Ngay từ những ngày đầu triển khai, đầu tư xây dựng Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Và, sự cố vỡ đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 vào rạng sáng ngày 8/10/2014, càng khiến dư luận lo ngại và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với chủ đầu tư về mức độ an toàn của dự án trong vấn đề bảo vệ môi trường...
Ngay từ những ngày đầu triển khai, đầu tư xây dựng Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng đã thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận. Và, sự cố vỡ đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5 vào rạng sáng ngày 8/10/2014, càng khiến dư luận lo ngại và gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với chủ đầu tư về mức độ an toàn của dự án trong vấn đề bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có những cuộc trao đổi với người dân và các sở, ngành liên quan nhằm giúp dư luận hiểu đầy đủ hơn về những vấn đề đang được quan tâm hiện nay.
|
Xe cơ giới được huy động để khắc phục sự cố sạt lở tại hồ thải quặng đuôi số 5 vào tháng 10 vừa qua - Ảnh: HỮU SANG |
Ông Phạm Văn Thật, Tổ trưởng tổ 22, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm
Từ khi Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Lâm Đồng được xây dựng và đi vào hoạt động đến nay, người dân chúng tôi sống ở đây phải chịu đựng biết bao khổ cực do không khí bị ô nhiễm, nước thải “tấn công” vào vườn tược... làm đảo lộn cuộc sống. Nhưng vì sự phát triển chung, chúng tôi luôn ủng hộ và hy vọng vào sự thành công của Dự án. Tuy nhiên, sau sự cố vỡ đê phụ tại hồ thải quặng đuôi số 5 vào rạng sáng ngày 8/10/2014, khiến chúng tôi không khỏi bất an, lo lắng cho sự an nguy của những công trình thuộc Dự án này; trong đó, có những hồ chứa bùn đỏ. Tuy sự cố trên không gây nguy hại đến môi trường và chưa đến mức đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân tại đây, song việc xảy ra sự cố cho thấy nhiều công trình của dự án cần được các ngành chức năng có thẩm quyền vào cuộc kiểm tra lại. Giờ đây, các hộ dân đang tự hỏi, những năm tới, khi vào mùa mưa bão, liệu sự cố này có xảy ra tại hồ thải quặng, hoặc các hồ chứa bùn đỏ hay không? Nếu có, không biết chúng tôi sẽ phải đối phó ra sao? Ngoài ra, bà con còn lo ngại đến sự rò rỉ của hồ chứa bùn đỏ gây ô nhiễm tới nguồn nước sinh hoạt. Vì vậy, chúng tôi đang tính đến phương án lắp đặt hệ thống nước sạch để sử dụng. Nhưng do kinh phí quá lớn (khoảng 250 triệu đồng), nên chúng tôi chưa thể triển khai.
Bà Trần Thị Bé, tổ 22, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm
Cùng với gần 20 hộ dân khác trong tổ, trong thời gian qua gia đình tôi phải hứng chịu nhiều thiệt hại về kinh tế do nước thải từ cống xả số 3 tràn vào làm chết cá và héo rũ cây trồng. Đã nhiều tháng qua, hơn 4.000m2 mặt nước được gia đình tôi đào để nuôi cá đành phải bỏ hoang vì nước thải xâm nhập. Nước thải không chỉ “xóa sổ” nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản của chúng tôi mà còn làm chè và cà phê của bà con chết hàng loạt. Sự việc đã được chúng tôi phản ánh lên các ngành chức năng và lãnh đạo nhà máy để được xem xét giải quyết. Đội Cảnh sát Môi trường Công an huyện Bảo Lâm cũng đã tới hiện trường lập biên bản ghi nhận tình trạng này. Đồng thời, UBND thị trấn Lộc Thắng cũng đã có công văn kiến nghị gửi Công ty Nhôm Lâm Đồng (đơn vị trực tiếp quản lý Nhà máy Alumin Tân Rai) để kiểm tra, xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Người dân tại địa phương cũng đã trình bày nguyện vọng của mình và những mong nhận được sự giúp đỡ từ phía cơ quan chức năng địa phương cũng như phía Công ty để khắc phục hậu quả. Song, đến nay vẫn chưa có bất cứ sự hồi âm nào.
Bà Nguyên Thị Thuyên, tổ 23, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm
Nguồn nước mà chúng tôi đang sử dụng đều lấy từ giếng đào. Giờ đây, nước giếng của chúng tôi đã xuất hiện mùi hôi rất khó chịu, nhưng chúng tôi vẫn phải dùng. Nếu nhà nào không có điều kiện để mua máy lọc nước, thì cơm nấu từ trưa để tới chiều sẽ xuất hiện mùi ôi thiu. Thậm chí, áo quần ngâm vào nước khoảng 30 phút mà không giặt sẽ xuất hiện mùi hôi rất khó chịu. Hiện nay, nước mưa cũng không thể dùng. Bởi sau mỗi trận mưa, những thau nước mà gia đình hứng được đều đọng đầy bột alumin. Vào mùa nắng, chỉ cần khoảng 3 ngày là trên lá cà phê, chè và mái nhà bị bột alumin phủ trắng khiến chúng tôi rất lo ngại. Việc bụi alumin bám trắng trên lá khiến nhiều diện tích cà phê, chè, chanh dây của chúng tôi không thể phát triển. Cách đây khoảng gần 1 tháng, vườn chanh dây của gia đình tôi đang xanh mơn mởn bỗng bị úa vàng, rụng hết lá và trái non. Vườn cà phê cũng chịu chung số phận này. Chúng tôi chỉ sống cách nhà máy khoảng 500 mét, nên việc bị ảnh hưởng tiếng ồn, khói bụi, mùi tanh hôi là không tránh khỏi.
Ông Huỳnh Ngọc Hải - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng
Sau hơn một thập kỷ “thai nghén” đầu tư, xây dựng, đến đầu năm 2014, Nhà máy chế biến Alumin thuộc Dự án Tổ hợp Bô xít - Tân Rai (Lâm Đồng) chính thức đi vào hoạt động ổn định với công suất đạt từ 80-90% so với thiết kế ban đầu. Dự kiến trong năm 2014, nhà máy sẽ sản xuất từ 500-550 ngàn tấn alumin. Đầu ra của sản phẩm có tín hiệu rất tốt, hiện đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực châu Âu... Như vậy, với giá khoảng 360 USD/1 tấn alumin, thì năm tính lỗ theo kế hoạch sẽ giảm xuống, nhà máy sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người lao động. Việc nhà máy đi vào hoạt động được xem là điểm nhấn trong lĩnh vực công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt sẽ tạo ra bước đột phá mới cho ngành công thương Lâm Đồng. Dự kiến trong năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp của nhà máy sẽ chiếm 1/6 tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh cũng tăng trên 10% so với kế hoạch.
Sự cố vỡ đê phụ hồ thải quặng bô xít đuôi số 5 của nhà máy tuyển quặng vừa qua, thực chất là một sự cố mang tính chất kỹ thuật, chứ không có tác động gì lớn, bởi nó nằm trong khu vực của nhà máy. Theo thiết kế, dự án sẽ xây dựng 5 hồ chứa bùn và nước thải quặng, nhưng hiện nay mới chỉ làm xong 1 hồ (đang xây dựng hồ thứ 2), vì vậy khi tuyển quặng lượng đất thừa ra chưa có hồ mới để chứa, nên khi mưa lớn nước đổ về nhiều làm vỡ đê phụ hồ thải quặng đuôi số 5. Hiện sự cố này đã được khắc phục xong, nhà máy cũng đi vào hoạt động lại. Theo tôi, vấn đề đặt ra ở đây là phải thực hiện đồng thời các giải pháp như tiếp tục thi công các hồ khác để chứa; tăng cường thêm mức độ cảnh báo vào mùa mưa lũ, để khi thấy dấu hiệu bất thường, kịp thời khắc phục ngay, tránh tình trạng gây tác động không tốt đến tâm lý của người dân trong khu vực.
Ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Lâm Đồng
Xuyên suốt quá trình xây dựng, đi vào vận hành, Dự án Tổ hợp Bô xít - Nhôm Tân Rai đã nhận được nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân về vấn đề môi trường. Chính vì vậy, thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp tích cực với các ban ngành, địa phương liên quan thường xuyên kiểm tra thực địa, khảo sát tình hình môi trường khu vực xung quanh dự án này. Trước hết cần khẳng định rằng, sự cố vỡ đê phụ hồ chứa bùn đất thải quặng đuôi sau khai thác vào rạng sáng ngày 8/10/2014, là bùn đất sau khi tuyển, rửa quặng, không có chứa hóa chất, không chứa chất thải nguy hại, không gây ảnh hưởng đến môi trường (không phải là bùn đỏ). Bùn đỏ là loại bùn chứa các hóa chất độc hại sau công đoạn ngâm, hòa, tách quặng bô xít. Bên cạnh đó, những bất an, lo lắng của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, nước mặt, nước ngầm, đất, nước thải khu vực xung quanh nhà máy đã được chúng tôi chỉ đạo Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường tiến hành khảo sát tình hình môi trường tại khu vực dân cư sinh sống dọc theo đường số 4 (từ khu vực đối diện khoang 1 và 2 hồ bùn đỏ đến khu vực trước cổng nhà máy) đều cho kết quả tốt. Qua quan trắc môi trường xung quanh, các vị trí nước ngầm tại 4 hộ dân trong khu vực gần hồ bùn đỏ có pH từ 5-6.5; các tiêu chí khác không vượt QCVN 09:2008/BTNMT. Tiếng ồn, bụi tổng đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT mặc dù vào mùa khô. Nước mặt tại 2 vị trí quan trắc: trên điểm thải hồ quặng đuôi 500m, dưới điểm thải hồ quặng đuôi 500m (trước khi đổ vào hồ Cai Bảng), tất cả các thông số đều trong giới hạn của QCVN 08:2008/BTNMT. Đối với môi trường trong dự án, không khí tại các điểm quan trắc như khu vực xưởng tuyển, kho chứa quặng tinh, đường chuyền băng tải, khu vực lò nung, chân ống khói, máy phát điện, kho than, kho dầu... đều có các chỉ tiêu quan trắc nằm trong giới hạn cho phép của Quyết định 3733/QĐ-BYT quy định môi trường làm việc. Nước thải từ hồ quặng đuôi, các thông số đều trong giới hạn QCVN 40:2011/BTNMT (loại B1), riêng chỉ tiêu TTS=128,5mg/1 vào tháng 6-vượt QCVN quy định 28,5mg/1 do quan trắc đầu mùa mưa...
NHÓM PVBĐ (lược ghi)