Nên công khai thủ tục giấy phép xây dựng tại bộ phận một cửa

08:01, 14/01/2015

Ông Bùi Quang Tùng ở đường 3/2, phường 1, TP Đà Lạt cho biết, năm 2001, ông được cấp giấy phép xây dựng nhà ở và ông đã khởi công xây dựng. Nhưng do trong quá trình thi công, nảy sinh tranh chấp phía sau ta luy nhà, ông phải tạm dừng thi công...

Ông Bùi Quang Tùng ở đường 3/2, phường 1, TP Đà Lạt cho biết, năm 2001, ông được cấp giấy phép xây dựng nhà ở và ông đã khởi công xây dựng. Nhưng do trong quá trình thi công, nảy sinh tranh chấp phía sau ta luy nhà, ông phải tạm dừng thi công. Sau đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã giải quyết tranh chấp. Thế nhưng, do điều kiện kinh tế, ông không tiếp tục thi công và vì thế gia đình ông chưa được cấp Quyền sở hữu nhà. 
 
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
 
Mãi đến tháng 9/2014 vừa qua, gia đình ông mới tiếp tục thi công công trình nhà. Việc thi công nhà của ông đã được chính quyền phường 1 và các ngành chức năng biết (thậm chí, UBND phường 1 còn yêu cầu ông phải hoàn thiện nhà ở, vì lo sợ gây sạt lở ta luy cho gia đình bên cạnh). Điều trớ trêu là trong quá trình gia đình ông Tùng thi công nhà ở, UBND phường 1 và Đội Trật tự xây dựng (TTXD) thành phố Đà Lạt nhiều lần đến lập biên bản yêu cầu ngừng thi công, với lý do: Ông phải gia hạn, hoặc xin cấp giấy phép xây dựng mới. Sau nhiều lần đến lập biên bản vi phạm, Đội TTXD TP Đà Lạt đã tham mưu UBND TP Đà Lạt xử phạt hành chính gia đình ông Tùng 6,250 triệu đồng và gia đình ông Tùng mặc dù không đồng ý, nhưng vẫn chấp hành nộp phạt để được “yên chuyện”. 
 
Tuy nhiên, do ấm ức vì bị lập biên bản và xử phạt “oan sai”, ông Tùng đã lên mạng hỏi “Thư viện pháp luật” và được các luật sư trả lời: Việc ông tiếp tục thi công công trình nhà ở theo giấy phép đã được cấp trước đó mà không cần gia hạn, hoặc xin cấp giấy phép mới là hoàn toàn hợp pháp, bởi gia đình ông chưa được cấp chủ quyền nhà ở, và theo quy định của Luật Xây dựng thì chỉ trường hợp trong thời hạn 30 ngày trước thời điểm giấy phép xây dựng hết hạn, nếu công trình chưa được khởi công, thì chủ đầu tư mới phải đề nghị gia hạn giấy phép xây dựng. Mỗi giấy phép xây dựng chỉ được gia hạn một lần. Thời gian gia hạn tối đa không quá 6 tháng. Nếu hết thời gian gia hạn, chủ đầu tư chưa khởi công xây dựng thì phải nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới.  
 
Làm việc với chúng tôi, ông Vũ Xuân Hùng - Trưởng phòng Quản lý xây dựng TP Đà Lạt cũng khẳng định: Quy định của Luật Xây dựng đúng như trả lời của các luật sư tại “Thư viện pháp luật”. Và như vậy, việc tiếp tục thi công của gia đình ông Bùi Quang Tùng không cần phải xin gia hạn, hoặc xin cấp giấy phép xây dựng mới. 
 
Nhưng không hiểu vì sao, các cán bộ phường 1 và Đội TTXD TP vẫn tiếp tục đến yêu cầu gia đình ông Tùng đình chỉ thi công công trình nhà. Cực chẳng đã, ông Bùi Quang Tùng làm đơn khiếu nại gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng, và ngày 24/12/2014, Sở Xây dựng có Văn bản số 1259/SXD-HTKT do Phó Giám đốc Lê Quang Trung ký gửi UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc về việc xử lý đối với các công trình xây dựng đã quá thời hạn hiệu lực khởi công. Tại điểm a, Điều 2 của văn bản này nói rõ: Trường hợp công trình đã được khởi công xây dựng đúng thời gian quy định tại giấy phép xây dựng, nhưng quá trình thi công bị gián đoạn, một phần công trình đã được xây dựng; sau đó, chủ đầu tư lại tiếp tục thi công (lúc này đã quá thời gian khởi công, hoặc gia hạn) thì xử lý như sau: Đối với công trình chưa được ghi nhận là tài sản gắn liền với đất (chưa được cấp quyền sở hữu công trình) thì chủ đầu tư vẫn được phép tiếp tục thi công phần công trình còn lại, nhưng phải tuân thủ đúng nội dung giấy phép xây dựng đã được cấp và hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt kèm theo. 
 
Đối chiếu với Văn bản số 1259/SXD-HTKT ngày 24/12/2014 của Sở Xây dựng, thì việc tiếp tục thi công công trình đang thi công dang dở, rồi tạm ngừng của ông Bùi Quang Tùng mà không xin gia hạn, hoặc cấp giấy phép mới là hoàn toàn hợp lệ, bởi công trình nhà ở của ông đã khởi công đúng thời hạn quy định sau khi được cấp giấy phép và khi thi công lại công trình, ông cũng không điều chỉnh thiết kế đã được phê duyệt. Do vậy, việc chính quyền địa phương và ngành chức năng lập biên bản và xử phạt hành chính đối với gia đình ông là chưa thỏa đáng. 
 
Từ thực tế đó, ông Bùi Quang Tùng mong muốn được hoàn trả lại số tiền phạt 6,250 triệu đồng “oan sai”. Nhưng mong muốn cao hơn của ông là UBND TP Đà Lạt cần niêm yết công khai thủ tục cấp giấy phép, gia hạn giấy phép, hoặc cấp mới giấy phép xây dựng tại bộ phận một cửa để người dân và các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng nắm bắt, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, nhằm giảm phiền hà và tốn kém cho các chủ đầu tư xây dựng do phải đi lại và liên hệ với nhiều cấp, nhiều ngành. Thiết nghĩ nguyện vọng của ông Bùi Quang Tùng, cũng như nhiều chủ đầu tư xây dựng khác là hoàn toàn chính đáng.
 
Hoàng Vương Mỹ