Rác thải và vấn đề môi trường

09:12, 24/12/2014

Rác thải môi trường luôn là bài toán nan giải, đặt ra những thách thức trước quá trình đô thị hóa nông thôn nhanh chóng trên địa bàn Lâm Đồng. Cần đẩy mạnh xã hội hóa thu gom rác thải nhằm giữ gìn môi trường sống trong sạch tại các thị trấn và cả vùng nông thôn như mô hình người dân Đơn Dương đang làm.

[links()] LTS: Rác thải môi trường luôn là bài toán nan giải, đặt ra những thách thức trước quá trình đô thị hóa nông thôn nhanh chóng trên địa bàn Lâm Đồng. Cần đẩy mạnh xã hội hóa thu gom rác thải nhằm giữ gìn môi trường sống trong sạch tại các thị trấn và cả vùng nông thôn như mô hình người dân Đơn Dương đang làm.
 
Kỳ 1: Thiếu trầm trọng phương tiện thu gom rác thải trong tỉnh   
 
Nhiều huyện trong tỉnh lâu nay có duy nhất một chiếc xe chuyên dụng, chỉ gom rác trong khu vực thị trấn và vùng ven, dù muốn nhưng rất khó mở rộng địa bàn thu gom đến các khu vực nông thôn.   
 
Thiếu xe chuyên dụng 
 
Người dân Thạnh Mỹ, Đơn Dương lâu nay đã quá quen với hình ảnh một chiếc xe tải đi gom rác thay cho chiếc xe rác chuyên dụng hằng ngày. Với người dân, xe tải hay xe chuyên dụng gom rác thì cũng thế nhưng với người công nhân vệ sinh đó là một câu chuyện hoàn toàn khác. Thay vì rác được ép vào xe, nay họ phải vất vả vác các bao tải rác chất lên cao ngất ngưỡng nhưng xe tải lại rất chóng đầy. Họ phải kéo dài việc thu gom rác mỗi ngày, tất cả đều làm bằng tay nhưng công việc vẫn rất chậm.
 
Phải thuê xe tải để thu gom rác, vì theo ông Huỳnh Như Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình công cộng (QLKT CTCC) Đơn Dương, xe chuyên dụng do làm việc đến “kiệt sức” đã phải đi “nằm viện” đại tu tại TP HCM. 
 
Thu gom rác bằng xe tải ở Đơn Dương
Thu gom rác bằng xe tải ở Đơn Dương
 
 Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, mỗi ngày tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong tỉnh khoảng 640 tấn; trong đó, các vùng đô thị thải ra khoảng 340 tấn. Địa phương chiếm lượng rác thải nhiều nhất, gần 70% rác thải đô thị là Đà Lạt với chừng 165 tấn mỗi ngày và Bảo Lộc từ 60-70 tấn. Trong các thị trấn, Liên Nghĩa của Đức Trọng dẫn đầu với 24 tấn mỗi ngày, Di Linh với 11 tấn, Lạc Dương trên 10 tấn, Đinh Văn - Lâm Hà 8 tấn, các thị trấn còn lại chừng 3 tấn trở lên. Tỷ lệ thu gom rác đô thị toàn tỉnh hiện nay theo Sở Xây dựng Lâm Đồng chỉ đạt chừng trên 70%; trong đó, Bảo Lộc thu gom tốt nhất khoảng 90%, kế đến là Đà Lạt khoảng 85%. Ở huyện, nhiều thị trấn thu gom đạt 80% như Thạnh Mỹ, Dran của Đơn Dương; Liên Nghĩa của Đức Trọng; Đồng Nai của Cát Tiên… Có thị trấn thu gom chỉ đạt 30% như Lộc Thắng, Bảo Lâm.     
 
Khó khăn lớn nhất hiện nay ở các đơn vị chịu trách nhiệm thu gom rác chính là thiếu phương tiện, đặc biệt là thiếu xe chuyên dụng. Không chỉ Đơn Dương với duy nhất một chiếc xe rác chuyên dụng, rất nhiều huyện cũng chỉ có độc một chiếc như Đam Rông (sức chứa 5m3), Đạ Tẻh (9m3). Chỉ cần những chiếc xe này hư hỏng vài ngày là rác ứ đọng lại ngay.
 
Ngay cả những đơn vị có nhiều xe hơn cũng chưa phải là ổn. Lạc Dương hiện có 2 xe nhưng xe lại có công suất nhỏ (1 xe 3,5m3, 1 xe 2m3); Di Linh có 3 xe nhưng tổng công suất cả 3 xe chuyên dụng này chỉ 8m3; Cát Tiên có 2 xe 3,5m3, hầu hết các xe này đã cũ. Ở Đức Trọng, Trung tâm QLKTCTCC của huyện đang quản lý 5 xe, trong đó chỉ có 3 xe (mỗi xe công suất 5m3) là tạm được, còn 2 chiếc xe sức chứa 3m3 cũng rất cũ. Thành phố Đà Lạt có đội xe đến 11 chiếc nhưng như đơn vị này phản ánh có nhiều chiếc trong số này nằm nhiều hơn chạy, vừa chạy vừa sửa.
 
Không chỉ thiếu xe chuyên dụng, hầu như các phương tiện thu gom rác như xe đẩy tay, thùng chứa rác… hiện cũng cực kỳ thiếu thốn. Nhiều huyện phải dùng xe tự chế, xe công nông, xe tải để gom rác và do không phải xe chuyên dụng nên nước của rác thải chảy tràn lan ra ngoài và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm, làm mất vệ sinh trên các tuyến đường vận chuyển rác hiện nay.
 
Nan giải rác nông thôn
 
Với gần 750 nghìn dân sinh sống tại các xã vùng nông thôn trong tỉnh hiện nay, tổng lượng rác thải nông thôn mỗi ngày phát sinh khoảng 300 tấn. Với tốc độ đô thị hóa rất nhanh, rác thải nông thôn đang là một thách thức rất lớn đến môi trường Lâm Đồng. 
 
4 huyện có khối lượng rác thải phát sinh lớn hiện nay là Di Linh trên 55 tấn, Đức Trọng khoảng 50 tấn, Lâm Hà 44 tấn và Bảo Lâm gần 38 tấn. Thành phần chủ yếu của rác thải nông thôn hiện nay là rác sinh hoạt, rác thải nông nghiệp như phế phẩm trồng trọt, bao bì đóng gói… Điều đáng nói, chỉ khoảng 1/4 số rác trên, chừng 70 tấn, là được thu gom. Đà Lạt và Bảo Lộc hiện đã mở rộng thu gom ra các xã vùng ven; ở các huyện việc thu gom rác hiện nay hầu như chỉ được triển khai tại khu vực trung tâm huyện lỵ, thêm một số ít xã lân cận. Cũng có những huyện đang có những nỗ lực nhất định như Đạ Huoai, Đạ Tẻh cố gắng mở rộng dần ra các xã, gắn với tiêu chí vệ sinh môi trường của chương trình nông thôn mới nhưng cũng chỉ phần nào vì thiếu phương tiện. Để xử lý số rác thải chưa được thu gom này, người dân lâu nay tự chôn, đốt trong vườn. Nhưng nhiều nơi, do dân cư tập trung đông, nhà cửa chật hẹp, không vườn tược nên không ít người đã cho vào bao ni lông, bao tải vứt vào chỗ vắng, vứt ra chốn công cộng, vứt xuống sông suối, lâu dần rác thải tích tụ gây ô nhiễm, đe dọa đến môi trường sống nông thôn.
 
Thu gom vận chuyển và xử lý rác thải khu vực nông thôn tại Lâm Đồng rõ ràng đang là một nhu cầu bức thiết và cấp bách hiện nay. Điều đáng mừng không ít huyện trong tỉnh hiện nay đã xuất hiện các đội “môi trường” ở các thôn, xã, hoạt động theo hình thức “xã hội hóa”, sử dụng những phương tiện thô sơ như xe ngựa, xe công nông, xe tự chế để thu gom rác, thỏa thuận phí hằng tháng với từng hộ dân. Nhưng có thể nói, đây là hoạt động tự phát, một cách thức tự xoay xở của người dân trước vấn nạn ô nhiễm môi trường.  
 
 Nhiều huyện hiện nay đã ý thức được công tác bảo vệ môi trường nên cấp kinh phí mua thêm xe gom rác chuyên dụng mới (như Đơn Dương, Đạ Tẻh). Nhưng xe chuyên dụng thôi chưa đủ, các đơn vị này đang rất cần địa phương đầu tư thêm phương tiện một cách thích đáng hơn (như xe ủi san lấp bãi rác, xe múc đào hố chôn rác…) để có thể làm tốt hơn việc gom rác và mở rộng địa bàn thu gom ra các xã nông thôn chứ không chỉ đóng khung trong thị trấn và lân cận thị trấn như hiện nay.      
 
(còn nữa)
 
Viết Trọng