Từ khi Quyết định của Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm (ngày 6/8/2014) có hiệu lực, nhưng bản án vẫn chưa được thi hành. Vậy việc thi hành án còn kéo dài đến bao giờ?
[links()]
Mặc dù có đơn kháng án, nhưng mãi đến gần 19 tháng sau, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Lâm Đồng mới tổ chức phiên tòa để xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất và tranh chấp quyền về lối đi qua bất động sản liền kề” mà TAND huyện Di Linh đã xét xử sơ thẩm vào ngày 11/1/2013. Từ khi Quyết định của Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm (ngày 6/8/2014) có hiệu lực, nhưng bản án vẫn chưa được thi hành. Vậy việc thi hành án còn kéo dài đến bao giờ?
Vụ việc mâu thuẫn giữa gia đình bà Mùng Si Múi và gia đình ông Sì A Lái (cùng trú tại thôn Gia Bắc I, xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) về tranh chấp lối đi chung, đã được TAND huyện Di Linh xét xử sơ thẩm và TAND tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm. Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 6/8/2014, Hội đồng xét xử quyết định “giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm; tuy nhiên, cần sửa phần chi phí xác minh đo vẽ, định giá tài sản” và “bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn là vợ chồng ông Sì A Lái”; đồng thời, “chấp nhận yêu cầu khởi kiện của vợ chồng bà Mùng Si Múi về quyền mở lối đi qua bất động sản liền kề”.
|
Trên đường đi chung, ông Sì A Lái đã xây nhà và rào lưới không thể đi lại được |
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, bà Mùng Si Múi đã nộp đầy đủ các khoản tài chính cho Chi cục Thi hành án Dân sự (THADS) huyện Di Linh và đã có đơn yêu cầu thi hành án. Ngày 15/9/2014, Chi cục THADS Di Linh đã ban hành Quyết định số 834/QĐ-CCTHA thi hành án theo nội dung của bản án: “Xác định diện tích đất có chiều rộng mặt đường thôn là 3m, chiều dài kéo từ đường thôn xuống đến giáp thửa 62 (đất của bà Múi) là 309m, với tổng diện tích là 917m2, thuộc một phần thửa 37 (37a), tờ bản đồ số 59, xã Tân Nghĩa, là đường đi chung của gia đình bà Múi và gia đình ông Lái. Các đương sự sử dụng đường đi chung theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Ông Lái có trách nhiệm chặt hạ những cây cà phê thuộc phần đường đi chung. Ông Lái phải trả cho bà Múi diện tích đất 755m2 thuộc một phần thửa 63 (63a) và diện tích đất cà phê 233,5m2, thửa TM, tờ bản đồ số 59, xã Tân Nghĩa”. Tuy nhiên, khi Chi cục THADS huyện tổ chức thi hành án, vợ chồng ông Sì A Lái không chấp hành! Do đường đi chung bị thay đổi hiện trạng trước khi có bản án xét xử phúc thẩm, Chi cục THADS huyện đã tổ chức cho 2 đương sự “thỏa thuận” việc thi hành bản án phúc thẩm, nhưng không thỏa thuận được! Riêng bà Múi yêu cầu việc thi hành án phải thi hành đúng theo nội dung bản án mà Hội đồng xét xử đã tuyên tại phiên tòa phúc thẩm.
Do thi hành án không đến nơi, đến chốn và thiếu cương quyết, Chi cục THADS huyện Di Linh đã kéo dài thời gian thi hành. Vì quá bức xúc, không có đường đi vào vườn cà phê (gần 3ha) để thu hái và vận chuyển, bà Mùng Si Múi đã làm rất nhiều đơn “kêu cứu” các cấp và các ngành ở huyện và tỉnh, nhưng sự việc đến bây giờ vẫn chưa được giải quyết! Tiếp nhận đơn của bà Múi, thừa lệnh ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Di Linh, ngày 20/11/2014, ông Nguyễn Văn Liêm, Chánh Văn phòng Huyện ủy, ký Công văn số 872 - CV/HU gởi UBND huyện Di Linh và Đảng ủy xã Tân Nghĩa: “Đề nghị UBND huyện chỉ đạo UBND xã Tân Nghĩa và các cơ quan liên quan của huyện giải quyết dứt điểm vụ việc trên, tránh tình trạng khiếu kiện kéo dài, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, cuộc sống của người dân và báo cáo kết quả trước ngày 4/12/2014”; đồng thời, “Yêu cầu Đảng ủy xã Tân Nghĩa chỉ đạo UBND xã có trách nhiệm xem xét, giải quyết”. Tuy nhiên, điều đáng nói là Công văn đó không có hiệu lực, vì không có văn bản trả lời cho Huyện ủy! Tương tự, ngày 4/12/2014, ông Dương Quang Vượng, Phó Văn phòng Tỉnh ủy Lâm Đồng, cũng đã ký Công văn số 2052 - CV/VPTU gởi Chi cục Thi hành án Dân sự tỉnh Lâm Đồng “Đề nghị thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc xem xét, giải quyết đơn của bà Mùng Si Múi; đồng thời, báo cáo Thường trực Tỉnh ủy kết quả giải quyết”. Tuy thế, đến nay vẫn chưa có thông tin gì!
Về phía Chi cục THADS huyện Di Linh, ông Phạm Văn Linh, Chi Cục trưởng, đã nhiều lần trả lời với bà Mùng Si Múi rằng: “Do bản án phúc thẩm tuyên không rõ, chúng tôi đã có công văn hỏi TAND tỉnh. Chừng nào TAND tỉnh có văn bản trả lời, chúng tôi mới giải quyết!
Được biết, ngày 6/11/2014, Chi cục THADS huyện Di Linh đã có văn bản gởi TAND tỉnh. Ngày 11/12/2014, ông Huỳnh Thanh Sơn, Chánh Tòa - Tòa Dân sự TAND tỉnh (người Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ngày 6/8/2014), đã ký văn bản trả lời cho Chi cục THADS huyện Di Linh. Văn bản nêu rõ: “Theo yêu cầu của nguyên đơn (bà Mùng Si Múi), ngày 31/12/2013, TAND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2013/QĐ - BPKCTT yêu cầu bị đơn (ông Sì A Lái) phải tháo bỏ hàng rào lưới B40 để nguyên đơn vận chuyển phân bón, cà phê theo con đường trong vườn cà phê của vợ chồng bị đơn như bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Di Linh đã quyết định. Việc Chi cục THADS Di Linh không tổ chức thi hành án được là do ông Sì A Lái san ủi, làm nhà, khoan giếng nước, trồng cà phê đã làm thay đổi hiện trạng con đường đi chung đã được tuyên trong bản án phúc thẩm là việc làm phát sinh sau khi TAND tỉnh ban hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2013/QĐ - BPKCTT cũng như trong thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm. Trong trường hợp Chi cục THADS huyện Di Linh không tổ chức thi hành được bản án dân sự phúc thẩm số 85/2014/DSPT, ngày 6/8/2014 của TAND tỉnh Lâm Đồng, thì đề nghị Chi cục THADS huyện Di Linh làm công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục tái thẩm”.
Điều đó thì rõ, không có lý do gì mà không tổ chức thi hành án được! Bởi lẽ, trong quá trình thi hành Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 05/2013/QĐ - BPKCTT, Chi cục THADS Di Linh tuy đã có thi hành, nhưng việc thi hành không đến nơi, đến chốn; lưới rào B40 không được tháo bỏ. Mặt khác, trong lúc đang tranh chấp, những việc phát sinh mới là ông Sì A Lái đã bất chấp luật pháp, thuê máy ủi, đào và san lấp đường đi chung, xây nhà cấp 4 (nhà giữ vườn cà phê) và khoan giếng nước ngay trên lối đi chung. Dọc lối đi chung, ông Lái còn đào mương sâu không cho xe qua lại. Và mới đây (sau khi TAND tỉnh xét xử phúc thẩm), ông Lái còn trồng thêm 1 hàng cà phê giữa đường đi chung và tiếp tục rào chắn đường đi bằng lưới B40. Trong nhiều tháng nay, gia đình bà Múi đã bị bế tắc, không có đường đi. Các nhà chức trách và lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền địa phương nghĩ gì khi sự việc nói trên đã kéo dài quá lâu?
NHÓM PVBĐ