Ở hàng đặc sản chợ Đà Lạt có nhiều gia đình kinh doanh tiếp nối 2 - 3 thế hệ; cũng có nhiều hộ mưu sinh, làm giàu từ đặc sản. Vì vậy, bên cạnh việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Đà Lạt đến với du khách trong và ngoài nước, có thể ví các tiểu thương ngành đặc sản Đà Lạt như là sứ giả của Đà Lạt, cùng với món quà lưu niệm ngọt ngào là hình ảnh của người phụ nữ có chút gì để nhớ trong chuyến du lịch đến xứ sở ngàn hoa.
Ở hàng đặc sản chợ Đà Lạt có nhiều gia đình kinh doanh tiếp nối 2 - 3 thế hệ; cũng có nhiều hộ mưu sinh, làm giàu từ đặc sản. Vì vậy, bên cạnh việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Đà Lạt đến với du khách trong và ngoài nước, có thể ví các tiểu thương ngành đặc sản Đà Lạt như là sứ giả của Đà Lạt, cùng với món quà lưu niệm ngọt ngào là hình ảnh của người phụ nữ có chút gì để nhớ trong chuyến du lịch đến xứ sở ngàn hoa.
|
Du khách chọn mua đặc sản tại Chợ Đà Lạt |
Cứ nói đến phong cách người Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách, tôi lại nhớ đến dì Diễm Cân - một người phụ nữ bán đặc sản ở chợ Đà Lạt những năm của thập niên 90 đã để lại kỷ niệm đẹp. Không chỉ là khách qua đường mua hàng một đi không trở lại, cách bán hàng của dì Cân đã kết giao chúng tôi thành mối quan hệ tình cảm quý mến. Từ chỗ khách hàng, tôi được dì mời đến nhà chơi và mỗi khi có dịp thong thả, dì đi xe ôm đến thăm tôi. Lâu lâu, cứ hễ đi chợ Đà Lạt, tôi tạt qua thăm dì, hỏi han chuyện nọ chuyện kia, dù không có nhu cầu mua mứt. Rồi dì Diễm Cân đi nước ngoài, đã lâu tôi không còn dạo qua quầy đặc sản nữa nhưng vẫn giữ mãi trong lòng hình ảnh dịu dàng, ngọt ngào của người phụ nữ gốc Huế mang đậm phong cách của người Đà Lạt.
Thời gian như phép mầu cho tôi gặp chị Tuyết, một người thay thế dì Diễm Cân làm Trưởng ngành hàng đặc sản của Chợ Đà Lạt, cũng có những đức tính tốt đẹp của người Đà Lạt: Hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Chỉ vài lần gặp gỡ công việc, tôi đã nhận ra vẻ đẹp tiếp nối từ dì Diễm Cân cho đến thế hệ chị Tuyết chính là nuôi dưỡng nét đẹp của người Đà Lạt. Bàn về phong cách người phụ nữ Đà Lạt hiền hòa, thanh lịch, mến khách, chị Tuyết cho rằng: “Bây giờ, tìm một nguyên mẫu hiếm lắm, hình như là dân nhiều nơi đến Đà Lạt sinh sống đã ít nhiều thay đổi để hòa nhập; đông thường dễ xô bồ nhưng cái đẹp còn lại quý nhất chính là sự hiếu khách, nhẹ nhàng. Chị em bán hàng vẫn còn lo toan mưu sinh vất vả vì tuổi trẻ, con cái nhiều mối lo, áp lực cạnh tranh, nhưng về mặt quan hệ con người không đến nỗi nào, chị em buôn bán ở chợ gặp nhau thường xuyên cả ngày nhiều hơn ở gia đình. Vì vậy, chợ gắn với đời sống của chị em tiểu thương, trong đó ngành hàng đặc sản là ngành hàng mũi nhọn trong phong trào xây dựng chợ Đà Lạt có nếp sống văn hóa hơn 10 năm qua và 2 năm gần đây xây dựng CLB “Văn minh thương mại”. Chị em xây dựng cung cách buôn bán hòa nhã, khiêm tốn, biết tiết chế những gì cá nhân để phục vụ khách hàng, đặc biệt là du khách, tạo dựng hình ảnh đẹp về con người Đà Lạt”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết - Trưởng ngành hàng đặc sản Chợ Đà Lạt cũng là Chủ nhiệm CLB “Văn minh thương mại” với ban đầu có 20 thành viên tham gia trong số 90 quầy đặc sản. Mô hình này cụ thể hóa Đề án 343 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ CNH - HĐH đất nước” nhằm tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là những quy định trong văn minh thương mại và phong cách bán hàng, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, đảm bảo chất lượng hàng hóa, niêm yết giá, an ninh trật tự và phòng cháy chữa cháy. Chị Tuyết đánh giá qua 2 năm tuyên truyền như mưa dầm thấm lâu, đã giúp chị em ý thức hơn và nhận thức được rằng nếu không thay đổi cung cách mua bán thì sẽ không có khách hàng. Trong môi trường cạnh tranh, bán cho khách thì dễ nhưng giữ chân khách hàng mới khó. Không có ngành hàng nào như đặc sản, gần gũi với khách hàng, có sự giao thoa chặt chẽ giữa người bán và người mua do hoạt động thương mại gắn với du lịch đề cao sự văn minh, thân thiện, chiều lòng khách hết cỡ: Người bán sẵn sàng giao hàng cho khách tận khách sạn hoặc gởi tận nhà (trong nước) qua các chuyến xe hoặc đường bưu điện.
25 năm bán đặc sản Đà Lạt, chị Tuyết cho rằng khách đến tham quan chợ rất thích đặc sản Đà Lạt, khách hàng rất thông minh, không phải tin tưởng tuyệt đối lời người bán mà có sự so sánh nhiều nơi để chọn lựa và họ sẽ đến với mình bằng sự tin cậy - niềm tin giữ chân khách hàng. Từ CLB này, chị em tiểu thương cam kết không bán hàng đặc sản không rõ nguồn gốc. So với 15 năm trước, mặt hàng đặc sản Đà Lạt bây giờ phong phú, đa dạng hơn nhiều, trung bình mỗi quầy kinh doanh hơn 30 loại đặc sản như: mứt các loại, nước cốt các loại, trà, cà phê, rượu vang, rau củ quả sấy, khoai lang dẻo - sấy, hồng khô, dâu tây sấy, atisô thân - lá - rễ - trà túi lọc... Các mặt hàng đặc sản phong phú, mẫu mã đẹp, đáp ứng nhu cầu khách hàng và phong cách bán hàng cũng phải thay đổi. Chị Tuyết nhấn mạnh: Phong cách buôn bán ảnh hưởng đến sức mua và giữ chân khách hàng, vì vậy, cạnh tranh phong cách mua bán là quan trọng. Với vai trò Trưởng ngành hàng đặc sản, chị Tuyết cho biết, ngoài nhiệm vụ kinh doanh của mình, chị còn tham gia giải quyết các vấn đề nảy sinh trong hoạt động kinh doanh của ngành đặc sản. Thỉnh thoảng có vụ va chạm, cãi nhau thì hòa giải và nghiêm trọng thì bị xử lý hành chính. Cách đây vài năm, một vụ xô xát xảy ra, chủ quầy bị phạt 500.000 đồng và buộc đóng cửa 3 ngày nên cuối năm ngành đặc sản không được Hội Phụ nữ Chợ Đà Lạt khen. Năm 2014 chỉ vì 1 chủ quầy đặc sản ra về ban đêm quên tắt điện (vi phạm phòng cháy chữa cháy) nên ngành đặc sản không đạt danh hiệu ngành hàng xuất sắc.
Chính những điều này làm chị em kinh doanh quy củ hơn. Chị Trần Thị Phượng - chủ quầy đặc sản Phượng Điền cho biết: “Thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh thương mại không khó, chúng tôi đồng lòng thực hiện, đảm bảo chất lượng đi cùng số lượng và giá cả”. Hiện nay, tiểu thương ngành đặc sản Chợ Đà Lạt bức xúc vì “bên trong tuân thủ, bên ngoài thì không”. Bên ngoài chợ vẫn xảy ra tình trạng bán đặc sản trôi nổi, giá cả thấp, trọng lượng không đầy đủ. Cụ thể: hàng lề đường, hàng rong bán mứt dâu trọng lượng 150 gram giá 25.000 đồng/3 hộp, trong Chợ Đà Lạt bán 1 hộp mứt dâu trọng lượng 200 gram giá 9.000 -10.000 đồng/hộp. Tình trạng buôn bán đặc sản trôi nổi xung quanh chợ từ 5 giờ chiều đến đêm ảnh hưởng đến ngành đặc sản trong chợ kinh doanh từ 6 giờ sáng đến 9 - 10 - 11 giờ đêm (tùy theo mùa - du lịch hè và tết bán khuya hơn). Chị Phượng chia sẻ: “Chúng tôi tuân thủ theo nội quy và tự tin bán hàng cho khách. Bây giờ kinh doanh đặc sản khó khăn, mua 9 bán 10, lợi nhuận thua kém các mặt hàng khác nhưng vì yêu thích nghề, quen việc nên tôi vẫn giữ nghề 10 năm nay”.
Cứ thứ năm hằng tuần, tiểu thương ngành đặc sản tự làm vệ sinh sạch sẽ khu vực quầy của mình và thu gom xử lý rác. Nếu ai một lần đặt chân đến các quầy đặc sản trong chợ Đà Lạt sẽ thấy đường đi lối lại sạch sẽ, sản phẩm trưng bày thật bắt mắt.
DIỆU HIỀN