Liên minh và chữ tín trong thu mua sữa bò ở Lâm Đồng

09:01, 16/01/2015

Sự cố nông dân nuôi bò sữa Đơn Dương đổ sữa do không bán được vì Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) khống chế lượng sữa thu mua thấp hơn hợp đồng đã ký kết với nông dân như "hồi chuông" cảnh báo cho việc tăng trưởng "nóng" đàn bò sữa nơi đây. Qua đó, cũng cần rút ra bài học trong việc quy hoạch phát triển đàn bò sữa của tỉnh trong thời gian đến. 

Chăn nuôi bò sữa rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Lâm Đồng
Chăn nuôi bò sữa rất phù hợp với điều kiện tự nhiên ở Lâm Đồng
LTS: Sự việc nông dân Lâm Đồng đổ bỏ sữa sau thông tin Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (nay là Công ty TH True Milk) khống chế lượng sữa thu mua đối với nông dân trong các ngày 9-11/1, tại trạm thu mua sữa Cầu Sắt (Đạ Ròn - Đơn Dương), gây nên những luồng dư luận trái chiều. Ngày 11/1, lãnh đạo Sở NN-PTNT, UBND huyện Đơn Dương, Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã có mặt cùng công ty giải quyết vấn đề, giải tỏa bức xúc cho người chăn nuôi bò sữa. Sự việc đã cơ bản được giải quyết, nhưng hậu quả và dư âm là bài học và đặt ra nhiều vấn đề cho nông dân, doanh nghiệp, chính quyền trong việc tổ chức các liên minh và thực thi các cam kết hợp đồng nói chung không chỉ với bò sữa mà rộng hơn cả nền nông nghiệp của tỉnh trong thời gian đến. 
 
Tăng trưởng “nóng” đàn bò sữa 
 
* Ông Nguyễn Văn Thanh -  Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Ròn: Nông dân mong muốn ký hợp đồng tiêu thụ ổn định
 
Xã Đạ Ròn là xã tập trung nuôi bò sữa lớn nhất của huyện Đơn Dương với trên 2.400 con. Hầu hết bà con đã ký hợp đồng tiêu thụ với các công ty sữa nhưng vẫn còn 50 hộ chưa có hợp đồng bán sữa cho các công ty. Việc tiêu thụ còn bấp bênh và giá không ổn định. Hiện, Đạ Ròn là xã có số hộ nuôi bò sữa chưa được ký hợp đồng cao nhất huyện. Và, với các hộ này, bà con chỉ mong muốn các công ty xem xét, đánh giá chất lượng, ký hợp đồng thu mua với bà con để ổn định kinh tế gia đình. Vài năm gần đây, do chăn nuôi bò sữa cho thu nhập cao nên việc phát triển đàn bò sữa cũng tăng khá nhanh dù chúng tôi cũng khuyến cáo bà con cần xem xét, tìm đầu ra cụ thể rồi mới tăng thêm bò sữa. Việc tăng đàn bò khiến lượng sữa sắp tới cũng sẽ tăng, do đó rất mong các công ty thu mua trên địa bàn có kế hoạch mở rộng quy mô, tăng khả năng thu mua để bà con ổn định kinh tế gia đình, đồng thời có thêm điều kiện phát triển đàn bò sữa.  
 
* Ông Nguyễn Hoàng Nhật - Chủ nhiệm HTX Bò sữa Cầu Sắt, xã Tu Tra, Đơn Dương: Cần đảm bảo quyền lợi giữa đôi bên
 
HTX Bò sữa Cầu Sắt chúng tôi có 65 hộ xã viên và 878 con bò sữa, hiện mỗi ngày cung cấp sữa cho Công ty Dalatmilk là 8 tấn. Khi xảy ra việc công ty giới hạn sản lượng thu mua, phải nói là bà con rất bức xúc. Nhờ sự can thiệp kịp thời của chính quyền địa phương và các ban ngành, hiện công ty đã thu mua hết sản lượng sữa của bà con xã viên. Chúng tôi chỉ mong muốn công ty đảm bảo thu mua theo đúng hợp đồng để bà con yên tâm sản xuất, đảm bảo quyền lợi giữa đôi bên. Thêm nữa, qua sự việc lần này, chúng tôi cũng nhận thấy bà con tập hợp thành HTX thực sự đã tạo thành sức mạnh tập thể, cùng gắn bó và chia sẻ quyền lợi cũng như trách nhiệm. Những hộ làm ăn riêng lẻ chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn một tập thể lớn. Hiện bà con đã ổn định tâm tư, yên tâm sản xuất, chăm sóc đàn bò để phát triển kinh tế.  
 
* Ông Ngô Minh Hải - TGĐ Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt: Cam kết thu mua hết sản lượng sữa đã ký hợp đồng
 
Sau sự việc đáng tiếc vừa xảy ra, về phía công ty chúng tôi cam kết với chính quyền địa phương và bà con là sẽ thu mua hết sản lượng sữa của những hộ đã ký hợp đồng với công ty. Tuy nhiên, bà con cũng phải thông cảm bởi hiện tại sản lượng đã vượt quá khả năng thu mua và chế biến của công ty. Trong thời gian ngắn, việc tăng sản lượng thu mua sữa phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và mong chính quyền địa phương cũng như bà con phối hợp tốt để công ty không gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới, công ty cũng sẽ phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, đánh giá chất lượng, sản lượng sữa của các hộ để có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và khả năng sản xuất kinh doanh của công ty. Mong bà con tiếp tục hợp tác chặt chẽ với công ty để mang lại lợi ích cho cả hai bên. 
 
* Bà Lê Thị Bé - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đơn Dương: Đề nghị tỉnh tạo điều kiện cho các công ty mở rộng kế hoạch thu mua
 
Mỗi năm huyện đều giao kế hoạch cho các xã, các xã phổ biến tới từng hộ dân về kế hoạch phát triển đàn bò sữa của địa phương nhưng nhiều người chưa lắng nghe, tự phát phát triển đàn bò. Vì vậy, trong thời gian tới, sản lượng sữa chắc chắn sẽ tăng lên nhanh chóng.
 
UBND huyện Đơn Dương khuyến cáo bà con không nên tăng đàn cơ học mà chỉ tăng đàn tự nhiên, tức là bò mẹ địa phương đẻ bê con. Ngoài ra, bà con cần nâng cấp kỹ thuật chăn nuôi, nâng cấp chuồng trại, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, tăng sản lượng và chất lượng sữa để các doanh nghiệp sữa chấp nhận sữa của bà con. Trước thực trạng nông dân đổ sữa như vừa qua, huyện đã đề nghị UBND tỉnh xem xét tạo điều kiện để 3 công ty sữa mở rộng kế hoạch thu mua sữa trên địa bàn huyện Đơn Dương.
 
* Ông Lê Văn Minh - Giám đốc Sở NN-PTNT: Hai bên chỉ nhìn thấy lợi ích của mình 
 
Quyết định chỉ thu mua lượng sữa cố định của Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) là quyết định một chiều, ra quyết định rồi thi hành luôn, nông dân không kịp trở tay, gây nên ức chế và phản ứng bằng hành động đổ sữa. Giải pháp trước mắt, ngoài vận động tuyên truyền cảnh báo người nông dân thận trọng khi phát triển đàn bò, chúng tôi đã trực tiếp làm việc với đơn vị thu mua, đặc biệt là Vinamilk - đơn vị thu mua 70% sản lượng sữa trên địa bàn Lâm Đồng, giúp tỉnh giải quyết tình hình trước mắt bằng cách mua hết sản lượng sữa đảm bảo chất lượng trong dân (kể cả có hợp đồng và không có hợp đồng). Về lâu dài, phải kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy. Vấn đề của Lâm Đồng hiện nay đang giống với nhiều tỉnh, thành khác có đàn bò phát triển tự phát, không có nguồn thu mua sữa ổn định. Có được nhà máy thì mọi chuyện sẽ rất dễ giải quyết, như ở Công ty Sữa Mộc Châu bây giờ, có nhà máy, họ tăng đàn lên 20 ngàn con. 
 
DIỆP QUỲNH - PHẠM LÊ ghi

Sự cố nông dân nuôi bò sữa Đơn Dương đổ sữa do không bán được vì Công ty cổ phần Sữa Đà Lạt (Dalatmilk) khống chế lượng sữa thu mua thấp hơn hợp đồng đã ký kết với nông dân như “hồi chuông” cảnh báo cho việc tăng trưởng “nóng” đàn bò sữa nơi đây. Qua đó, cũng cần rút ra bài học trong việc quy hoạch phát triển đàn bò sữa của tỉnh trong thời gian đến. 

Thống kê cho thấy, hiện tổng đàn bò sữa của huyện Đơn Dương lên tới 8.848 con, được nuôi tập trung ở các xã Tu Tra, Đạ Ròn, Quảng Lập và xã Lạc Xuân. Số lượng bò cái cho sữa chiếm khoảng 4.000 con với sản lượng sữa tươi sản xuất ra 70 tấn/ngày. Trong đó, 3 công ty đóng chân trên địa bàn huyện chăn nuôi bò sữa tập trung có quy mô trang trại với số lượng 2.850 con, cho sản lượng sữa tươi 25 tấn/ngày. Hơn 68% tổng đàn bò sữa của huyện được 698 hộ dân chăn nuôi (bình quân mỗi hộ chăn nuôi từ 6 - 7 con bò sữa). Sản lượng sữa tươi mà người dân sản xuất ra trong ngày lên tới 45 tấn. Ngoài tiêu thụ lượng sữa sản xuất ra, ba công ty bao gồm: Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalatmilk) và Công ty FrieslandCampina Việt Nam (Cô gái Hà Lan) ký kết hợp đồng thu mua sữa tươi trong dân phục vụ chế biến, kinh doanh  tiêu thụ sữa. Các công ty này đã đặt 7 trạm thu mua có tổng công suất thiết kế khoảng 47 tấn sữa/ngày với giá thu mua dao động từ 13 - 14 ngàn đồng/kg sữa tươi. 
 
Với hình thức tổ chức thu mua, tiêu thụ của các doanh nghiệp nêu trên trong thời gian qua đã tạo mối liên kết giữa nông dân chăn nuôi bò trên vùng nguyên liệu với các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm sữa tươi ổn định. Tuy nhiên, sự việc bắt đầu xảy ra khi Dalatmilk đột ngột ra thông báo chỉ mua 16 lít sữa mỗi ngày/1 con bò sữa đã ký hợp đồng. Trong khi đó, năng suất bình quân sữa tươi trên thực tế đạt khoảng 18 - 18,5 kg/con/ngày đã gây nên phản ứng, bức xúc của 128 hộ dân ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa với Dalatmilk. Do đó, đã xảy ra sự việc nông dân đổ sữa ở trạm thu mua sữa Cầu Sắt (Đạ Ròn - Đơn Dương (chủ nhật 11/1) để phản đối. 

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, lãnh đạo Hội Nông dân, Sở Nông nghiệp và PTNT và UBND huyện Đơn Dương đã làm việc với ông Ngô Minh Hải - Tổng Giám đốc Dalatmilk để tìm hiểu nguyên nhân, bàn hướng giải quyết. Nguyên nhân, phía Dalatmilk cho biết: Năm ngoái, công ty thu mua 6 tấn sữa một ngày, năm nay lượng sữa thu mua tăng đột biến và bất thường lên đến 9 tấn, cộng với 4 tấn sữa do đơn vị tự sản xuất, trong khi công suất chỉ là 8 tấn và bản thân công ty cũng đang có những khó khăn, nên không thể sử dụng hết nguồn sữa nguyên liệu có trong dân. Hiện tượng các hộ không có hợp đồng gởi ké sữa vào hộ có hợp đồng để bán cho công ty, có nơi còn treo biển thu mua sữa rồi bán vào công ty để ăn chênh lệch, ảnh hưởng đến chất lượng sữa, gây thiệt hại cho công ty… Mặt khác, sản lượng sữa tăng cao được các bên nhận định, một phần do bò đã thích nghi được với điều kiện sống mới, nên cho sản lượng sữa tăng, cùng với  tỉ lệ phối giống cho ra bò cái lên đến trên 90%, khiến lượng bò cho sữa tăng theo tự nhiên nhanh gấp đôi thời gian trước. Bên cạnh đó, đàn bò sữa tăng cơ học nhanh, khi giá sữa thu mua tăng từ 13-15 ngàn/lít (Lâm Đồng cao hơn mức bình quân chung của cả nước - 8 ngàn), tạo nên phong trào chăn nuôi bò sữa tự phát trong dân. Thêm vào đó là giá sữa nguyên liệu của thế giới giảm xuống gần một nửa từ 480USD xuống 260USD/tấn, tạo kiện cho các nhà sản xuất lựa chọn sữa hoàn nguyên với giá chỉ khoảng 7-8 ngàn đ/lít, thay vì mua sữa tươi giá 14-15 ngàn đ/lít, giá sữa thu mua ở các nơi cũng giảm xuống, nhiều người bán bò rẻ, dân mua về (nuôi một cách tự phát khi chưa có hợp đồng thu mua sữa). 
 
Nguy cơ rủi ro do tăng tổng đàn bò và bò sữa đã được ngành Nông nghiệp - PTNT cảnh báo từ lâu, và cũng rất nhiều lần khuyến cáo nông dân không được tách đàn một cách tự phát, nhưng nông dân chủ quan, chỉ nhìn vào lợi nhuận trước mắt, lượng bò sữa cứ tăng. Mặc dù ngành nông nghiệp được tỉnh giao kiểm soát chặt chẽ việc phát triển đàn bò, nhưng chỉ có thể kiểm soát được về hàng rào kỹ thuật, ngăn chặn dịch bệnh… chứ không thể kiểm soát theo kiểu “ngăn sông cấm chợ”. Vào thời điểm hiện tại, có 58 hộ chăn nuôi 290 con bò sữa chưa có ký kết hợp đồng trực tiếp tiêu thụ sữa nguyên liệu với các công ty. Trong đó có tới 139 con đang khai thác sữa với sản lượng khoảng 2,3 tấn sữa tươi/ngày. 

Không những thế, việc đàn bò sữa tại Đơn Dương phát triển “nóng” đã vượt “ngưỡng” kiểm soát theo kế hoạch đặt ra của địa phương. Bởi, theo quy hoạch phát triển đàn bò của Đơn Dương, tới năm 2020, tổng đàn bò sữa của huyện mới đạt con số 8.000 con. Vậy mà đầu 2015 đã có gần 9.000 con dẫn đến sản lượng dư thừa. Từ bài học tăng trưởng “nóng” đàn bò sữa ở Đơn Dương, bài toán liên kết “4 nhà” một lần nữa lại được đặt ra không chỉ đối với huyện mà của cả tỉnh sau những liên minh thất bại trước đây.
 
Liên minh bò sữa là 1 trong 11 liên minh của tỉnh Lâm Đồng, là liên minh điển hình được đánh giá cao với vai trò chủ đạo của doanh nghiệp. Liên kết doanh nghiệp - nông dân trong chăn nuôi bò sữa có lúc gần như bị đứt gãy. Nguyên nhân đã kể ra rồi, nhưng nguyên nhân sâu xa, có lẽ là do cả hai bên có lúc chỉ nhìn thấy lợi ích của mình mà quên đi một cây cầu họ đã xây chung và đang cần giữ gìn. Sự có mặt của chính quyền và đoàn thể các cấp đã kịp thời đưa họ quay trở lại nắm tay nhau, nhanh chóng hàn gắn sự rạn nứt bằng mọi cách giúp trấn an dư luận, giúp hai bên ngồi lại thương lượng với nhau để có chung một giải pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và ổn định tình hình.
 
Nông dân bức xúc đổ bỏ sữa ngay tại trạm thu mua. Ảnh: Thụy Trang
Nông dân bức xúc đổ bỏ sữa ngay tại trạm thu mua. Ảnh: Thụy Trang
 
Hôm này (16/1), UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc họp về vấn đề bò sữa. Những quyết sách chắc chắn sẽ được công bố để sự việc tương tự không có cơ hội xảy ra trong liên kết chăn nuôi bò sữa. Nhưng bài học về chữ “tín” trong liên minh nông nghiệp lại một lần nữa bị vi phạm, sau các liên minh “khoai tây”, “chè”, “pó xôi”… đã từng xảy ra và lại một lần nữa lại phải huy động đến vai trò tổng lực của chính quyền và các tổ chức xã hội…
 
LÊ HOA