Thời gian gần đây, hiện tượng người dân tộc thiểu số trở về buôn cũ dần trở nên phổ biến hơn ở nhiều địa phương trong cả tỉnh. Việc trở về buôn cũ của bà con đôi khi chỉ diễn ra một cách lặng lẽ, lén lút mà đến khi việc đâu đã vào đó rồi thì chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đó mới phát hiện.
Thời gian gần đây, hiện tượng người dân tộc thiểu số trở về buôn cũ dần trở nên phổ biến hơn ở nhiều địa phương trong cả tỉnh. Việc trở về buôn cũ của bà con đôi khi chỉ diễn ra một cách lặng lẽ, lén lút mà đến khi việc đâu đã vào đó rồi thì chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đó mới phát hiện. Do vậy, khi “việc đã rồi”, cách xử lý của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương đó gặp không ít khó khăn.
Điều đáng nói, hầu hết những buôn làng cũ của bà con thường nằm sâu trong rừng; và hiện tượng “về buôn cũ” hầu như đồng nghĩa với việc quay lại cách sống du canh, phát rừng làm rẫy như trước kia. Vụ việc hàng trăm người dân tộc thiểu số ở huyện Đam Rông “về làng cũ” nằm trong khu vực Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà thuộc huyện Lạc Dương trong một vài năm gần đây là một bài học cần rút kinh nghiệm. Và mới đây nhất, sau khi con đường Đông Trường Sơn nối Đà Lạt với xã vùng sâu Đưng Knớ của huyện Lạc Dương được mở ra, có hàng chục hộ dân ở thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà lại kéo nhau về làng Hang Hớt thuộc thôn Lán Tranh, xã Đưng Knớ của huyện Lạc Dương để sinh sống. Việc “quay về” này của bà con dân tộc thiểu số thôn Hang Hớt của xã Mê Linh (Lâm Hà) bắt đầu từ năm 2012. Lần đó, chính quyền hai huyện Lạc Dương và Lâm Hà đã tốn không ít công sức để thuyết phục bà con “quay lại” Hang Hớt của Mê Linh. Song, gần đây nhất, khi con đường Đông Trường Sơn thành hình hài, thì một số bà con dân tộc thiểu số ở xã Mê Linh lại trở về làng cũ Hang Hớt của xã Đưng Knớ với ý định lập làng và sinh sống. Rõ ràng, việc tự ý trở về buôn cũ như thế là không hợp pháp. Lần thứ hai trở về buôn cũ (từ Hang Hớt của Mê Linh chuyển sang Hang Hớt của Đưng Knớ), thay mặt cho các hộ dân, ông R’Ông Ha Chang đã làm đơn gửi đến chính quyền với nội dung xin tạm trú tại thôn Lán Tranh thuộc xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương. Trước lá đơn này của ông R’Ông Ha Chang thay mặt bà con, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương - ông Phạm Triều, có ý kiến: “Việc ông R’Ông Ha Chang và một số hộ dân thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà xin quay về làng cũ tại xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương đã được UBND huyện Lạc Dương trả lời là không chấp thuận với lý do được nêu tại văn bản số 649/UBND-VP ngày 16/7/2012”; và do vậy, một lần nữa, UBND huyện trả lời cho ông R’Ông Ha Chang biết: “UBND huyện Lạc Dương không thống nhất với nội dung xin trở về tạm trú tại thôn Lán Tranh, xã Đưng Knớ” và “Đề nghị ông R’Ông Ha Chang và bà con tiếp tục ổn định sinh sống tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà”.
Việc giải quyết của UBND huyện Lạc Dương là hoàn toàn có lý. Và, điều quan trọng hơn, không nên để hiện tượng “trở về làng cũ” của bà con trở thành một thói quen không tốt!
Khắc Dũng