(LĐ online) - Những năm gần đây cứ vào mùa cà phê (từ tháng 9 tới đầu tháng 2 năm sau), nhiều hộ dân sống ở các thôn thôn Crê Đăng, Bon Rơm và thôn Lạch Tông thuộc xã N'Thôn Hạ huyện Đức Trọng phải sống chung với mùi hôi thối thải ra từ Công ty TNHH Hồ Phượng chuyên chế biến cà phê tươi.
(LĐ online) - Những năm gần đây cứ vào mùa cà phê (từ tháng 9 tới đầu tháng 2 năm sau), nhiều hộ dân sống ở các thôn Crê Đăng, Bon Rơm và thôn Lạch Tông thuộc xã N’Thôn Hạ huyện Đức Trọng phải sống chung với mùi hôi thối thải ra từ Công ty TNHH Hồ Phượng chuyên chế biến cà phê tươi. Riêng năm nay, gần 5ha hoa màu của người dân có dấu hiệu chết bất thường, một số khác vẫn sống nhưng có mùi nồng nặc khiến thương lái không chịu thu mua. Trước tình hình đó, vào đầu tháng 12, một số bà con tại các thôn trên đã đến trụ sở UBND huyện Đức Trọng để yêu cầu can thiệp giải quyết.
Dân khổ vì nước ô nhiễm
Theo phản ánh từ người dân địa phương, Công ty TNHH Hồ Phượng bắt đầu xả nước thải cà phê ra khu hồ Crê Đăng (rộng 5ha) bắt đầu từ năm 2009 đến nay. Hằng năm, cả trăm hộ dân ba thôn trên phải chịu đựng mùi hôi khó chịu từ hồ bốc lên do nước thải cà phê từ công ty nằm trên đồi xả xuống hồ. Nằm gần nhà máy sản xuất của Công ty Hồ Phượng, giếng nước hộ ông Hoàng Văn Hải (58 tuổi, trú tại thôn Crê Đăng) có màu “lạ” và mùi khó chịu. Để xử lý nước ô nhiễm, ông Hải phải trang bị máy lọc nước với giá gần 3 triệu đồng để xử lý trước khi sử dụng. Ngay cả gia súc, gia cầm nhà ông Hải cũng không dám cho sử dụng trực tiếp nguồn nước này mà phải cho vôi vào xử lý trước. Không chỉ có hộ ông Hải mà hầu hết các hộ dân quanh khu vực lòng hồ đều phải trang bị máy lọc nước do lo ngại nguồn nước giếng đã bị thẩm thấu, ô nhiễm.
|
Ông Hoàng Văn Hải vớt cá chết trên hồ Crê Đăng để vứt đi cho đỡ mùi hôi thối |
Theo bà Nguyễn Thị Anh Hoa - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 20 công ty chế biến cà phê tươi. Trong đó, Chi cục quản lý trực tiếp hai công ty có công suất hoạt động từ 5.000 tấn/tháng trở lên, trong đó có Công ty Hồ Phượng. Còn lại công ty có công suất hoạt động dưới 5.000 tấn/tháng do cấp huyện quản lý trực tiếp. Bà Hoa cho biết thêm, hành vi xả thải của các công ty chế biến cà phê diễn ra về đêm rất khó phát hiện và bắt quả tang. Ngoài ra, các công ty đều có hệ thống xử lý nước thải và dễ dàng lách luật trong khi lực lượng kiểm tra đột xuất các công ty còn rất mỏng. |
Anh Lê Anh Dần (43 tuổi) sinh sống bên bờ hồ Crê Đăng cho biết: “Hàng ngày, Công ty Hồ Phượng tiến hành chế biến cà phê xả nước thải ra mương thủy lợi chảy thẳng xuống hồ Crê Đăng gây mùi hôi thối nồng nặc. Nước đen ngòm từ hồ chảy theo các con suối dẫn vào các khu vực sản xuất, khi bà con mở máy tưới mùi thum thủm đặc trưng từ công ty chế biến cà phê không thể nào chịu được”. Anh Dần cho biết thêm, 5 sào cà chua đang cho thu hoạch của anh khi anh dùng nước hồ để tưới thì xuất hiện hiện tượng cây héo lá, trái teo dần, lá đốm, cây ngừng phát triển. “Tôi đã có gần 20 năm kinh nghiệm trồng cà chua và những mùa khác hoàn toàn không có hiện tượng này. Cây cà chua chỉ xuất hiện dấu hiệu trên khi tôi dùng nước hồ để tưới. Cũng vì vậy nên nhiều bà con ở đây phải khoan giếng để lấy nước tưới” - anh Dần khẳng định. Vào thời điểm trên, khoảng 5ha rau xà lách, hành tây, cà chua… của người dân quanh khu vực hồ Crê Đăng bị héo úa, chết tới 30-40% diện tích gieo trồng, một số hộ đã phải cày xới đất sản xuất lại.
Ông Đinh Văn Hồ - Giám đốc Công ty TNHH Hồ Phượng cho biết: “Công ty có công suất 30.000 tấn tươi/năm, mỗi ngày có thể chế biến 300 tấn cà phê tươi”.
Sau khi đối chất với người dân ngay tại trụ sở công ty trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương, ông Hồ thừa nhận công ty ông xả nước thải xuống hồ Crê Đăng với lý do “Có một số trục trặc về kỹ thuật, anh em vận hành hệ thống xử lý chưa có kinh nghiệm nên nước thải xả ra có một vài ngày chưa đạt yêu cầu”. Tuy nhiên, nhiều người dân cho biết nguồn nước thải bốc mùi hôi, có màu đen được công ty xả ra liên tục khoảng 2 tháng nay.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Khi có ý kiến kiến nghị của người dân, Phòng TN&MT huyện Đức Trọng đã kiểm tra và xác nhận nước hồ Crê Đăng có mùi hôi, nhiều vị trí nước có màu đồng đen, bốc mùi nước thải cà phê. Trong đó, đoàn kiểm tra xác định gần 5ha hoa màu của người dân có dấu hiệu chết bất thường do dùng nguồn nước từ hồ Crê Đăng.
Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiến hành kiểm tra đột xuất và phát hiện nhiều lỗi vi phạm. Cụ thể, Công ty Hồ Phượng chưa có giấy phép xả thải vào nguồn nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn không phát hiện công ty xả thải trực tiếp ra môi trường. Tuy nhiên, qua ghi nhận hiện trường, đoàn ghi nhận nhận thấy có dấu hiệu công ty xả nước thải chưa qua xử lý. Theo đó, phía sau điểm xả thải của công ty có nhiều vệt đen khô đọng lại dọc bờ kênh thủy lợi. Trong đó, đoàn đánh giá cảm quan mẫu nước thải đã qua xử lý của Công ty Hồ Phượng vẫn có màu đen và có mùi đặc trưng của nước thải chế biến cà phê chưa qua xử lý.
|
Cán bộ Sở TN&MT lấy mẫu nước ở vị trí cuối cùng trước khi thải ra ngoài của Công ty Hồ Phượng |
Trước đó, vào năm 2012, Công ty Hồ Phượng cũng bị UBND huyện Đức Trọng xử phạt 14.500.000 đồng về hành vi liên quan tới hoạt động xử lý nước thải. Do có nhiều dấu hiệu sai phạm, đoàn kiểm tra đã yêu cầu tạm ngưng xả thải ra môi trường để chờ kết luận kiểm tra mẫu nước thải của Sở TN&MT.
Liên quan tới tình trạng này, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa VIII vừa qua, vấn đề ô nhiễm môi trường do các công ty chế biến cà phê ở Tà Nung gây ô nhiễm dòng suối Cam Ly Thượng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống cũng đã được các đại biểu nêu lên. Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Giám đốc Sở TN&MT tiếp thu ý kiến và trả lời cụ thể từng vấn đề cử tri quan tâm, ông khẳng định: Vấn đề ô nhiễm môi trường ở một số cơ sở chế biến cà phê đều được kiểm tra giám sát chặt chẽ, tuy nhiên doanh nghiệp lợi dụng vào ban đêm, vào mùa mưa để thải trực tiếp ra môi trường nhằm hạn chế chi phí nên gây khó khăn cho ngành chức năng, đề nghị nhân dân nêu cao tinh thần tố giác, thông báo cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý trong thời gian tới.
N. Ngà