Thấy tôi giương máy ảnh chụp cảnh lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu ngang qua cổng trạm kiểm soát cửa rừng, một cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH nông nghiệp Khang Cường tên là Khánh nói nửa đùa nửa thật: "Chụp ảnh như vậy, không biết chiều nay anh có ra khỏi làng Đạ Nha (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) được không đấy! Lâm tặc ở đây hung dữ lắm!".
Thấy tôi giương máy ảnh chụp cảnh lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu ngang qua cổng trạm kiểm soát cửa rừng, một cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Công ty TNHH nông nghiệp Khang Cường tên là Khánh nói nửa đùa nửa thật: “Chụp ảnh như vậy, không biết chiều nay anh có ra khỏi làng Đạ Nha (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh) được không đấy! Lâm tặc ở đây hung dữ lắm!”. Tôi cười: “Không ra được thì mình lại vào rừng, tiếp tục tìm lâm tặc!”. Khánh được dịp: “Tụi em ở đây “hết thuốc” rồi! Bây giờ mà đứng ra chặn xe lâm tặc thì tối nay cái nhà trạm này bị phá ngay lập tức, cả tính mạng của tụi em cũng không an toàn!”.
Khánh nói thêm: “Ngay bản thân em đây cũng đã từng bị lâm tặc đánh đến mức phải nhập viện...”. Tôi hỏi: “Chả nhẽ... bó tay?”. Anh chàng phụ trách nhóm nhân viên bảo vệ rừng của Công ty Khang Cường gật đầu: “Biết làm thế nào, anh! Họ từng đốt trạm, đánh người... Gỗ lậu ở đây cứ như là ở chỗ không người vậy!”.
|
Gỗ lậu ngang nhiên đi ngang qua chốt bảo vệ của Công ty Khang Cường ở cửa rừng |
Đi thăm rừng và... xem chở gỗ lậu
Buổi trưa ở Đạ Tẻh nắng như đổ lửa. Có thể nói, những cánh rừng ở Đạ Nha càng “nóng” hơn. Liên lạc với ông Tổng GĐ Công ty TNHH nông nghiệp Khang Cường Đoàn Minh Trường được biết, muốn đến cơ sở Khang Cường thì liên hệ với Nguyễn Văn Dương (nhân viên, phụ trách khâu nông nghiệp), hoặc Dương Ngọc Khánh (Tổ Quản lý bảo vệ rừng). Khang Cường là một trong hơn hai chục doanh nghiệp thuê đất thuê rừng ở Đạ Tẻh để trồng rừng, trồng cao su và sản xuất nông lâm kết hợp. Văn phòng của Công ty Khang Cường (thực ra chỉ là chi nhánh) nằm ở bên kia con suối Đạ Nha, cũng thuộc xã Quốc Oai của huyện Đạ Tẻh.
Tôi quẳng cả ba lô lẫn xe máy tại Văn phòng rồi leo lên chiếc xe “chuyên dụng” của Khánh. Khánh bảo: “Em sẵn sàng đưa anh đi đến cuối phần đất của Khang Cường thuê. Nó rộng lắm - những gần 900ha ở 4 tiểu khu 520, 525 thuộc xã Quốc Oai và 539, 524 thuộc xã Mỹ Đức (cũng thuộc địa bàn huyện Đạ Tẻh). Trước, đất rừng này là của Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh vàng bạc đá quý Kim Minh Đạt, trụ sở cũng ở TP HCM. Khang Cường giống như là công ty con của Kim Minh Đạt, là cổ đông lớn nhất. Nay, diện tích này gần như là công ty mẹ sang nhượng lại cho công ty con. Rừng này tỉnh Lâm Đồng cho Kim Minh Đạt thuê từ năm 2008... Giờ đây, chỉ riêng giữ cho diện tích rừng của Công ty khỏi bị lâm tặc tấn công cũng đã mệt mỏi lắm rồi...”.
Không chỉ nhiệt tình đưa tôi lội rừng mà Khánh còn tỏ ra khá vô tư khi kể cho tôi nghe đến tường tận nạn lâm tặc ở chốn này. Khánh bảo: “Lâm tặc vào đây “làm rừng” cứ như họ là chủ chứ không phải Khang Cường!”. Nghe tiếng cây đổ rồi sau đó là tiếng... thú rừng rộ lên, tôi hỏi: “Họ chặt gỗ và đang săn thú rừng trên kia à?”. Khánh nói: “Họ vừa cưa đổ cây, nghe tiếng xe máy, họ ra hiệu cho nhau là phải cẩn thận vì có “người lạ” vào rừng đấy! Rừng trên đó cũng hết gỗ quý rồi, anh à! Ví dụ như hiện tại em đi kiểm tra rừng, khi lên được đến nơi, thấy động là lâm tặc di chuyển đi nơi khác rồi chứ không để bị bắt tại trận đâu. Mà, nếu có bắt tại trận thì chắc gì em hoặc nhóm bảo vệ của Công ty khống chế được họ. Khổ thế đấy!”.
Nhìn từng đoàn từng đoàn người gầm rú xe máy chở những súc gỗ xẻ qua ngay trạm bảo vệ nơi cửa rừng của Công ty TNHH nông nghiệp Khang Cường ở Đạ Nha, tôi không thể không tự hỏi về năng lực bảo vệ rừng của đơn vị này. Bỗng tôi nhớ đến trong một văn bản, UBND tỉnh yêu cầu Kim Minh Đạt phải “tăng cường lực lượng đủ mạnh, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và cơ quan có liên quan trong quản lý, bảo vệ rừng trên diện tích được thuê; nếu Công ty tiếp tục để rừng bị phá, khai thác trái phép thì phải bồi thường giá trị tài nguyên rừng bị mất...”. Thú thật, tôi không đếm xuể trong vòng nửa tiếng đồng hồ có cả thảy bao nhiêu xe hon đa chở gỗ đi ngang qua trạm. Khánh nói: “Anh có để ý không, tất cả gỗ đều được xẻ đúng theo quy cách chiều ngang 40cm vuông, chiều dài 2,5m. Họ đi thành từng đoàn, ít thì 5, 7 người; nhiều thì lên đến hơn chục người. Ở đây, chúng em hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ gì cả, gần như là tay không; trong khi lâm tặc thì dao rựa, giáo mác cứ lừ lừ, lườm lườm thế kia… Trong một văn bản của Công ty Khang Cường gửi Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Đạ Tẻh hồi cuối năm 2014 vừa qua (công văn do ông Tổng GĐ Đoàn Minh Trường ký), có đoạn: “Sự việc trên cho thấy sự hoành hành của lâm tặc tại huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng là ngày càng gia tăng và bất chấp luật pháp, xem thường cả các cơ quan chức năng. Do đó, Công ty Khang Cường vô cùng lo ngại cho sự an toàn của cán bộ, nhân viên tại khu vực dự án, vì trong thời gian qua, cán bộ, nhân viên của Công ty đã nhiều lần bị lâm tặc đe dọa...”.
Xem lại năng lực các doanh nghiệp
Rõ ràng là năng lực của doanh nghiệp Khang Cường là rất đáng quan tâm, nhất là năng lực về bảo vệ rừng. Đưa vấn đề này ra để hỏi ý kiến người lãnh đạo cao nhất huyện Đạ Tẻh, tôi được anh Đỗ Phú Quới - Bí thư Huyện ủy - chia sẻ: “Không chỉ riêng Khang Cường mà hầu hết 22 doanh nghiệp có thuê đất trên địa bàn huyện Đạ Tẻh này đều thế cả. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn Đạ Tẻh này đều thuê đất để trồng rừng, trồng cây cao su, kết hợp với chăn nuôi gia súc và canh tác nông nghiệp. Hiện tại, cây cao su đang chững lại vì giá cả xuống thấp, các doanh nghiệp không mở rộng thêm. Nhưng đó chỉ mới là một nhẽ; thực chất, năng lực tài chính của doanh nghiệp không quá mạnh như đánh giá ban đầu. Còn về năng lực quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn lâm tặc khai thác gỗ trên diện tích đất rừng đã thuê, Khang Cường cũng như 21 doanh nghiệp còn lại đều yếu. Đây là bài toán đang cần lời giải từ phía lãnh đạo chính quyền các cấp!”.
Cán bộ phụ trách mảng nông nghiệp của Khang Cường - anh Nguyễn Văn Dương - nói với tôi: “Khang Cường không đặt ra vấn đề khai thác gỗ tận thu mà đặt nặng vấn đề canh tác nông nghiệp sạch, ngoài việc trồng rừng và trồng cây cao su. Hiện cây cao su đang gặp khó nên tạm dừng ở diện tích trên dưới 30ha đã trồng trước đây để chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ sạch và trồng chuối. Về cây cao su như Dương nói, thú thật, tôi khi lúc quá trưa đi tham quan rừng cùng với Khánh, nhìn những cánh rừng cao su năm, bảy năm tuổi (có những khu sắp cho thu hoạch mủ) bị bỏ mặc cho nắng mưa mà xót! Suốt một năm qua, hơn 30ha cao su đã trồng này không được chăm bón gì cả nên cây bụi mọc um tùm, dây leo quấn chằng quấn chịt lên ngọn. Tôi hỏi Khánh: “Sao Công ty không thuê người dân địa phương phát đốt, làm cỏ, bỏ phân cho cao su?”. Khánh vô tư: “Cây cao su không còn hấp dẫn nữa rồi. Với lại, người dân địa phương ở đây “bị” lâm tặc thuê hết rồi. Anh cứ thử tính xem, đi làm thuê cho Công ty mỗi ngày cao lắm là 200.000 đồng, còn đi chở gỗ cho các đầu nậu thì cứ mỗi súc gỗ như vậy khi về đến trung tâm xã sẽ được trả 300.000 đồng, với lại chở gỗ chỉ mất hơn một buổi, cái nào hơn?”.
Đem vấn đề quản lý bảo vệ rừng ở Công ty Khang Cường ra trao đổi với Phó GĐ Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh Nguyễn Bá Khai, tôi được anh thẳng thắn: “Rừng bây giờ là của Khang Cường thuê rồi. Để mất rừng, trách nhiệm chính thuộc về họ. Trên địa bàn huyện Đạ Tẻh, rừng của Nhà nước trước đây được giao cho chúng tôi tương đối liền khoảnh, nay thì khoảnh này giao cho công ty này, khoảnh kia giao cho công ty khác nên trở nên rừng “da báo”. Do đó, lúc này, để bảo vệ được diện tích rừng còn lại của Công ty TNHH một thành viên lâm nghiệp Đạ Tẻh bỗng trở nên khó khăn hơn trước. Còn lãnh đạo của Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh cũng thẳng thắn: “Chúng tôi chỉ hỗ trợ cho Khang Cường cũng như các doanh nghiệp khác thuê đất thuê rừng trên địa bàn. Còn công tác tuần tra bảo vệ chính đã thuộc về các công ty”.
Lúc từ văn phòng chi nhánh Công ty Khang Cường chạy xe máy trở ra thị trấn Đạ Tẻh chỉ một mình, thú thật là tôi hết sức cảnh giác vì... biết đâu... Mặc dầu vậy, trong đầu tôi vẫn cứ băn khoăn với câu hỏi mà không biết có nên nêu ra đây hay không: Năng lực của một số doanh nghiệp thuê đất rừng, nhất là năng lực quản lý bảo vệ rừng, là rất hạn chế; trách nhiệm của các ngành chức năng, của chính quyền địa phương đến đâu phải được xác định một cách rõ ràng, không thể để tình trạng như hiện nay. Vậy tỉnh Lâm Đồng cũng cần xem xét lại vấn đề này để sớm chấn chỉnh tình trạng rừng bị tàn phá.
Phóng sự: Khắc Dũng