Đôi vợ chồng già bên bãi rác bỏ hoang

08:04, 22/04/2015

Hai vợ chồng già đang sinh sống trong một túp lều (đúng nghĩa) bên cạnh một bãi rác đã bỏ hoang ngay chân đèo D'Ran (huyện Đơn Dương). Người chồng có tên họ đầy đủ là Nguyễn Văn Thông, 57 tuổi; người vợ cũng chừng ấy tuổi có một cái tên không ai nghĩ là sẽ nghèo khổ Dương Thị Cẩm Hoa.

Hai vợ chồng già đang sinh sống trong một túp lều (đúng nghĩa) bên cạnh một bãi rác đã bỏ hoang ngay chân đèo D’Ran (huyện Đơn Dương). Người chồng có tên họ đầy đủ là Nguyễn Văn Thông, 57 tuổi; người vợ cũng chừng ấy tuổi có một cái tên không ai nghĩ là sẽ nghèo khổ Dương Thị Cẩm Hoa.
 

Họ ở cuối chân đèo Sông Pha (Ninh Sơn - Ninh Thuận) lên thị trấn D’Ran kiếm sống từ 14 năm trước. Chồng làm thuê công nhật, vợ quét rác chợ, kiếm gạo từng bữa. Vì cơm áo thường ngày, số phận đã đưa họ đến với bãi rác (thuộc địa phận thôn Lạc Thiện, thị trấn D’Ran) để mong đỡ vất vả hơn trong việc toát mồ hôi chạy ăn từng bữa.
 
Chẳng chốn dung thân, tiền thuê phòng lại quá sức với thu nhập từ lao động của hai vợ chồng nên họ nhặt nhạnh từng mảnh gỗ ép, giấy dầu, tôn vênh... để dựng nên một túp lều dưới những gốc thông già bên cạnh bãi rác để nương thân. Có khai báo tạm trú, dù không có hộ khẩu, nhưng thấy hoàn cảnh quá đáng thương, nên chẳng ai nỡ dẹp bỏ, chính quyền địa phương cũng “làm ngơ” tạo điều kiện cho họ có chỗ chui ra, chui vào tránh nắng mưa để nhặt rác kiếm sống. 
 
Số phận như đánh đu với đôi vợ chồng ấy, khi cuối năm 2014, bãi rác này đã chính thức đóng cửa, nguồn sống duy nhất dường như đã khép lại với họ. 
 
Cả gia đình 5 miệng ăn đều trông chờ vào việc làm thuê của người con trai duy nhất năm nay 20 tuổi và người vợ vốn chẳng còn khỏe mạnh. Thêm vào đó, là hai đứa nhỏ (con của một người họ hàng đã mất) họ nhận nuôi từ bé, đang học tiểu học dưới thị trấn. Không một chốn dung thân, không một công việc ổn định, tôi không hiểu làm sao họ có thể sống qua mỗi ngày giữa thời buổi “gạo châu, củi quế”, chưa nói đến chừng ấy thời gian họ bám trụ trong túp lều rách nát sát bên cạnh bãi rác nồng mùi ấy.
 
Ngồi với tôi trong váng vất khói của những bãi rác đang được chính ông đốt để làm sạch đất, ông nói: “Vài bữa nữa gieo ít hạt bắp, củ mỳ, cuối năm có cái mà ăn, không thì lại đói nữa chú ơi. Thằng con trai vẫn đi làm thuê công nhật, ai gọi chạy bàn đám cưới thì đi, ai kêu hái cà phê, hái hồng thì chạy, cũng may có nó thanh niên, khỏe nên cả nhà còn có cái để ăn uống, không chúng tôi chẳng biết làm gì nữa. Tôi mấy tháng nay, khớp gối lại trở chứng, đi lại còn khó...”, người đàn ông 57 tuổi, ốm tong teo, ho sù sụ sau mỗi đợt khói gặp gió tạt ngang, thở dài đánh sượt.
 
Tôi hỏi: Thế còn hai đứa cháu, hai bác lấy gì nuôi nó ăn học? Vợ ông cho biết: Hoàn cảnh hai đứa nhỏ tội lắm, vợ chồng tôi tuy nghèo nhưng thấy chúng mồ côi, bơ vơ nên thương tình nhận về nuôi, kệ chú à, có cơm ăn cơm, có cháo ăn cháo, dù sao ở đây chúng còn có tình thương, không phải lang thang vất vưởng, thấy hoàn cảnh, nên nhà trường nơi chúng nó học cũng miễn giảm phần lớn học phí”.
 
Cậu con trai thấy người lạ dường như mặc cảm vì nghèo, vì nơi sinh ra, nên ngại ngùng không tiếp chuyện, thấy đôi vợ chồng già nói, chiều nay đi chạy bàn đám cưới, cũng được ít tiền. Số tiền ấy, có lẽ cho hai bữa cơm ngày mai, gói ghém chắc cũng đủ.
 
Không có hộ khẩu, nên chính quyền địa phương cũng không thể vượt qua nguyên tắc, thủ tục hành chính để làm sổ nghèo cho họ, hay giúp đỡ bằng vật chất thông qua các chương trình từ thiện. Bắp, mì gieo lên trên đất lâm nghiệp rồi cũng sẽ bị nhổ bỏ, rồi họ sẽ đi về đâu?! Vất vưởng kéo theo cả hai đứa cháu nhỏ đang tuổi cần được quan tâm chăm sóc, dưỡng dục. Có lẽ họ lại sẽ đi về phía bãi rác nào đó... hai vợ chồng nói với tôi.
 
Với đôi vợ chồng già dưới chân bãi rác bị bỏ hoang ấy, họ như đang ở tận cùng của sự đói khổ, rất cần sự chia sẻ của cộng đồng.
 
(Mọi địa chỉ liên hệ giúp đỡ, xin được nối về Báo Lâm Đồng - số 08 Quang Trung, phường 9, Tp.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)
 
Đặng Lam Anh