Dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng người dân ở Hang Bom (thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) đã bị thiếu nước sinh hoạt. Hàng chục hộ dân trong thôn phải dựa vào nguồn nước từ một hố bom để sử dụng, từ ăn uống đến tắm giặt hàng ngày...
Dù mới bước vào đầu mùa khô nhưng người dân ở Hang Bom (thôn 2, xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm) đã bị thiếu nước sinh hoạt. Hàng chục hộ dân trong thôn phải dựa vào nguồn nước từ một hố bom để sử dụng, từ ăn uống đến tắm giặt hàng ngày. Trong khi đó, công trình nước sinh hoạt tập trung vừa mới được đầu tư trên địa bàn thôn lại không phát huy được tác dụng vì không có nước.
Hang Bom dùng nước… hố bom
Đã 5 - 6 tháng trở lại đây, người dân tại Hang Bom đã bắt đầu phải sử dụng nguồn nước từ hố bom trên địa bàn thôn để sinh hoạt. Nguyên nhân là do công trình nước sạch tập trung bỗng dưng không có nước. Càng gần mùa khô, nước ở hố bom càng cạn kiệt nên hiện người dân rất chật vật trong việc tìm nguồn nước để sinh hoạt. Khoảng 800 nhân khẩu của 140 hộ dân ở Hang Bom đang phải chia nhau nguồn nước chỉ còn cao gần một mét trong hố bom rộng khoảng 2m. Chị Ka Đài (người dân Hang Bom) cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 2 vợ chồng và một con nhỏ. Mỗi ngày, chồng tôi phải dùng xe máy đi chở 2 can nước (loại 30 lít/ can) ở hố bom cách nhà vài trăm mét về sử dụng. Nước ngày càng ít nên người dân phải chia nhau sử dụng rất tiết kiệm nhưng vẫn không đủ. Như hôm nay trong thôn có nhà tổ chức đám cưới, nước phải nhường cho gia đình đó nên nhiều người không có nước xài”.
|
Dù được đầu tư công trình nước sinh hoạt tập trung nhưng người dân Hang Bom (thôn 2, xã Lộc Bắc) vẫn phải xách nước ở hố bom về sử dụng |
Đến hố bom vào giữa trưa, thế nhưng, vẫn có nhiều phụ nữ và trẻ nhỏ đến đây để tắm và giặt đồ. Một số khác thì tranh thủ đến lấy nước về vì buổi sáng nước trong hố bom đã cạn đến đáy giờ mới có lại. Bà Ka Phây (người dân Hang Bom) nói: “Hố nước này do bom đánh trúng đá mà hình thành từ hồi chiến tranh. Cả thôn đều đến đây lấy nước về dùng nên nước không chảy ra kịp. Vì vậy, mỗi ngày gia đình tôi phải đi lấy 2, 3 lần mới có nước xài. Trước đây, người dân vẫn xài nước ở hố bom này. Khi có công trình nước sạch, người dân rất mừng vì không còn phải đi lấy nước mỗi ngày. Nhưng, công trình chỉ sử dụng được vài tháng thì không có nước nữa, mọi việc đâu lại vào đấy”.
Công trình nước sạch tập trung ở Hang Bom được đầu tư xây dựng từ năm 2012 và bàn giao đưa vào sử dụng cuối năm 2013. Công trình do Công ty Quản lý và Khai thác các công trình công cộng huyện Bảo Lâm làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 500 triệu đồng. Công trình gồm giếng khoan, máy bơm, bồn chứa nước và hệ thống đường ống dẫn về nhà dân. Chỉ sau một thời gian, nguồn nước của giếng khoan này bị hụt nên không sử dụng được. Do công trình đang còn trong thời hạn bảo hành nên chủ đầu tư đã yêu cầu đơn vị thi công khắc phục bằng cách xây thêm bể chứa (gần hố bom) để lấy nước tự chảy chứa vào bể, sau đó lọc và bơm lên bồn cho bà con sử dụng. Thế nhưng, hiện tại, bể chứa này cũng cạn trơ đáy và khu vực xung quanh bồn chứa nước chỉ còn được người dân tận dụng để phơi quần áo. Theo ông K’Téo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Bắc, ngoài Hang Bom thì còn 2 điểm cũng thiếu nước sinh hoạt là Nao Rốt và Đăng Đơ (thôn 4). Ngoài ra, hệ thống nước tự chảy trên địa bàn xã cũng rất yếu vào mùa khô và bể lọc bị hư hỏng nên các hộ dân gặp khó khăn trong vấn đề nước sinh hoạt. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân trong sinh hoạt hàng ngày và đảm bảo vệ sinh về nguồn nước.
Đầu tư nhiều, hiệu quả chưa cao
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh hiện có 242 công trình nước sinh hoạt tập trung; trong đó, có 62 công trình cấp nước tự chảy, 173 công trình giếng khoan và 7 công trình giếng khơi. Hiện tại, 45 công trình ngưng hoạt động và 9 công trình hoạt động kém hiệu quả. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do công tác quản lý, vận hành chưa sâu sát, nhiều công trình đầu tư kém chất lượng (nhất là các giếng khoan), ý thức sử dụng của người dân còn hạn chế… |
Theo UBND huyện Bảo Lâm, trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2014, toàn huyện Bảo Lâm đầu tư xây dựng 38 công trình nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong đó, có 36 hệ thống giếng khoan và 2 hệ thống nước tự chảy. Tổng số vốn đầu tư cho các công trình này là gần 18 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu sử dụng nước cho gần 1.500 hộ dân. Ông Trịnh Văn Thảo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lâm, cho biết: Trong tổng số các công trình nước sinh hoạt tập trung trên địa bàn huyện Bảo Lâm hiện có 4 công trình bị hư hỏng, hiệu quả sử dụng thấp. Các công trình này bị nhiễm phèn hoặc bị hỏng hệ thống máy bơm và đường ống nên không thể sử dụng được. Các công trình còn lại dù vẫn đang hoạt động nhưng do nhu cầu sử dụng của bà con ngày càng cao, trong khi giếng lại bị hụt nước vào mùa khô nên cần phải đầu tư thêm nhiều giếng khoan cung cấp nước sinh hoạt tập trung trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước đây, tỷ lệ các công trình nước sạch không sử dụng được trên địa bàn huyện luôn ở mức cao. Trong năm 2013, toàn huyện có 30 công trình nước sinh hoạt tập trung thì có đến 50% trong số này là không sử dụng được. Trước tình trạng này, huyện Bảo Lâm đã tăng cường công tác duy tu, sửa chữa. Ông Trịnh Văn Thảo cho biết thêm: “Ở giai đoạn trước, do công tác quản lý chưa sát nên các công trình bị rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”. Trong quá trình sử dụng, dù công trình chỉ hư hỏng nhỏ về máy bơm hay đường ống nhưng người dân cũng bỏ mặc. Do đó, sau khi các công trình được sửa chữa, UBND huyện Bảo Lâm đã bàn giao công trình về cho UBND xã trực tiếp quản lý và phân công người phụ trách cụ thể. Nhờ đó, các công trình đã được quản lý chặt chẽ và nâng cao hiệu quả sử dụng”.
Hiện tại, toàn huyện Bảo Lâm cần thêm khoảng 9 giếng khoan tại các địa bàn Đạ Tồn (thôn 6, xã Lộc Tân), thôn 7 (xã Lộc Ngãi), thôn B’Đơr, B’Cọ (xã Lộc An), thôn 2, 3 (xã Lộc Bắc) và một số điểm tại xã Lộc Nam. Những công trình này đã và đang được đưa vào kế hoạch đầu tư theo quyết định của UBND tỉnh Lâm Đồng trong năm tới và những năm tiếp theo. Đối với những công trình bị nhiễm phèn hoặc hiệu quả sử dụng thấp, UBND huyện Bảo Lâm cũng đã kiến nghị các ngành của tỉnh có biện pháp khắc phục để cung cấp nguồn nước hợp vệ sinh cho nhân dân sử dụng.
Hữu Sang