Lại một kiểu thông tin "tâm không sáng, lòng không trong"

09:03, 18/03/2015

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, lực lượng báo chí của Việt Nam phát triển khá nhanh, đa dạng, có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng cũng như chất lượng. Phần lớn các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, và là diễn đàn của nhân dân. Thế nhưng bên cạnh dòng chảy chính thống ấy, vẫn còn bộc lộ một số hiện tượng sa vào thương mại hóa, khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ…

(LĐ online) - Trong những năm gần đây, lực lượng báo chí của Việt Nam phát triển khá nhanh, đa dạng, có nhiều chuyển biến tích cực về số lượng cũng như chất lượng. Phần lớn các cơ quan báo chí đã làm tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, và là diễn đàn của nhân dân. Thế nhưng bên cạnh dòng chảy chính thống ấy, vẫn còn bộc lộ một số hiện tượng sa vào thương mại hóa, khuynh hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ…
 
Thực trạng cho thấy đáng lưu ý là không ít báo, đài thông tin sai sự thật. Một số báo tiếp nhận thông tin, đơn thư khiếu nại, tố cáo hoặc khai thác thông tin từ truyền thông xã hội nhưng bỏ qua khâu thẩm định, xác minh dẫn tới thông tin sai sự thật, xâm phạm bí mật đời tư, ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín tổ chức, danh dự cá nhân… Nhiều bài viết, nhất là trên báo điện tử, trang thông tin điện tử chỉ tập trung phản ánh về cái xấu, tiêu cực, mặt trái xã hội ở mức độ đưa tin, không thể hiện quan điểm phê phán, đấu tranh, chỉ ra cái sai; nhiều bài viết đề cập nhưng vô hình trung tuyên truyền cho cái xấu, cái tiêu cực… Những hiện tượng ấy khiến cho một bộ phận báo chí sa vào lối làm báo thiếu tính khoa học, tính chuyên nghiệp, vi phạm pháp luật về báo chí và đạo đức nghề báo. 
 
Như chúng ta biết, trước Tết Ất Mùi, Thanh tra Bộ Thông tin truyền thông sau 2 tháng tiến hành thanh tra đã công bố quyết định thu hồi thẻ nhà báo của ông Kim Quốc Hoa - Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi do “có dấu hiệu lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, “vi phạm các quy định về thông tin trên báo chí gây hậu quả nghiêm trọng”, “đăng nội dung đơn thư khiếu nại, tố cáo và bình luận suy diễn thiếu căn cứ dẫn đến thông tin sai sự thật”… Tiếp theo, ngày 10-3-2015, Ban Thường vụ Hội Người cao tuổi đã ra Quyết định miễn nhiệm chức vụ Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi đối với ông từ ngày 12-3. Sự việc sai phạm của Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi là một điều đáng tiếc bởi báo giới đều biết ông Kim Quốc Hoa - nguyên sĩ quan cao cấp của quân đội, xuất thân là phóng viên tờ “Chiến sĩ hậu cần”, nguyên Tổng Biên tập các tờ báo Tuổi trẻ Thủ đô, Lao động Xã hội, Xây dựng… và năm 2007 làm Tổng Biên tập Báo Người cao tuổi. Quá trình gắn bó với sự nghiệp báo chí, Kim Quốc Hoa thể hiện là người say nghề, tâm huyết, có công xây dựng và phát triển các tờ báo được giao phó quản lý. Thế nhưng ai học hết chữ ngờ khi một nhà báo được tôi luyện kỹ càng, có thâm niên nghề nghiệp cao như vậy lại có giai đoạn nóng vội và thái quá khi xử lý các vấn đề nghiệp vụ rất cần tới sự tỉnh táo của một bản lĩnh chính trị vững vàng… 
 
Bàn về quan điểm của người cầm bút, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, người thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam từng dạy trước khi viết phải trăn trở trước các câu hỏi: “Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”! Có xác định đúng mục đích ấy, tác phẩm báo chí mới có ý nghĩa xã hội sâu sắc, tác động tích cực và mang tính định hướng dư luận xã hội. Lời dạy của Bác đến nay và mãi mãi còn nguyên giá trị đối với người làm báo. Rất tiếc, trong xu hướng nhận thức chưa đúng về “quyền tự do dân chủ” và sa vào thương mại hóa báo chí nên một số nhà báo, tờ báo đã chạy theo xu hướng đưa thông tin giật gân, câu khách, bé xé to…, thậm chí còn bị “giật dây” khiến phản ánh sai lạc bản chất của sự việc, sự kiện, con người được thông tin, gây hậu quả nghiêm trọng tới nhận thức của độc giả… Những người làm báo chuyên nghiệp thường nhắc nhau: Không phải sự thật nào cũng đăng lên mặt báo vì cần cân nhắc điều lợi, cái hại để tránh “lợi bất cập hại”, tránh phản tuyên truyền… Vừa qua, công chúng báo chí và những người làm báo chuyên nghiệp trong nước thật bất ngờ, ngạc nhiên trước việc đăng tải bài báo rất thiếu tính định hướng khách quan, công tâm của một tờ báo điện tử thuộc một Hội trung ương. (Trong phạm vi bài viết bàn về nghiệp vụ này, tác giả không tiện nêu tổ chức, con người cụ thể mà chỉ viện dẫn những vấn đề cần quan tâm)… Cụ thể là ngày 7-3-2015, tờ báo mạng này đăng bài phản ánh xung quanh một nhân vật nguyên là lãnh đạo của Lâm Đồng lên tiếng về thông tin “bị trùm bao tải đánh giữa phố”. Trước hết, dễ nhận thấy, tác giả bài viết đã thiếu tính chuyên nghiệp khi cố tình rút một cái tít hết sức chung chung, không “gọi rõ tên bản chất sự việc” là sự thật “không hề có sự việc trên” mà chỉ “là tin đồn vô căn cứ và ác ý nhắm vào uy tín” của đối tượng được phản ánh. Theo tôi, trước nguồn tin đồn thất thiệt như vậy nếu tác giả là người có thiện chí, có trách nhiệm nghề nghiệp thì phải điều tra, chỉ rõ ai là người đưa tin, từ đó phân tích, tìm hiểu nguồn tin có đáng tin cậy không. Đặc biệt là phải xác định “nếu thông tin thì sẽ giải quyết vấn đề gì trong xã hội”? Rất tiếc là với nguyên tắc hàng đầu đặt ra với nghiệp vụ điều tra, tác giả chưa làm được điều cơ bản đó mà chỉ dựa vào “theo thông tin từ những câu chuyện râm ran tại TP. Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng” hay “được giới thạo tin ở Đà Lạt kể lại”. Thiết nghĩ, trong cuộc sống hiện có rất nhiều hiện tượng bất cập thế nhưng chức năng của báo chí không phải là “sục sạo” săn những tin như vậy. Không chỉ chọn lệch hướng vấn đề cần tìm hiểu, tác giả còn sa đà khi miêu tả lại các câu chuyện không đáng tin cậy về trường hợp đối tượng bị đánh. Chưa hết, tác giả còn dẫn ra những nguyên nhân “Người thì khẳng định ông… bị dân vây đánh, người nói ông gặp cướp, kẻ khác lại bảo ông bị người thuê xã hội đen đánh để trả thù”. Trong bài báo có rút tít phụ: Ma trận tin đồn, theo tôi chính tác giả khi viết bài báo này đã cố tình làm bùng nhùng, rối rắm thêm “ma trận” ấy… Đọc xong bài báo, công chúng rất thất vọng vì báo giới nước nhà lại xuất hiện khuynh hướng viết báo lá cải như vậy. Nếu tác giả là người có tâm khi tìm hiểu thấy không hề có chuyện một nhân vật bị đánh gây thương tích mà chỉ là tin đồn thì tốt nhất nên chia sẻ với đối tượng bằng cách không thông tin mà hãy để cho “người đi đường cứ đi…”. Đằng này, theo tôi, bài viết mù mờ và thiếu chính kiến này chỉ là cái cớ để tác giả gây rối dư luận, hạ uy tín của người được thông tin. Bạn đọc dễ nhận thấy tâm địa này qua những câu bình luận cảm tính chủ quan thiếu chứng cứ thuyết phục: “biệt thự gia đình ông… một thời có chuyện lùm xùm”, “Tin hay không cũng không quan trọng, nhưng không có lửa làm sao có khói”. Đặc biệt, sự non nớt của người viết bộc lộ khi không đủ sự nhạy cảm, tỉnh táo để nhận diện mâu thuẫn trong lời kể của ông Vũ, một người chạy xe ôm “Người ta đồn ông… bị xã hội đen đánh dằn mặt. Tui không tin, cả cái thành phố Đà Lạt này ai dám đụng tới ông… đâu”…  tuy nhận xét vậy nhưng tiếp theo ông này lại bất nhất khi “khẳng định việc ông… bị đánh là có thật”. Từ chuyện bị đánh xọ sang chuyện nhà, rồi dẫn ra lời nhận xét vô căn cứ, thiển cận của nguồn tin không đáng tin cậy… không hay tác giả có dụng ý gì và thật thất vọng khi có những kiểu viết báo như vậy. 
 
Cũng cần bàn thêm về nội dung tít “Nguyên… lên tiếng về thông tin “bị trùm bao tải đánh giữa phố” – Tôi thật lấy làm lạ cho cách dùng từ “lên tiếng” không đúng trạng huống, trạng thái này. Ở đây, đối tượng thông tin đâu phải là người tìm đến báo chí để “lên tiếng” thanh minh, thanh nga mà chính tác giả liên hệ trực tiếp và được ông vui vẻ khẳng định “Tôi khỏe mạnh và không hề bị đánh”. Do vậy, một lần nữa lại nhận diện người viết dù có uốn éo, mù mờ chữ nghĩa, đánh tráo khái niệm thế nào thì cũng lộ ra cái “tâm không sáng, lòng không trong”. 
 
Từ bài báo trên là sự cảnh báo độc giả cần tỉnh táo trước hiện tượng trên một số báo mạng hiện xuất hiện “như nấm sau mưa” những thông tin độc hại, không hướng dư luận xã hội tới Chân, Thiện, Mỹ. Nguyên căn là người quản lý, người cầm bút không ý thức được trọng trách lớn lao của  báo chí cách mạng là bộ phận của công tác tư tưởng – văn hóa của Đảng, có sứ mệnh cao cả cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, tác phẩm của họ thiếu tinh thần trách nhiệm và tính nhân văn; chỉ làm rối ren, không tạo nên sự đồng thuận xã hội, xa rời sứ mệnh chính trị của mình. Theo tôi, đã đến lúc cần tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí, xử lý nghiêm những tổ  chức, cá nhân xa rời tôn chỉ, mục đích, lợi dụng “tự do dân chủ”, lợi dụng ngòi bút để phục vụ mưu đồ cá nhân trong hoạt động báo chí. 
 
VĂN ĐÀ