Sao không trồng cây hương bài?

08:11, 28/11/2014

Hương bài có tên khoa học là Dianella ensifolia DC mà dân gian hay gọi là cây rễ hương hoặc huệ rừng. Ở Lâm Đồng, cây hương bài mọc tự nhiên khắp nơi trong rừng, từ vùng rừng có độ cao trên 1.000m đến vùng rừng chỉ với vài trăm mét. 

Hương bài có tên khoa học là Dianella ensifolia DC mà dân gian hay gọi là cây rễ hương hoặc huệ rừng. Ở Lâm Đồng, cây hương bài mọc tự nhiên khắp nơi trong rừng, từ vùng rừng có độ cao trên 1.000m đến vùng rừng chỉ với vài trăm mét. Nguồn hương bài tự nhiên ở Lâm Đồng trong những năm trước khá dồi dào; tuy nhiên, trong vài năm gần đây, loài cây rừng được xem là thảo dược mọc tự nhiên ở trong rừng này đã dần cạn kiệt bởi nạn khai thác thái quá của con người. 
 
Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh, huyện Đơn Dương... bảo rằng bây giờ, họ phải leo núi cả năm, bảy cây số, có khi đến hàng chục cây số hoặc hơn thế mới tìm thấy được cây rễ hương đem về bán cho các cơ sở chế biến hương (nhang). Trước, bà con chỉ cần “lội ra núi sau nhà” vài tiếng đồng hồ là có thể thu được cả bao hương bài mang về; nay, họ phải đi cả ngày từ sáng sớm tới tối mịt mới về, mà có khi cũng chỉ được vài kg rễ. Theo tài liệu của cơ quan chuyên môn, hương bài là loại cây thân thảo cao khoảng trên dưới 40cm, mọc nhiều ở rừng tự nhiên, mọc lẫn với các loại cỏ. Quý nhất ở cây hương bài là bộ rễ - rễ hương bài được dùng làm nguyên liệu để chế biến nhang (nhang hương bài có mùi thơm rất đặc trưng, nhang hương bài thường chỉ được sử dụng trong những dịp đặc biệt). Từ trước đến nay, các cơ sở chế biến nhang trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng khi muốn có loại nhang hương bài đặc trưng này thường trông cậy vào đội quân chuyên vào rừng khai thác cây rễ hương tự nhiên. Hiện, giá 1kg rễ cây hương bài khoảng 25.000 đồng/kg. Người khai thác rễ hương nếu “trúng” thì được vài ba mươi kg mỗi ngày; nếu không, chỉ dăm ba kg. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói ở đây là một khi cây hương bài tự nhiên trong rừng ngày một cạn kiệt nhưng không mấy ai nghĩ đến chuyện trồng loại cây này để có thu nhập.
 
Việc nhân giống cây hương bài không khó: Có thể nhân giống bằng hạt, giâm hom, tách gốc... Việc trồng cây hương bài cũng giống như trồng sả - trồng thuần hoặc trồng xen dưới tán rừng khi cây rừng chưa khép tán. Sau khi trồng khoảng một năm hoặc hơn một năm là có thể thu hoạch loại thảo dược này. Cứ một ha hương bài, theo cách tính của cán bộ chuyên môn, nhà nông có thể thu được trên dưới 4 tấn rễ khô. Như vậy, với giá 25.000 đồng/kg như hiện nay, hương bài là loại cây mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ. Một thuận lợi khác nữa là, đối với Lâm Đồng, hiện có rất nhiều vùng rừng thưa hoặc rừng trồng chưa khép tán, nông dân có thể trồng xen dưới tán rừng cây hương bài mà không lo sợ ảnh hưởng đến chất lượng cây rừng (cây hương bài chỉ cao khoảng 40cm). Bên cạnh đó, nếu trồng cây hương bài dưới tán rừng còn có tác dụng giữ ẩm cho đất, chống xói mòn... Có lẽ cơ quan hữu trách tỉnh Lâm Đồng đã đến lúc nghĩ đến một “dự án trồng cây hương bài” chăng?
 
THI HOÀNG