Cũng giống như nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở Lâm Đồng cũng khá phổ biến và được cho là kết quả của tâm lý khoa cử, sính bằng cấp của đại đa số người dân Việt Nam.
Cũng giống như nhiều địa phương trên cả nước, tình trạng thừa thầy thiếu thợ ở Lâm Đồng cũng khá phổ biến và được cho là kết quả của tâm lý khoa cử, sính bằng cấp của đại đa số người dân Việt Nam. Như vậy, vô hình trung đã tạo cho các em nảy sinh tâm lý chỉ có đại học mới là con đường duy nhất để vào đời. Để hiểu rõ hơn về thực trạng mất cân đối trong việc đào tạo “thầy” và “thợ” hiện nay, phóng viên Báo Lâm Đồng đã lược ghi lại những ý kiến của bạn đọc và các sở, ngành liên quan về vấn đề này.
Ông Hoàng Bình - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng
Việc quy hoạch, phát triển mạng lưới đào tạo của chúng ta hiện nay hình như đang thiên về ý kiến chủ quan nào đó chứ chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Theo thống kê từ Trung tâm Giới thiệu việc làm, Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay, người lao động đến đăng ký tìm việc làm khoảng 6.750 người, trong đó trình độ đại học và cao đẳng chiếm trên 48% số người đi tìm việc làm và chiếm trên 60% tổng số lao động được đào tạo. Trong khi cơ cấu về trình độ của thế giới là 1 đại học phải 4 trung cấp, 10 công nhân kỹ thuật; còn của ta hiện nay là 1 đại học, cao đẳng chỉ có 0,25 trung cấp, 0,12 công nhân kỹ thuật và 0,7 lao động phổ thông. Như vậy, nhận định đầu tiên là việc đào tạo của chúng ta đang lệch pha, cũng có thể nói là chúng ta tập trung đào tạo đại học, cao đẳng quá nhiều, trong khi đó đào tạo trung cấp, công nhân kỹ thuật quá ít làm cho cơ cấu của lao động hiện nay đang mất cân đối.
Thống kê từ Trung tâm Giới thiệu việc làm của sở, năm 2014, toàn tỉnh có 1.500 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động với số lượng gần 8.000 người, trong đó, trình độ đại học chỉ chiếm 5%, cao đẳng chiếm 4%, trung cấp chiếm 16%, công nhân kỹ thuật chiếm 11%, lao động phổ thông chiếm 64%. Cơ cấu cung - cầu lao động theo trình độ như sau: với trình độ đại học, toàn bộ người lao động đi tìm việc có 1.939 người, nhưng nhu cầu của doanh nghiệp chỉ có 369 cử nhân; tương tự cao đẳng nhu cầu tìm việc là 1.040, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp chỉ 352; ngược lại với trung cấp, số người đi tìm việc có 752, trong khi nhu cầu của doanh nghiệp lên tới gần 1.300 người; công nhân kỹ thuật tìm việc 350, nhu cầu của doanh nghiệp 887; lao động phổ thông 2.075, nhu cầu doanh nghiệp 5.038. Như vậy có thể thấy rằng, tình trạng mất cân đối ở các cấp đào tạo của chúng ta là quá lớn so với nhu cầu của doanh nghiệp, bởi ở trình độ đại học và cao đẳng quá nhiều, trong khi nhu cầu lao động doanh nghiệp cần ở trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật thì chúng ta lại thiếu trầm trọng.
|
Nhu cầu của thị trường lao động hiện nay đang rất cần nguồn lực công nhân kỹ thuật |
Ông Tạ Chí Ngọc Du -Giám đốc Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Lâm Đồng
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp, thời gian qua, thay vì tuyển dụng các kỹ sư, chúng tôi luôn ưu tiên tuyển dụng người lao động tốt nghiệp từ các trường nghề trong tỉnh. Bởi nguồn nhân lực chúng tôi cần hiện nay là người lao động trực tiếp sản xuất tại các nhà máy, xí nghiệp, chứ không cần kỹ sư nữa vì chúng tôi đã có đủ rồi. Công ty của chúng tôi hiện có tổng số 150 cán bộ công nhân viên và người lao động thì có tới 130 công nhân kỹ thuật được chúng tôi tuyển dụng từ các trường nghề trong tỉnh, hoặc tuyển dụng lao động phổ thông về tự đào tạo. Do quá trình học ở các trường nghề vẫn còn nặng về lý thuyết, ít cọ xát tại các doanh nghiệp nên khi vào làm việc các em còn rất lóng ngóng nên bắt buộc chúng tôi phải tiến hành đào tạo trực tiếp thông qua công việc hàng ngày. Một thực trạng đáng buồn là việc tuyển dụng công nhân kỹ thuật vào làm việc ở công ty rất khó khăn do nguồn cung khan hiếm. Đặc biệt, đối với chuyên ngành xây dựng, trong khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực làm công nhân xây dựng khá lớn, nhưng hiện nay không có trường nghề trong tỉnh nào đào tạo chuyên ngành xây dựng. Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc đào tạo công nhân kỹ thuật nói chung và công nhân xây dựng nói riêng chưa được quan tâm và thực hiện đúng mức nên tạo ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn thợ giỏi. Mặt khác, tâm lý sính bằng cấp của phần lớn người dân đều muốn theo học tại các trường đại học, cao đẳng để sau này có công việc nhàn hạ, lại có thu nhập cao hơn, chỉ trừ khi không có lựa chọn nào khác các em mới đi vào học tại các trường nghề nên dẫn tới tình trạng thừa thầy, thiếu thợ đang diễn ra khá phổ biến.
Ông Trương Duy Việt - Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Nghề Đà Lạt
Tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật Đà Lạt, năm 2007 được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Ngày 23/5/2014, trường được phê duyệt đầu tư thành trường chất lượng cao theo Quyết định 761/QĐ-TTg, đầu tư trọng điểm 6 nghề ở cấp độ quốc tế, khu vực Asean và quốc gia. Tuy vậy, tình hình tuyển sinh của nhà trường đang gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tuyển sinh vào hệ trung cấp theo các ngành nghề mà trường được cấp giấy phép đào tạo. Để hạn chế tối đa việc doanh nghiệp phải đào tạo lại khi tuyển dụng các em học sinh, sinh viên của nhà trường sau khi tốt nghiệp, chúng tôi ưu tiên việc giảng dạy thực hành với thời lượng 70% và chỉ dành 30% thời lượng dạy lý thuyết. Mặt khác, mấy năm gần đây, nhà trường đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, giảng dạy cho các em, đồng thời liên hệ cho các em về các công ty, nhà máy, xí nghiệp, nhà hàng, khách sạn… để thực tập, cọ xát từ những công việc cụ thể để các em tiếp cận tốt nhất với công việc sau khi ra trường. Chính vì vậy, khi ra trường, hàng năm nhà trường có từ 80-90% học sinh, sinh viên có việc làm ổn định.
Theo tôi được biết, gần đây rất nhiều kỹ sư và cử nhân sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm đã xin vào các trường nghề trong cả nước để học tập, bởi nhu cầu của thị trường lao động hiện nay cần thợ nhiều hơn cần thầy. Việc làm này sẽ góp phần từng bước làm thay đổi tâm lý sính bằng cấp của người dân Việt Nam, đồng thời mở ra tín hiệu mới cho các trường nghề trong việc tuyển sinh, đào tạo công nhân kỹ thuật trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Nhiên - số 10 Yaguot, phường 5, thành phố Đà Lạt
Cũng như tâm lý chung của các bậc phụ huynh, gia đình tôi muốn con mình sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ thi đậu vào một trường đại học nào đó cho bằng bạn bằng bè, cũng là để sau này ra trường cháu có một công việc nhàn hạ, gia đình cũng được nở mặt nở mày với bà con lối xóm. Thế nhưng, tôi biết học lực của cháu như thế nào nên đã định hướng cho cháu Trương Thành Đồng, con trai đầu của tôi đi học nghề. Thực ra, sau khi thi đại học không đậu, cháu Đồng rất buồn và xin đi làm bảo vệ tại Nhà máy nước hồ Tuyền Lâm Đà Lạt và tiếp tục “dùi mài kinh sử” để “ôm mộng” một ngày nào đó thi đậu vào một trường đại học. Từ thực tế ở tổ dân phố mình tôi nhận thấy nhiều cháu sau khi tốt nghiệp đại học mấy năm rồi mà vẫn chưa xin được việc làm, giờ về nhà phụ gia đình làm kinh tế, có cháu làm trái nghề, nhưng có rất nhiều cháu phải đi làm những công việc phổ thông nên thấy rất lãng phí công sức tiền của gia đình, nhà trường đầu tư cho các cháu ăn học. Chính vì vậy, gia đình tôi đã khuyên cháu Đồng nên theo học nghề để ra trường dễ xin việc làm hơn. Từ sự thuyết phục của gia đình, người thân, năm 2013, cháu Đồng đã xin nghỉ việc ở Nhà máy nước hồ Tuyền Lâm Đà Lạt để theo học khoa điện công nghiệp hệ trung cấp tại Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt. Tôi hy vọng rằng, sau khi tốt nghiệp ra trường cháu sẽ sớm xin được việc làm để phụ giúp gia đình trang trải cuộc sống.
Hà Duy Doanh - nhân viên phục vụ Khách sạn Mường Thanh Đà Lạt
Là cựu sinh viên K33, Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt, sau khi tốt nghiệp em đã “lang thang” khắp nơi xin việc, nhưng ở tất cả những nơi em đến như nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch… ở Đà Lạt đều không có nhu cầu tuyển dụng cử nhân du lịch nữa mà chỉ tuyển nhân viên phục vụ. Với mong muốn sớm tự lập, trong khi chờ xin việc phù hợp em đành chấp nhận làm nhân viên phục vụ tại Khách sạn Mường Thanh Đà Lạt. Em nghĩ với công việc này thì chỉ cần trình độ trung cấp, sơ cấp là làm được rồi chứ không cần phải mất đến 4 năm đèn sách nơi đất khách quê người với hàng trăm triệu đồng đầu tư của gia đình. Hiện tại nhiều bạn học đại học với em giờ cũng trong tình trạng này, có người thì đi bán hàng thuê, phụ xe, có người thì về làm nông cùng gia đình, còn với những bạn gia đình không có vườn tược, nương rẫy thì đành phải ở nhà chờ xin việc. Nếu biết trước sau khi tốt nghiệp đại học mà không xin được việc làm đúng với bằng cấp của mình như bây giờ thì em đã đăng ký đi học nghề rồi. Giờ nghĩ lại thấy lãng phí thời gian cũng như tiền bạc mà bố mẹ dành dụm đầu tư cho em ăn học quá. Trước đây em nghĩ rằng, Đà Lạt là một thành phố du lịch, thì với chuyên ngành du lịch, học xong sẽ có nhiều việc làm phù hợp, vậy mà hơn một năm nay em chưa xin được một công việc đúng với chuyên ngành mình được đào tạo.
Ông Đào Quang Hưng - Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD & ĐT Lâm Đồng
Thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau THCS, Sở GD & ĐT Lâm Đồng đặt ra mục tiêu hàng năm phải thu hút từ 10% - 15% học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN, trung cấp nghề. Tuy nhiên, mục tiêu này hầu như không đạt được. Thực tế, phần nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đều muốn học lên THPT hoặc bổ túc THPT, ít em chịu đi học nghề. Đặc biệt ở các khu vực kinh tế phát triển của tỉnh, việc vận động học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vào học nghề còn khó khăn hơn rất nhiều, vì điều kiện kinh tế gia đình của học sinh khá hơn nên họ đều mong muốn con em tốt nghiệp THCS sẽ học lên THPT. Do đó, việc phân luồng học sinh sau THCS gặp rất nhiều khó khăn. Từ năm 2008 - 2013, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp lớp 9 THCS vào lớp 10 THPT bình quân hàng năm 88,5%, số học sinh không vào lớp 10 THPT 11,5% đi học nghề hoặc đi làm (Sở không quản lý số học sinh đi học nghề và lao động). Ngành giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị trường học tập trung tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh THCS, song kết quả đạt được còn hạn chế. Năm học 2013 - 2014, việc tuyển sinh vào hệ TCCN đều không đạt chỉ tiêu, cụ thể: hệ trung cấp của Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng tuyển được 248/560 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 44,3%), Trường Trung cấp Quốc Việt tuyển được 38/400 chỉ tiêu (đạt tỷ lệ 9,5%). Vì vậy, để làm tốt việc phân luồng học sinh sau THCS, trước hết cần thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh trong việc chọn học nghề phù hợp với điều kiện thực tế thay vì vào THPT. Để làm được điều này, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp vô cùng quan trọng. Ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xóa bỏ tâm lý mặc cảm hoặc kỳ thị đối với những người lựa chọn con đường đi thẳng từ THCS vào các trường TCCN, trung cấp nghề hoặc vừa học vừa làm theo chương trình GDTX. Các cơ sở có đào tạo TCCN và trung cấp nghề cần hướng mạnh sang thực hiện các chương trình dành cho đối tượng tuyển từ học sinh tốt nghiệp THCS. Hệ thống trường THPT cần chuyển mạnh mục tiêu từ phát triển theo số lượng sang đầu tư vào chất lượng đào tạo. Đồng thời, đổi mới một cách căn bản chương trình giáo dục hướng nghiệp và giáo dục nghề phổ thông theo hướng nâng cao năng lực tự đánh giá và kỹ năng tìm kiếm thông tin về ngành nghề cùng với nhu cầu thị trường lao động cho học sinh phổ thông.
Nhóm PVBĐ (lược ghi)