Không chỉ còn là cảnh báo, những năm gần đây, hệ lụy từ việc xả nước, rác thải bừa bãi, vật tư nông nghiệp trực tiếp vào nguồn nước; việc nuôi thả và giết mổ gia súc, gia cầm trái phép với quy mô lớn trong khu dân cư… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật của người dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Không chỉ còn là cảnh báo, những năm gần đây, hệ lụy từ việc xả nước, rác thải bừa bãi, vật tư nông nghiệp trực tiếp vào nguồn nước; việc nuôi thả và giết mổ gia súc, gia cầm trái phép với quy mô lớn trong khu dân cư… đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống thường nhật của người dân trên địa bàn toàn tỉnh. Để có một môi trường không rác, ít ô nhiễm, trách nhiệm này không của riêng ai. Để hiểu rõ hơn về môi trường sống của chúng ta hiện nay, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có những cuộc gặp gỡ trao đổi với người dân và các sở, ngành liên quan về vấn đề này.
Ông Nguyễn Thành Phương - Tổ trưởng Tổ Dân phố Trần Quang Diệu, phường 10, thành phố Đà Lạt
Cả chục năm nay bà con trong Tổ Dân phố Trần Quang Diệu chúng tôi luôn phải sống trong mùi hôi thối nồng nặc của phân và nước giải từ chuồng bò của gia đình ông Nguyễn Trung Tuyên ngay trong khu dân cư. Điều đáng nói là việc nuôi bò thả rông với số lượng lớn (dao động từ 20-25 con), nhưng mọi thứ phân tro, nước giải đều thoải mái tống xuống rừng bên cạnh nhà dân nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Từ bức xúc của các hộ dân, đã nhiều lần đại diện Tổ Dân phố và UBND phường 10 đến nhắc nhở gia đình ông Tuyên đưa bò ra khỏi khu dân cư để nuôi nhốt, nhưng cho đến tận bây giờ ông Tuyên vẫn không chịu thực hiện. Không những thế, cứ vào mỗi sáng sớm và cuối buổi chiều, đàn bò này lại có dịp tung tăng… dạo phố để tìm cỏ ăn, gây cản trở giao thông, đồng thời thải phân và nước giải vương vãi đầy đường trông rất phản cảm.
Đại diện tổ dân phố và UBND phường cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp thành phố đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhưng không hiểu sao việc chăn nuôi bò thả rông và thường xuyên giết mổ bò trái phép có quy mô lớn của gia đình ông Tuyên nằm ngay trong khu dân cư vẫn cứ tiếp diễn? Bà con Tổ dân phố Trần Quang Diệu mong muốn các cơ quan có thẩm quyền cần sớm vào cuộc nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng nuôi bò thả rông, cũng như ngăn chặn việc giết mổ gia súc thường xuyên ở lò mổ trái phép này, nhằm trả lại môi trường trong sạch cho người dân trong tổ.
Ông Lê Hải - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng KCN Phú Hội
Sau gần 7 năm đi vào hoạt động, đến nay Khu Công nghiệp Phú Hội (Đức Trọng) đã thu hút được 26 dự án đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký trên 667 tỷ đồng và 36 triệu USD, trong đó, có 10 dự án đã đi vào hoạt động, 6 dự án đang đầu tư triển khai xây dựng.
Mặc dù đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, nhưng hiện tại KCN Phú Hội vẫn chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung nên đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động của các nhà máy và ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường. Do chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các doanh nghiệp đang hoạt động trong KCN phải tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ riêng, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp, cũng như cản trở việc thu hút đầu tư, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ đe dọa đến môi trường xung quanh. Tuy lượng nước thải của các nhà máy, xí nghiệp trước khi đổ ra sông, suối vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường xung quanh, nhưng việc kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trong khu công nghiệp thời gian tới vẫn là rất cần thiết. Với quy mô dự án lên tới 7.000m3 ngày/đêm, tổng vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng, nên nhiều năm qua, việc kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Phú Hội vẫn là con số không.
Một điều đáng nói nữa là, cách KCN Phú Hội khoảng 400m, bãi rác P’ré - một bãi rác lộ thiên đã tồn tại hơn 20 năm qua, giờ đã quá tải, nhưng mỗi ngày vẫn có hàng chục xe chở rác vào đổ, kèm theo mùi hôi thối nồng nặc. Bãi rác này nằm ngay trên đồi, nên sợ rằng khi có mưa lớn rác và nước thải sẽ chảy xuống khu dân cư, đổ vào KCN gây ô nhiễm môi trường, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mấy năm trước có thông tin chính quyền địa phương có chủ trương đóng cửa bãi rác này vì đã quá tải, thế nhưng, không hiểu sao tới nay bãi rác P’ré vẫn phải “oằn mình” chứa thêm rác. Mong rằng huyện Đức Trọng sớm có giải pháp khắc phục bãi rác này để cho doanh nghiệp trong KCN Phú Hội yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Ông Đinh Viết Hòa - Quản đốc Nhà máy Thủy điện Ankroet
Hồ Đan Kia - Suối Vàng nằm trên địa bàn xã Lát, huyện Lạc Dương, có tổng diện tích 241ha, được người Pháp xây dựng nhằm phục vụ cho Nhà máy Thủy điện Ankroet. Hồ Suối Vàng gồm hai hồ là Đan Kia ở trên và Ankroet ở dưới, được tạo bởi hai đập cùng tên Ankroet chắn dòng sông Đa Dung phát nguyên từ núi Langbian. Với sức chứa 20 triệu khối nước, ngoài việc dùng để vận hành tổ máy phát điện của Nhà máy thủy điện Ankroet còn cấp nước cho Nhà máy nước Suối Vàng với công suất 18.000m3 nước/ngày, sau đó công suất được nâng lên 27.000m3/ngày, nhằm cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt. Từ năm 2011, Nhà máy nước Đan Kia 2, công suất 30.000m3/ngày được Công ty Gelexim đầu tư đi vào hoạt động, góp phần đáp ứng nhu cầu phục vụ nước sinh hoạt của người dân Đà Lạt. Hồ Đan Kia - Ankroet có tổng dung tích chứa khoảng 20 triệu m3, nhưng hiện nay ước chỉ còn khoảng 14 triệu m3. Nguyên nhân chính làm cho lượng nước trong hồ giảm mạnh là do tình trạng người dân tự ý đổ đất lấn chiếm lòng hồ để sản xuất nông nghiệp diễn ra khá rầm rộ. Cùng với việc lấn chiếm lòng hồ, nhiều hộ dân còn “vô tư” xả rác thải, vật tư nông nghiệp bừa bãi vào lòng hồ gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất kinh doanh của Nhà máy Thủy điện Ankreot và 2 nhà máy nước Suối Vàng và Đan Kia 2 - nơi sản xuất cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân Đà Lạt. Mặc dù đội quản lý lòng hồ thuộc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Lâm Đồng thường xuyên vớt rác thải (chủ yếu là vật tư nông nghiệp như vỏ chai thuốc trừ sâu, bao bì, túi nilon…), nhưng lượng rác thải vẫn còn nhiều, đặc biệt vào mỗi trận mưa, lượng rác thải tràn về ngập tràn chân đập. Mong rằng, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của chính mình.
Ông Quản Hành Quân - Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng (Sở KH&CN Lâm Đồng)
Sau hơn 1 năm khảo sát thực hiện Đề tài Nghiên cứu đánh giá chất lượng nguồn nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt, chúng tôi nhận thấy, hiện tại, hầu hết các mẫu nước ở hồ Chiến Thắng, Tuyền Lâm và Suối Vàng - những hồ có nguồn nước đầu vào cấp nước sinh hoạt cho người dân trên thành phố Đà Lạt đều rơi vào tình trạng ô nhiễm. Tuy việc cấp nước sinh hoạt cho người dân thành phố Đà Lạt hiện nay vẫn đạt yêu cầu, nhưng tại các hồ chứa trên, một số chỉ tiêu như độ đục, độ trong, thành phần lơ lửng cũng như một số chỉ tiêu về trầm tích dưới đáy bùn là rất đáng báo động, không đạt yêu cầu và nguy cơ tiềm ẩn về chất lượng nguồn nước thời gian tới không đảm bảo là rất cao. Từ kết quả phân tích cho thấy, nhiều mẫu nước đều không đạt kỹ thuật QCVN 08:2008/BTNMT như chất lơ lửng, Nito-Photpho… Các chỉ tiêu độc hại khác như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng vẫn nằm trong ngưỡng tiêu chuẩn Việt Nam cho phép, nhưng có nguy cơ tiềm ẩn nếu như chúng ta không làm tốt các biện pháp quản lý, bảo vệ lòng hồ, cũng như tuyên truyền người dân, đặc biệt là các hộ dân sản xuất nông nghiệp nơi thượng nguồn ý thức chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường.
Cũng qua khảo sát thực hiện đề tài này chúng tôi nhận thấy, phần lớn nguồn nước cấp đầu vào cho người dân thành phố Đà Lạt có được nhờ nước mưa đổ về trong quá trình rửa trôi gần các khu vực sản xuất nông nghiệp, các dự án du lịch nơi đầu nguồn nên khó tránh khỏi tình trạng ô nhiễm. Vì vậy, tại các khu vực hồ chứa nước, tỉnh không nên cấp phép đầu tư cho các dự án du lịch, khai thác khoáng sản, đồng thời cần có biện pháp ngăn chặn từ xa, kiểm soát chặt chẽ đối với các nguồn nước thải, rác thải, vật tư nông nghiệp nơi thượng nguồn thì việc cấp nước cho thành phố Đà Lạt mới đảm bảo an toàn.
Ông Lương Văn Ngự - Phó Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng
Thông qua các kết quả quan trắc chất lượng nước hồ Chiến Thắng, hồ Tuyền Lâm và Đankia từ năm 2010 đến nay, do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, cho thấy chất lượng nước thô tại các hồ sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt tại thành phố Đà Lạt mặc dù có dấu hiệu suy giảm về chất lượng, nhất là thông số ô nhiễm về chất rắn lơ lửng (TSS) và một số thông số hữu cơ như thông số BOD5 (nhu cầu ôxy sinh học), N-NH4 (amonia), nhưng vẫn đảm bảo cho mục đích sử dụng cấp nước sinh hoạt. Ngoài ra, theo kết quả quan trắc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật từ năm 2010 đến nay đối với các nhóm họ Clo hữu cơ, Carbamat và thuốc trừ cỏ tại các hồ cấp nước sinh hoạt với tần suất quan trắc 2 lần/năm (vào giữa mùa khô và giữa mùa mưa), chưa phát hiện được dư lượng các loại thuốc bảo vệ thực vật này ở tất cả các vị trí quan trắc và các mùa quan trắc. Đặc biệt, trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tiến hành phân tích một số mẫu nước sinh hoạt để đánh giá chất lượng nước sinh hoạt cung cấp đến người dân, kết quả phân tích cho thấy chất lượng nước sinh hoạt đủ điều kiện theo quy định QCVN 01:2009/BYT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước ăn, uống do Bộ Y tế ban hành.
|
Sau mỗi trận mưa, lượng rác thải, vật tư nông nghiệp đổ về lòng hồ Đan Kia - Suối Vàng khá nhiều |
Một số nguyên nhân chính làm suy giảm chất lượng nước tại các hồ, đó là do hoạt động nông nghiệp như việc thay đổi chế độ canh tác làm tăng mức độ xói mòn rửa trôi đất; chất thải nông nghiệp chưa được thu gom và xử lý hợp lý; phân bón và thuốc bảo vệ thực vật dư thừa trong quá trình canh tác bị rửa trôi. Bên cạnh đó, nước thải sinh hoạt của người dân, chất thải phát sinh từ hoạt động du lịch của các tổ chức, cá nhân chưa được thu gom và xử lý triệt để cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Nhằm ngăn chặn tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước nói riêng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường nói chung, thời gian qua Sở TN&MT đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền nâng cao kiến thức và nhận thức của cộng đồng dân cư, học sinh, sinh viên trong công tác bảo vệ môi trường. Đồng thời, tổ chức một số lớp tuyên truyền phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân và công chức quản lý môi trường cấp huyện xã và nhất là đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sản xuất kinh doanh, khai thác khoáng sản trong phạm vi toàn tỉnh thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư và kiểm tra công tác bảo vệ môi trường và xây dựng các công trình xử lý môi trường tại các dự án nhằm kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm…
Nhóm PVBĐ