Rất nhiều bãi rác thải trong tỉnh hiện nay quá tải, chôn lấp không hợp vệ sinh, gây mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường sống của dân về lâu về dài.
[links()]
Kỳ 2: Nỗi lo từ những bãi rác “không hợp vệ sinh”
Rất nhiều bãi rác thải trong tỉnh hiện nay quá tải, chôn lấp không hợp vệ sinh, gây mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường sống của dân về lâu về dài.
|
Bãi rác tại Đạ Tẻh |
Khét, bụi, nước đen và ruồi
Mở cửa mời chúng tôi vào căn nhà nhỏ, anh Mai Đức Hùng, người thôn Nghĩa Hiệp 2, xã Ka Đô, Đơn Dương vừa xua tay đuổi bớt ruồi đầy nhà “Ruồi cứ đến mùa khô lại rất nhiều, chúng bay từ đó đến” - vừa nói anh vừa chỉ về hướng bãi rác.
Đó là bãi rác của huyện Đơn Dương tại xã Ka Đô. Nằm phía nam bờ sông Đa Nhim, rộng gần 8ha, nơi đây là bãi chôn lấp rác thải chính của cả huyện Đơn Dương hiện nay. Bãi nằm trên một ngọn đồi cao, trải rộng chung quanh dưới chân là các vườn rau của vùng rau thương phẩm Đơn Dương nổi tiếng. Đây là một bãi chôn lấp tự nhiên, rác từ mọi nơi trong huyện đưa về đây, đổ xuống các hố trong bãi, được đốt bớt để giảm thể tích trước khi lấp đất.
Có nhà trong xã nhưng 2 vợ chồng anh Hùng cả ngày hầu như có mặt tại mảnh đất 6 sào gần bãi rác. Gia đình anh làm một căn nhà nhỏ, chứa mọi thứ nông cụ làm vườn, phân bón, có giường để nghỉ trưa, nấu ăn ở đây, tối mới về nhà chính. Vườn anh mùa này trồng cải thảo, cà chua, các loại đậu. Anh Hùng lắc đầu khi chúng tôi hỏi về bãi rác: “Đây là đất sinh sống của gia đình chúng tôi canh tác từ mấy mươi năm rồi, trước khi có bãi rác. Bãi rác này gây rất nhiều bất tiện cho người dân nơi đây. Mùa khô, hằng ngày bãi đốt rác rất khét. Rồi khói, bụi theo chiều gió tràn đến nhà dân trong vùng, rất khó thở. Mùa mưa thì nước từ bãi chảy tràn xuống cả khu vực này, chảy vào hồ chứa nước của tôi, bốc mùi hôi thối, đen ngòm. Cả vùng giờ đây đâu dám dùng nước giếng vì sợ ô nhiễm. Rồi anh thấy đấy, rất nhiều ruồi, ruồi đâu từng đàn mùa khô cứ tràn đến” - anh Hùng ngán ngẩm. “Thôi thì việc chung, nhà nước cứ làm, đất tôi cũng khá xa, nhưng làm thế nào đừng để ảnh hưởng đến người dân chứ như thế này làm sao người dân sống được” - anh bức xúc.
“Chúng tôi rất cần được đầu tư” - ông Huỳnh Như Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý khai thác công trình công cộng Đơn Dương, đơn vị quản lý bãi rác Ka Đô cho biết. Hiểu được những bức xúc của dân, nhưng theo ông Tuấn, bãi rác rộng 6,4ha này cho đến nay chỉ chôn lấp tự nhiên, rác được đốt bớt để giảm thể tích cơ học, gần đây đã hạn chế việc đốt rác. Theo ông, bãi cần được đầu tư xây bờ bao ngăn nước mưa tràn xuống khu vực sản xuất của dân, có hệ thống chống thấm, thu hồi xử lý nước rác và việc trước mắt là làm lại đường dẫn vào bãi rác vì đây là một con đường đất tự nhiên đầy đá lổn nhổn. “Chúng tôi đang mong chờ địa phương, tỉnh đầu tư để xây dựng đây thành một bãi rác hợp vệ sinh”.
Những mối nguy tiềm tàng
Nỗi lo của anh Hùng và của rất nhiều hộ dân sống trong khu vực có bãi rác đang hoạt động hiện nay là hoàn toàn có cơ sở. Cụm từ “không hợp vệ sinh” được các ngành chức năng dùng chung khi đề cập đến hiện trạng của hầu hết các bãi rác hiện nay trong tỉnh nhưng thật ra cũng chưa thể diễn tả được hết những mối nguy tiềm tàng mà các bãi rác này mang đến về lâu về dài.
Tại Đà Lạt, bãi rác Cam Ly nằm trên địa phận phường 5, Đà Lạt với tổng diện tích gần 12ha được sử dụng để chôn lấp rác thải của thành phố Đà Lạt và cho trung tâm huyện Lạc Dương. Rác mỗi ngày được đưa đến đây, san gạt xuống một thung lũng rồi lấp đất. Điều đáng nói, bãi rác này lại nằm trên cao, ngay khu vực đầu nguồn suối Cam Ly, bãi lại không có bờ bao quanh để giới hạn diện tích, không có hệ thống thu gom xử lý nước rác chảy ra. Từ khi bãi đi vào hoạt động đến nay, nước rác từ bãi cứ thản nhiên tích tụ, chảy tràn xuống thấp, thấm vào các tầng nước ngầm, ngấm vào suối Bang Bị chảy xuôi về vùng Mê Linh, Lâm Hà, đang gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cả một khu vực. Dự tính đóng cửa từ năm 2013, nhưng đến nay, trong khi chờ Nhà máy xử lý rác Xuân Trường đi vào hoạt động, bãi này vẫn đang được sử dụng hằng ngày.
Không riêng Đà Lạt hay Đơn Dương, hầu hết các bãi rác hiện nay trong tỉnh cũng chẳng có “công nghệ” nào để xử lý rác ngoài việc chôn lấp tự nhiên. Tại Cát Tiên, bãi rác Phù Mỹ rộng 5,2ha được sử dụng để chôn lấp xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thị trấn Đồng Nai và một số xã chung quanh cũng đang là một mối nguy cho khu vực khi hầu như các công trình phụ trợ như hệ thống tách nước mưa bề mặt, chống thấm đáy bãi, hệ thống thu gom xử lý nước thải đều chẳng có. Đặc biệt, bãi rác này lại nằm ngay trong lưu vực của sông Đồng Nai.
Khảo sát của Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết, trong 13 bãi rác tập trung hiện nay của tỉnh, chỉ có duy nhất 1 bãi rác đã được xử lý đạt chuẩn chôn lấp hợp vệ sinh, đó là bãi rác 7,5ha của Bảo Lộc tại xã Đambri. Tất cả các bãi còn lại, như bãi Cam Ly của Đà Lạt, bãi Rô Men (5,7ha) của Đam Rông, bãi Đinh Văn (5,2ha) của Lâm Hà, bãi Ka Đô của Đơn Dương, bãi Phú Hội (3ha) của Đức Trọng, bãi Gung Ré (1,2ha) của Di Linh, bãi Phú Lộc (6ha) của Bảo Lâm, bãi Mađaguôi (11,1ha) của Đạ Huoai, bãi thị trấn Đạ Tẻh (1,6ha, sẽ mở rộng lên 12ha) của Đạ Tẻh, bãi Phù Mỹ - Cát Tiên đều sử dụng công nghệ chôn lấp không hợp vệ sinh, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cũng như vệ sinh môi trường.
Bên cạnh các bãi chôn lấp tập trung chính này, rất nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay còn xuất hiện những bãi rác tự phát của người dân, đặc biệt là ở những vùng nông thôn. Do nằm xa các bãi rác tập trung chính, thiếu phương tiện chuyên chở rác đi xa nên nhiều vùng lập ra những bãi rác nhỏ phục vụ cho cộng đồng tại chỗ. Điển hình như tại Đơn Dương có 2 bãi rác “tạm”, một ở thôn Lạc Trường xã Tu Tra, rộng khoảng 3 nghìn m2, bãi thứ hai nằm tại khu vực đồi Châu Sơn, xã Lạc Xuân, khoảng 1.500m2. Cả hai bãi tạm này đều được cộng đồng địa phương quản lý, có đào hố chôn lấp, có đắp bờ cao bằng đất ngăn nước mưa chảy tràn. Tuy nhiên, cả hai bãi này dưới đáy hố không có lớp chống thấm, không có hệ thống xử lý nước rác nên có nguy cơ gây ô nhiễm cho nguồn nước ngầm trong vùng. Những bãi rác tự phát này, theo ngành chức năng tỉnh, chỉ là giải pháp tạm thời, giải quyết nhu cầu trước mắt của người dân, hầu hết đều không phù hợp với các tiêu chí trong chọn lựa địa điểm, có khả năng gây ô nhiễm lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của khu dân cư và cộng đồng và điều này càng làm cho tình trạng thu gom vận chuyển và xử lý rác, chất thải rắn sinh hoạt nông thôn hiện nay thêm khó quản lý.
(còn nữa)
Viết Trọng