Thứ 2, 21/04/2025, 20:49

Cần sớm giải quyết thấu tình, đạt lý

08:05, 21/05/2015

Hai, ba năm trở lại đây, nhất là niên vụ cà phê 2014-2015, mối quan hệ giữa 63 hộ dân nhận khoán cà phê ở thôn 1, xã Liên Đầm với Nông trường 22/12 (nay là đội sản xuất) thuộc Bộ CHQS tỉnh trở nên căng thẳng, phức tạp...

Hai, ba năm trở lại đây, nhất là niên vụ cà phê 2014-2015, mối quan hệ giữa 63 hộ dân nhận khoán cà phê ở thôn 1, xã Liên Đầm với Nông trường 22/12 (nay là đội sản xuất) thuộc Bộ CHQS tỉnh trở nên căng thẳng, phức tạp. Nhiều lần các hộ dân đã kéo lên Bộ CHQS tỉnh và UBND tỉnh đề nghị trả “vườn cà phê nhận khoán” về cho họ; giải quyết chế độ thỏa đáng cho các nông trường viên (NTV); cấp đất ở không thu tiền theo quy định của Luật Đất đai 2013 sửa đổi…nhưng không được đáp ứng, bởi toàn bộ diện tích cà phê nhận khoán đều là đất quốc phòng và vấn đề cấp đất thuộc thẩm quyền của UBND huyện Di Linh. Qua tìm hiểu thực tế các hộ dân, chính quyền địa phương sở tại và làm việc với Bộ CHQS tỉnh, chúng tôi thấy vấn đề cần có sự giải quyết thấu tình đạt lý, sự việc mới được kết thúc đúng đắn, dứt điểm.
 
Làm việc với chúng tôi, 63 hộ dân, lãnh đạo xã Liên Đầm cho biết, toàn bộ diện tích cà phê mà 63 hộ dân nhận khoán có nguồn gốc từ những năm 1976 và khi thành lập Nông trường 22/12, đã được quy hoạch đất quốc phòng. Đồng thời lúc đó, Nông trường 22/12 đã tiếp nhận các hộ sản xuất vào làm NTV. Năm 1986, Nhà nước có chủ trương khoán trong nông nghiệp, xóa bỏ cơ chế tập trung, bao cấp, Nông trường 22/12, tiến hành họp các NTV bàn bạc hướng giải quyết chế độ cho các NTV và tiến hành giao khoán diện tích cà phê cho các hộ. Tại buổi họp này, các NTV không đồng ý với mức chi trả chỉ vài ngàn đồng/NTV, nhưng lại nhất trí ký hợp đồng nhận khoán (5 năm gia hạn một lần theo phương thức khoán trắng, mọi chi phí từ A đến Z đều do người nhận khoán tự lo) với đội sản xuất 22/12 (ĐSX 22/12). Từ đó đến nay, các NTV không nhận được bất kỳ chế độ thôi việc nào, nhưng tiếp tục nộp sản lượng cà phê cho ĐSX 22/12. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, mối quan hệ giữa 63 hộ nhận khoán với ĐSX 22/12 trở nên căng thẳng, phức tạp, do phía các hộ nhận khoán cho rằng: Sau khi đổi mới cơ chế, không còn tồn tại hình thức giao khoán sản lượng giữa các nông trường (do đã giải thể) với các hộ nhận khoán và nhà nước cũng đã bãi bỏ thuế nông nghiệp từ lâu, trong lúc mức giao khoán sản lượng của ĐSX 22/12 luôn năm sau cao hơn năm trước, mà cà phê của họ đã hơn 30 năm, đang bị thoái hóa nghiêm trọng, không còn cho năng suất, sản lượng, với lại khi nông trường giải thể, họ chưa nhận được chế độ nghỉ việc.
  
  Được giao trực tiếp khảo sát, gặp gỡ, trao đổi, đề xuất hướng giải quyết với Bộ CHQS tỉnh, làm việc với chúng tôi, trung tá Trần Hồ - Chánh thanh tra Bộ CHQS tỉnh cho biết: Đối với việc 63 hộ nhận khoán tại ĐSX 22/12 đề nghị tính toán lại chế độ nghỉ việc của NTV trước đây và không nộp sản lượng cà phê niên vụ 2013-2014, 2014-2015, Thanh tra Bộ CHQS tỉnh sẽ đề xuất với Bộ CHQS tỉnh tính toán lại việc chi trả chế độ thôi việc đối với các NTV trước đây một cách hợp lý, đúng quy định Nhà nước. Đối với việc người dân nhận khoán sản lượng cà phê cho rằng mức nộp khoán quá cao, trong bối cảnh cà phê của họ đã bị thoái hóa nghiêm trọng vì đã hơn 30 năm canh tác, phải tái canh trở lại, Thanh tra Bộ CHQS tỉnh sẽ tiến hành khảo sát cụ thể vườn cà phê của từng hộ để đưa ra mức miễn, giảm sản lượng hợp lý. Tuy nhiên, hiện việc này không tiến hành được vì các hộ nhận khoán không tạo điều kiện cho cán bộ nghiệp vụ của Bộ CHQS tỉnh tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng các vườn cà phê giao khoán. Đối với việc cấp đất ở không thu tiền, đã nhiều lần Bộ CHQS tỉnh đề đạt ý kiến đồng tình với nguyện vọng của các hộ nhận khoán tại ĐSX 22/12, bởi đó là nguyện vọng chính đáng, phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi 2013. Theo đó, năm 2007, UBND huyện Di Linh có Quyết định số 2942/QĐ-UBND thu hồi, hủy bỏ 63 giấy chứng nhận QSD đất một phần của 63 hộ dân đã được cấp giấy chứng nhận QSD đất, với diện tích thu hồi 145.522m 2. Lý do, các giấy chứng nhận QSD đất cấp cho 63 hộ dân nói trên trùng một phần trên đất quy hoạch quốc phòng theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 13/6/1997 của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, sau khi có quyết định thu hồi giấy chứng nhận QSD đất, 63 hộ dân vẫn giữ sổ đỏ và vẫn sử dụng đất ở ổn định từ đó đến nay, nay điều chỉnh lộ giới theo hướng thu hẹp, vẫn đảm bảo cấp đất ở cho các hộ dân theo hạn mức đất ở nông thôn 400m 2/hộ, nhưng chính quyền địa phương yêu cầu phải thu tiền cấp đất, các hộ dân không đồng ý nộp tiền.
 
  Riêng đối với trường hợp bà Phạm Thị Mai - người khiếu kiện gay gắt, kéo dài nhất, theo trung tá Trần Hồ cho biết: Năm 1986 gia đình bà Mai nhận khoán sản lượng của Nông trường 22/12, diện tích 1,2ha cà phê, ngay sau nhà ở của gia đình bà. Đến năm 1990, bà Mai bị bệnh nặng, xuống TP Hồ Chí Minh điều trị, bỏ hoang hóa diện tích nhận khoán, nông trường phải điều đoàn viên, thanh niên chăm sóc, thu hoạch, sau đó giao khoán (không có quyết định thu hồi) cho 3 hộ Hoàng Đăng Đàn, Trương Văn Sự, Phan Thị Hoa. Sau khi điều trị bệnh trở về, bà Phạm Thị Mai không đồng ý việc thu hồi diện tích nhận khoán của hộ gia đình bà giao cho người khác. Từ đó xảy ra tranh chấp kéo dài, phức tạp, buộc nhiều cấp, nhiều ngành tham gia giải quyết, nhưng vẫn không đạt kết quả. Rốt cục, nhiều năm qua, hễ 3 hộ nhận khoán mới trồng cà phê, thì gia đình bà Mai nhổ bỏ; gia đình bà Mai trồng mới, thì ba hộ nhận khoán mới nhổ bỏ, dẫn đến tình trạng đất hầu như bỏ không, không mang lại hiệu quả kinh tế và khiến trật tự xã hội trên địa bàn thôn phức tạp, mất tình làng nghĩa xóm. Trước thực tế này, theo trung tá Trần Hồ, để giải quyết dứt điểm vụ việc khiếu kiện kéo dài, Thanh tra Bộ CHQS tỉnh sẽ tham mưu cho Bộ CHQS tỉnh tìm quỹ đất mới giao khoán cho ba hộ Hoàng Đăng Đàn, Trương Văn Sự, Phan Thị Hoa, để trả 1,2ha lại cho gia đình bà Phạm Thị Mai nhận khoán.
 
Với việc đưa ra phương hướng giải quyết của trung tá Trần Hồ, theo chúng tôi là thấu tình, đạt lý. Vấn đề còn lại là cần có quyết định giải quyết theo hướng đó của Bộ CHQS tỉnh càng sớm, càng tốt, bởi càng để lâu diễn biến vụ việc càng căng thẳng, phức tạp, gây nhiều hệ lụy xấu cho tình hình TTATXH tại ĐSX 22/12, xã Liên Đầm, huyện Di Linh nói riêng và xã hội nói chung.
 
HOÀNG VƯƠNG MỸ