Nhiều bãi rác sẽ được đóng cửa trong thời gian đến do quá tải, gây ô nhiễm; một số bãi rác sẽ được mở rộng và kêu gọi đầu tư thành những khu xử lý rác hợp vệ sinh.
Kỳ 3: Qui hoạch lại hệ thống bãi rác trong tỉnh
Nhiều bãi rác sẽ được đóng cửa trong thời gian đến do quá tải, gây ô nhiễm; một số bãi rác sẽ được mở rộng và kêu gọi đầu tư thành những khu xử lý rác hợp vệ sinh.
Đóng cửa những bãi rác quá tải
[links(right)]Theo Sở Xây dựng Lâm Đồng, các bãi rác thải hay khu xử lý (KXL) chất thải rắn của tỉnh trong thời gian đến phải phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên; phù hợp với định hướng qui hoạch của Lâm Đồng; phải đảm bảo xử lý toàn bộ lượng chất thải rắn trong khu vực mình phục vụ; đảm bảo thuận tiện giao thông; đảm bảo tính liên vùng, liên đô thị; không ảnh hưởng xấu đến môi trường và mỹ quan đô thị và trong khu vực.
Với định hướng trên, sẽ có 6/13 bãi rác tập trung của tỉnh bị đóng cửa trong thời gian đến. Cụ thể, đó là bãi rác Cam Ly của Đà Lạt (quá tải, hết diện tích), bãi rác Đambri của Bảo Lộc, bãi rác tạm tại Rô Men, Đam Rông (nằm trên sườn đồi, gây ô nhiễm nguồn nước), bãi rác tạm Dran, Đơn Dương (gần khu dân cư), bãi rác Gung Ré, Di Linh (gần đường giao thông), bãi rác Phú Hội (quá tải, hết diện tích). Trong khi đó, 7 bãi rác còn lại sẽ được tiếp tục sử dụng và mở rộng diện tích trong vòng 15 năm đến (đến 2030) gồm bãi Rô Men - Đam Rông; bãi Đinh Văn - Lâm Hà; bãi Ka Đô - Đơn Dương; bãi Lộc Phú - Bảo Lâm; bãi Mađaguôi - Đạ Huoai; bãi thị trấn Đạ Tẻh - Đạ Tẻh và bãi Phù Mỹ - Cát Tiên.
Thay thế cho các bãi rác đóng cửa, sẽ có các KXL thay thế. Cụ thể, Đà Lạt sẽ có KXL tại xã Xuân Trường nằm ở vùng ngoại ô; Bảo Lộc sẽ có KXL tại Đại Lào, Di Linh là bãi chôn lấp mới ở Gung Ré, cách bãi cũ 1km để phục vụ các xã phía Nam, đồng thời mở thêm một KXL mới tại xã Gia Hiệp phục vụ thị trấn Di Linh và các xã phụ cận. Tại Đức Trọng sẽ có bãi rác mới ở xã Tân Thành thay thế cho bãi Phú Hội hiện nay.
Hiện, tỉnh đang lên phương án xây dựng 3 nhà máy xử lý chất thải rắn tại 3 địa phương trọng điểm là Đà Lạt, Bảo Lộc và Di Linh. Trong 3 dự án này, cho đến nay mới chỉ có nhà máy xử lý chất thải rắn tại Đà Lạt tiến hành xây dựng dù tiến độ có chậm so với kế hoạch đã trình trước đó. Khi nhà máy này đưa vào vận hành, Đà Lạt sẽ chính thức đóng cửa hoàn toàn bãi chôn lấp Cam Ly.
Theo qui hoạch, nhiều huyện trong tỉnh sẽ có thêm các bãi rác mới. Chẳng hạn như tại xã Phước Cát 1, Cát Tiên sẽ có một bãi chôn lấp mới nơi đây nhằm phục vụ cho thị trấn Phước Cát 1 hình thành trong tương lai. Tại Lâm Hà sẽ có thêm KXL rác ở Nam Ban phục vụ cho thị trấn này. Trong tổng thể, Lâm Đồng sẽ có 3 KXL cấp vùng của tỉnh (gồm KXL Xuân Trường - Đà Lạt; Đại Lào - Bảo Lộc và Tân Thành - Đức Trọng); 10 KXL cấp vùng ở huyện, 9 KXL cấp huyện và 4 KXL phục vụ cụm xã nông thôn gồm khu Gia Viễn - Cát Tiên, phục vụ cho các xã nông thôn phía bắc huyện Cát Tiên; KXL Hòa Bắc - Di Linh phục vụ cho các xã lân cận Hòa Bắc; KXL Đà Loan - Đức Trọng phục vụ cho các xã vùng Loan và KXL Phi Liêng - Đam Rông dùng cho các xã phía nam huyện này.
|
Bãi rác tại Ka Đô - Đơn Dương |
Mời gọi đầu tư
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật - Sở Xây dựng Lâm Đồng, chủ trương chung của Lâm Đồng hiện nay là đẩy mạnh việc xã hội hóa thu gom, vận chuyển, xử lý rác; kêu gọi đầu tư vào các KXL, các nhà máy xử lý chất thải rắn. Lâm Đồng sẽ dành cho các doanh nghiệp đầu tư nhiều ưu đãi theo quy định như không thu tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế, hỗ trợ xử lý rác thải theo quy định (hỗ trợ 8,5 USD/tấn rác), hỗ trợ xây dựng hạ tầng đến tận chân rào dự án. Tuy nhiên, trước sự mời gọi này, cho đến nay vẫn chưa nhiều doanh nghiệp mặn mà muốn đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác.
Kinh nghiệm của nhiều nước đi trước cho biết việc xã hội hóa công tác quản lý chất thải rắn (hay rác), cụ thể hơn là tư nhân hóa các dịch vụ quản lý rác có thể giảm được từ 10-30% mức chi phí quản lý. Cần xóa bỏ dần cơ chế bao cấp (nhà nước cấp kinh phí và bù lỗ cho các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn), tránh độc quyền, tránh khép kín địa giới trong quản lý rác; mở rộng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác đến cấp xã phường; cho phép tư nhân ký hợp đồng thuê lực lượng tại chỗ với nhiều hình thức thích hợp; tổ chức đấu thầu để nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, giảm giá thành thu phí. Trước mắt, theo ông Hùng, lãnh đạo các huyện, thành cần quan tâm đến hệ thống quy hoạch quản lý, xử lý chất thải rắn tại địa phương mình. Cụ thể, theo ông, ngân sách địa phương cần dành một khoản thích hợp cho công tác tư vấn khảo sát thiết kế các khu xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh, kêu gọi huy động các nguồn lực xã hội vào công tác thu gom xử lý rác thải trên địa bàn mình. Địa phương cần tạo điều kiện cho các đơn vị trên địa bàn mình hoạt động bằng việc đầu tư thêm xe chuyên dụng thu gom rác, tăng thêm nhân lực để hoạt động trong lĩnh vực thu gom xử lý rác. Để khuyến khích các nhà đầu tư, các huyện nên đầu tư hạ tầng theo quy định như làm đường giao thông, hạ thế điện đến hàng rào KXL.
Và cuối cùng không kém phần quan trọng là công tác tuyên truyền. Rất nhiều vùng nông thôn Lâm Đồng hiện nay môi trường đang bị đe dọa bởi rác thải và tệ vứt rác bừa bãi nơi công cộng. Cần đưa giáo dục môi trường vào trường học, vận động đoàn thể các cấp cùng tham gia bảo vệ môi trường. Các địa phương cần đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động người dân thu gom xử lý rác thải đúng quy định, những nơi chưa có hệ thống thu gom nên hướng dẫn người dân xử lý rác thải sinh hoạt chôn, đốt hợp vệ sinh; vận động mọi người dân cùng cộng tác với chính quyền cho một môi trường sống trong lành.
Viết Trọng