Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng gỗ dổi) tại Tiểu khu (TK) 375, thuộc địa bàn thôn 3, xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đang bị tàn phá, không một chút tiếc thương. Những gì chúng tôi được tận mắt tại hiện trường, chính là cơ sở để khẳng định khu rừng này đang bị… "chảy máu" hết sức nghiêm trọng!
[links()]
Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng tự nhiên (chủ yếu là rừng gỗ dổi) tại Tiểu khu (TK) 375, thuộc địa bàn thôn 3, xã Lộc Bảo (huyện Bảo Lâm) đang bị tàn phá, không một chút tiếc thương. Những gì chúng tôi được tận mắt tại hiện trường, chính là cơ sở để khẳng định khu rừng này đang bị… “chảy máu” hết sức nghiêm trọng!
Tiếp cận “điểm nóng” phá rừng!
Từ trung tâm huyện Bảo Lâm, chúng tôi vượt hàng chục km mới đến được TK 375. Khi tới bìa rừng, chúng tôi đã thấy không ít người dân nơi đây đang dùng xe máy để “tận thu” những bìa gỗ do “lâm tặc” khai thác bỏ lại. Lúc tiếp cận hiện trường, đập vào mắt chúng tôi là một chòi canh gác, bảo vệ rừng đã trơ khung; tiếp đó, xuất hiện chằng chịt những đường “be” do lâm tặc tự tạo để đưa máy cày, xe tải vào khai thác, vận chuyển gỗ ra ngoài. Men theo những đường be này, chúng tôi thấy nhan nhản cây rừng bị chặt hạ vô tội vạ. Xem xét tại hiện trường, trong mỗi chúng tôi nhoi nhói nỗi đau, khi nhìn tận mắt hàng loạt cây rừng bị đốn hạ, chủ yếu là gỗ dổi cổ thụ cao, to. Trong đó, nhiều cây vừa mới bị chặt ngã còn tươi rói dấu vết nằm chỏng trơ, cây nọ chồng lên cây kia.
|
Rừng tại TK 375 đang bị tàn phá |
Không những vậy, tại đây, còn ngổn ngang những khúc gỗ được cưa sẵn dài từ 2 - 3 mét lâm tặc chưa kịp chuyển đi. Bao quanh những gốc dổi bị đốn hạ, chúng tôi phát hiện rất nhiều tàn thuốc, vỏ chai nhớt nằm vương vãi. Đặc biệt, những dấu vết do bánh xe máy cày, xe tải để lại trên những đường be còn mới toanh. Điều này chứng tỏ việc khai thác gỗ trái phép tại đây đang có rất nhiều đối tượng cùng tham gia. Theo người dân sống cạnh bìa rừng (nằm dọc theo Quốc lộ 28), thì tình trạng phá rừng ở đây diễn ra thường xuyên như cơm bữa. Nhưng, thời điểm lâm tặc hoạt động mạnh nhất là từ đêm khuya cho tới tờ mờ sáng hôm sau. Anh M, một người dân địa phương, cho biết: “Tại khu rừng này “kiến” chui không lọt, nhưng “voi” thì chui lọt thường xuyên!”. Qua tìm hiểu của chúng tôi, thì “đầu nậu” khai thác gỗ lậu tại đây là một người tên Ngãi (ngụ tại thôn 3, xã Lộc Bảo). Được biết, Ngãi là dân “anh chị” có “máu mặt” và quen biết nhiều, nên việc khai thác gỗ của y luôn diễn ra thuận lợi. Cũng vì thế, thỉnh thoảng có cả cán bộ Kiểm lâm và Công an địa bàn vào kiểm tra, nhưng rồi mọi chuyện… “đâu lại vào đấy”!?
Để “mục sở thị” tình trạng phá rừng ở đây, chúng tôi tiếp tục tiến sâu hơn vào lõi rừng và không ngạc nhiên khi diện tích rừng ở đây bị phá nghiêm trọng trải trên diện rộng. Cùng với đó, là những đường be vận chuyển gỗ xuất hiện dày đặc thêm...
Cơ quan chức năng nói gì?
Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Hữu Chanh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc, cho hay: “Trong 3 tháng đầu năm 2015, qua tuần tra, kiểm soát trên những diện tích rừng do Công ty nhận quản lý, bảo vệ tại các TK 374, 400 và 431 (thuộc địa bàn xã Lộc Bảo), chúng tôi đã phát hiện 5 vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Trong đó, 1 vụ bị chúng tôi phát hiện bắt quả tang khi đang khai thác. Còn tình trạng phá rừng xảy ra tại TK 375 thì phía Công ty không nắm được. Vì đây là diện tích rừng đã được huyện Bảo Lâm giao cho cộng đồng dân cư của buôn B’Ru (thôn 3) nhận quản lý, bảo vệ!”.
|
Một trong rất nhiều cây gỗ dổi cổ thụ bị lâm tặc đốn hạ |
Sau đó, chúng tôi tìm đến UBND xã Lộc Bảo để nắm bắt thêm vụ việc, thì câu trả lời rất thiếu trách nhiệm từ ông K’Khệ - Chủ tịch UBND xã này chỉ là một cái xua tay từ chối! Ông K’Khệ lấy lý do: “Các anh thông cảm, đối với các vụ việc liên quan đến rừng, thì tôi không thể tiếp và trả lời các anh được. Vì, UBND huyện Bảo Lâm đã chỉ đạo không được trả lời báo chí những vấn đề này, khi chưa có sự đồng ý, cho phép của huyện!”. Nói xong, ông K’Khệ mời chúng tôi ra khỏi phòng Chủ tịch, rồi khóa cửa bỏ đi!?
Còn ông Lê Văn Chuyên - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, giải thích: “Theo như lời kể của các anh, thì khu vực rừng nói trên, trước đây do Công ty Cao su Bảo Lâm quản lý. Nhưng từ năm 2011, khu rừng này đã được giao lại cho cộng đồng dân cư với hơn 80 hộ dân buôn B’Ru nhận quản lý, bảo vệ. Đây là khu rừng có diện tích khoảng 540 ha và phần lớn là gỗ dổi. Lâu nay, công tác tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng, chúng tôi triển khai thường xuyên, nhưng không hề nhận được thông tin rừng ở đây bị chặt phá gì cả. Còn nếu có một vài cây bị chặt, thì đó là do bà con họ chặt để làm nhà, nên khi cán bộ Kiểm lâm chúng tôi vào lập biên bản cũng không xử phạt được gì!…”.
Như vậy, những gì mà chúng tôi nhìn thấy tại hiện trường là hoàn toàn trái ngược với những lời giải thích của ông Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm. Hiện, tình trạng phá rừng tại TK 375 là một thực tế đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng và không thể phủ nhận!
K. PHÚC - C. CÔNG