Đô thị hóa nhanh, dân cư tập trung ngày càng đông; nhiều vùng nông thôn tại Đơn Dương đã lập ra các đội vệ sinh môi trường để thu gom rác thải trong cộng đồng.
Đô thị hóa nhanh, dân cư tập trung ngày càng đông; nhiều vùng nông thôn tại Đơn Dương đã lập ra các đội vệ sinh môi trường để thu gom rác thải trong cộng đồng.
Gom rác bằng xe ngựa
Ngất ngưởng trên chiếc xe ngựa, anh Đinh Bạt Phương, người ở xã Lạc Lâm, Đơn Dương đang vung vẩy roi để điều khiển chú ngựa kéo chiếc xe rác lên một con dốc đầy đá lổn nhổn vào bãi rác thải. Thấy tôi chạy xe máy theo, anh cười lớn: “Muốn làm một vòng trên chiếc xe ngựa này không?”.
32 tuổi (sinh 1982), quê Nghệ An vào Đơn Dương lập nghiệp từ năm 1998, anh Phương là một trong những “đội vệ sinh môi trường” của xã Lạc Lâm chịu trách nhiệm thu gom rác thải trên địa bàn. Chỉ khác một điều, nhiều đội khác có đông thành viên, riêng “đội” anh chỉ có mình anh cùng 2 chú ngựa và 2 cỗ xe ngựa. Anh hành nghề này đã được nhiều năm, tự nhận là vào hàng có “tay nghề” của xã, được mọi người nơi đây tin tưởng. “Phải có 2 chiếc xe với 2 con ngựa thay đổi chứ một chiếc lỡ hỏng hóc hay ngựa mệt không thu gom hết rác người ta đến nhà phàn nàn đó” - anh cho biết.
|
Anh Đinh Bạt Phương đang gom rác bằng xe ngựa ở Lạc Lâm , Đơn Dương |
Anh Phương kể, ngày mới vào đây cũng như nhiều lao động khác, hằng ngày anh kiếm việc làm công cho các vườn rau trong vùng. Thấy người ta có xe ngựa anh cũng ao ước. Khi kiếm được chút tiền tích lũy, anh bèn hùn với một người quen mua xe ngựa chở hàng rồi sau đó mua đứt luôn chiếc xe này, ngày ngày đi chở hàng ở chợ Lạc Lâm. Là vùng trọng điểm sản xuất rau thương phẩm của Đơn Dương, Lạc Lâm những năm gần đây phát triển rất nhanh. Nhu cầu lao động rất lớn, có khoảng 800 người từ nhiều nơi trong nước về đây tạm trú tìm việc làm hằng ngày. Chợ xã heo hút ngày nào nay mua bán nhộn nhịp, các vựa rau mọc lên nhanh chóng và đi cùng với nó là rác thải, vốn là phế phẩm nông nghiệp, ứ lên hôi hám. Ban Quản lý chợ ở đây tìm người gom rác và hỏi anh Phương có làm được việc này không. Chẳng ngần ngừ, anh gật đầu và thế là anh thành người gom rác. Cùng con ngựa và cỗ xe của mình, ngày ngày, vào buổi chiều, anh đi thu gom rác tại chợ Lạc Lâm, chất lên xe rồi đưa vào bãi rác. Bãi rác do xã quản lý cách đó không xa, chỉ vài cây số, nằm trong chân núi, rộng chừng 4 sào, được xã đào hố sẵn. Rác thải được anh đưa đến, đổ xuống hố, khi đầy, xã cho người lấp đất lên, đào lại hố khác. Bên cạnh chợ, anh Phương gom rác cho các vựa rau quanh vùng. Mỗi tuần 2 lần, vào chiều thứ ba và chiều thứ bảy, anh sẽ đánh xe ngựa đến tận các vựa này để đưa rác ra bãi, tiền công thu gom mỗi vựa đóng cho anh khoảng 50 nghìn đồng, vựa nào nhiều rác tiền phí này cao hơn, khoảng 100 nghìn đồng. Anh còn hợp đồng gom rác cho khoảng 50 hộ dân của 2 thôn trong xã, mỗi tuần một lần. Rác thải được các gia đình này cho vào bao tải, để trước nhà, đúng ngày anh đến lấy cho ra bãi, mỗi gia đình trả phí cho anh khoảng 20 - 30 nghìn đồng/tháng. Việc thu gom rác theo anh Phương cho đến nay “rất ổn”, mỗi tháng từ công việc này cho anh thu nhập khoảng 4 triệu đồng. Hằng ngày, buổi sáng, khi không đi gom rác, anh lại cùng xe ngựa của mình tranh thủ đi chở hàng cho các vựa rau. Đến nay, anh đã mua đất xây được căn nhà nhỏ, vợ phụ việc cùng anh, 2 đứa con đi học. Hai con ngựa của anh hiện có giá khoảng 70 triệu đồng. Dùng xe ngựa thu gom rác theo anh Phương là rất tiện, ngựa rất ít đau bệnh, chẳng sợ tốn xăng như xe công nông, xe tải; thức ăn cho ngựa vùng này nhiều, ngày ngày chịu khó dạo qua các vựa thu nhặt rau bỏ là có cái ăn cho ngựa; xe ngựa nhỏ, có thể len lỏi trong đường làng, đến tận cửa từng gia đình trong thôn.
Những đội “vệ sinh môi trường” tư nhân
Thống kê cho biết, toàn Đơn Dương hiện nay, mỗi ngày phát sinh trên 40 tấn rác thải sinh hoạt; trong đó, thị trấn Thạnh Mỹ gần 6 tấn/ngày, thị trấn Dran gần 7 tấn/ngày và các vùng nông thôn còn lại trên 28 tấn/ngày. Trung tâm Quản lý Khai thác công trình công cộng (QL KT CTCC) Đơn Dương lâu nay chỉ có duy nhất 1 chiếc xe chuyên dụng 8 tấn nên chỉ thu gom tại thị trấn Thạnh Mỹ, thêm tuyến dọc quốc lộ 27 khu vực xã Đạ Ròn và một thôn chừng 50 hộ của xã Lạc Lâm tiếp giáp với Thạnh Mỹ cùng khu vực trung tâm xã Ka Đô trên đường xe vào bãi rác Ka Đô. Số rác thải sinh hoạt còn lại ở các vùng nông thôn và ngay thị trấn Dran do chính quyền sở tại và người dân tự xoay xở.
Tại Lạc Lâm hiện nay, theo ông Nguyễn Văn Quân, cán bộ phụ trách vệ sinh và nước sinh hoạt của xã, có 4 đội vệ sinh môi trường của người dân tự lập nên, trong đó có anh Phương. Có đội dùng xe ngựa, đội dùng xe công nông thu gom, phí thu gom được các đội này thỏa thuận với các gia đình tùy theo lượng rác thải ra. Rác thải thu gom về chôn lấp ở bãi do xã quản lý. “Mọi việc rất ổn, đường phố, đường làng Lạc Lâm nay rất sạch sẽ” - ông Quân tươi cười.
Tương tự Lạc Lâm, hầu hết các xã trong huyện Đơn Dương như Ka Đô, Ka Đơn, Tu Tra, Pró, Quảng Lập… đến nay đều có các đội vệ sinh môi trường hoạt động theo hình thức “xã hội hóa” như thế. Thông thường là UBND xã thành lập và các đội tư nhân này chịu trách nhiệm vận hành, dùng xe công nông hay xe tải thu gom rác đến từng hộ dân trong khu vực mình phụ trách, vận chuyển rác ra bãi chôn lấp của huyện. Các đội này thỏa thuận phí với người dân và hằng tháng tự thu. Ngay cả thị trấn Dran cũng thế, địa phương này đã đứng ra hợp đồng với một cá nhân và đội này có một chiếc xe tải 6 tấn ngày ngày thu gom, tập kết rác sinh hoạt tại bãi rác tạm dưới chân đèo Dran, Trung tâm QL KT CTCC Đơn Dương mỗi tháng có nhiệm vụ cho xe xuống bãi rác tạm này bốc lên, chuyển về bãi rác của huyện ở xã Ka Đô. Theo đánh giá của ông Huỳnh Như Tuấn, Giám đốc Trung tâm QL KT CTCC Đơn Dương thì “Những đội thu gom rác tư nhân theo hình thức xã hội hóa này đang làm rất tốt công việc của mình”.
Viết Trọng