểm, kịp thời công trình thủy lợi và người dân đồng lòng hiến đất để nạo vét kênh mương thoát nước thì có lẽ ruộng rau tiền tỷ sẽ không bị úng thối dưới nước sâu. Mong muốn của người nông dân nơi đây là chính quyền địa phương cần sớm đầu tư vốn, triển khai tiếp công trình kênh mương để tránh thiệt hại cho dân. Mặt khác, người dân cũng hi vọng chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ để họ giảm bớt thiệt hại và có điều kiện tiếp tục đầu tư sản xuất, tạo thu nhập cho đời sống.
DUY DANH