Xin gọi đúng tên Sương Nguyệt Anh

08:12, 15/12/2014

Dự án nâng cấp con đường từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Trần Quốc Toản thuộc phường 9, thành phố Đà Lạt theo chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ hoàn thành trong tháng 12 này. Đây là con đường đẹp và rộng, nhưng thật đáng tiếc là con đường này không biết từ lúc nào đã được đặt tên là Sương Nguyệt Ánh...

Dự án nâng cấp con đường từ đường Nguyễn Đình Chiểu đến đường Trần Quốc Toản thuộc phường 9, thành phố Đà Lạt theo chỉ đạo của UBND tỉnh sẽ hoàn thành trong tháng 12 này. Đây là con đường đẹp và rộng, nhưng thật đáng tiếc là con đường này không biết từ lúc nào đã được đặt tên là Sương Nguyệt Ánh. Tất cả văn bản pháp quy của Nhà nước từ tỉnh, thành phố, phường đến các địa chỉ của doanh nghiệp, cơ sở tôn giáo, hộ gia đình… đều ghi Sương Nguyệt Ánh (ảnh). Theo đó, các cơ quan báo, đài đều dùng từ Sương Nguyệt Ánh (!) 
 
 
Xin thưa, phải là Sương Nguyệt Anh! Bà tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê, sinh năm 1864, mất năm 1922 (có tài liệu ghi 1921), con gái thứ 4 của nhà yêu nước, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu (cụ Đồ Chiểu) và mẹ là bà Lê Thị Điền. Sương Nguyệt Anh là bút hiệu, ban đầu có tên Nguyệt Anh, sau khi chồng qua đời, bà thêm chữ Sương (góa chồng) vào đầu. Tuy bà còn có những bút hiệu khác như Nguyệt Nga, Xuân Khuê… nhưng trên bia mộ của bà (cạnh mộ phần của song thân, trong khu đền thờ Nguyễn Đình Chiểu) tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre hiện còn ghi rõ: nữ sĩ Sương Nguyệt Anh. 
 
Tên Sương Nguyệt Anh được nhiều tỉnh, thành phố ở Việt Nam đặt tên con đường vì bà là nữ chủ bút đầu tiên của tờ báo “Nữ giới chung” (tiếng chuông của nữ giới), xuất bản ở Sài Gòn năm 1918, tờ báo có chủ trương nâng cao dân trí, khuyến khích công nông thương và đặc biệt đề cao vai trò phụ nữ trong xã hội. Có nhiều tài liệu cho rằng bà Sương Nguyệt Anh là nữ chủ bút đầu tiên của báo chí Việt Nam. 
 
Thật oái oăm, tên nữ sĩ không được sử dụng đúng tại con đường tiếp giáp với chính con đường mang tên người cha của bà (Nguyễn Đình Chiểu)! Chúng tôi trao đổi với Chủ tịch UBND phường 9, Đà Lạt, ông Võ Hồng Sơn cũng thừa nhận: “Đúng ra là tên Sương Nguyệt Anh”. Việc sửa tên đường dĩ nhiên không thuộc cấp phường, nhưng không thể như có người cho rằng “quen dùng” thì không sửa lại. Bởi, đây là tên của nhân vật lịch sử cần phải tôn trọng, cũng là sự ứng xử có văn hóa của hậu thế. 
 
Dự án nâng cấp con đường mang tên bà sắp hoàn thành là dịp thuận lợi để các cơ quan chức năng và chính quyền có thẩm quyền sửa lại tên đường Sương Nguyệt Anh. Việc này đã được nhiều nơi làm, ví dụ con đường ở quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, dù xáo trộn rất nhiều so với ở Đà Lạt.                             
 
MINH ĐẠO