Dân thiếu đường vào vườn sản xuất

08:05, 13/05/2015

Mặc dù đã được bố trí một số cầu vượt qua tuyến băng tải quặng bauxite (dài khoảng 4km, thuộc Tổ hợp Bauxtie Nhôm Lâm Đồng) để người dân vào vườn sản xuất, thế nhưng, một số hộ dân tại tổ dân phố 22 (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) vẫn chưa thể đi đến vườn. Cách duy nhất để họ đi làm vườn trong suốt 4 năm qua là "chui" qua tuyến băng tải quặng bauxite. 

Mặc dù đã được bố trí một số cầu vượt qua tuyến băng tải quặng bauxite (dài khoảng 4km, thuộc Tổ hợp Bauxtie Nhôm Lâm Đồng) để người dân vào vườn sản xuất, thế nhưng, một số hộ dân tại tổ dân phố 22 (thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm) vẫn chưa thể đi đến vườn. Cách duy nhất để họ đi làm vườn trong suốt 4 năm qua là “chui” qua tuyến băng tải quặng bauxite. 
 
Người dân phải chui dưới băng tải quặng bauxite mỗi ngày
Người dân phải chui dưới băng tải quặng bauxite mỗi ngày

Trước khi tuyến băng tải quặng bauxite được hình thành để chuyển quặng tinh về Nhà máy Alumin thì nơi đây đã có đường hiện hữu để người dân đi vào vườn. Tuy nhiên, từ khi tuyến băng được xây dựng và lập rào chắn để bảo vệ, thì đường đi của người dân bị chia tách làm đôi. Nhiều đoạn, người dân phải đi qua cầu vượt trên băng tải mới đến được vườn. Riêng 6 hộ dân tại tổ dân phố 22 thì hoàn toàn không còn lối đi. Ông Vũ Văn Đệ (74 tuổi), một nông dân có vườn tại đây, phản ánh: “Từ khi băng tải hình thành, 6 hộ dân chúng tôi với khoảng 3ha đất canh tác tại đây bị bít đường. Do đó, ngày ngày chúng tôi phải chui qua gầm băng tải để vào vườn. Cà phê, phân bón cũng phải lôi qua lại dưới băng tải này nên mất rất nhiều công. Vì vậy, chi phí sản xuất cũng tăng cao. 5 sào cà phê của gia đình tại đây mỗi năm thu không còn được một nửa, còn lại là mất hết để thuê công lao động”. 
 
Ngay đoạn băng tải mà người dân chui qua lại mỗi ngày, băng tải nằm cách mặt đất chưa đến nửa mét, người dân phải đào thêm xuống đất mới cho thể chui lọt qua. Chị Võ Thị Thao, một nông dân, cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi cứ chui qua chui lại 4 lần như vậy. Trên đầu thì băng tải cứ hoạt động, phía dưới thì mình ép sát người xuống đất để chui qua cho khỏi đụng đầu. Không đi đường này thì chúng tôi không thể đi đường nào khác. Cách đây khoảng 1km có cầu vượt qua tuyến băng tải nhưng nếu đi đường đó thì đụng phải vườn một hộ dân khác. Chúng tôi cũng không thể xuống tới vườn của mình”. 
 
Sau nhiều lần dân phản ánh, Ban quản lý Dự án Bauxite Nhôm Lâm Đồng và Trung tâm Phát triển Quỹ đất Lâm Đồng đã tiến hành đo đạc diện tích đất của 6 hộ dân để thu hồi đất và mở đường từ cầu vượt xuống cho các hộ dân đi. Tuy nhiên, sau khi đưa bảng chiết tính giá đền bù cho người dân vào ngày 29/10/2013 thì đến nay mọi việc vẫn không có chuyển biến gì. Bà Nguyễn Thị Phương, người dân có vườn tại đây, cho biết: “Từ khi chiết tính xong đến nay đã hơn một năm rồi nhưng chúng tôi vẫn chưa có đường đi. Khi ra hỏi thì mấy ông bảo giá đền bù năm nay thay đổi nên phải đợi đến khi có giá đền bù mới mới có thể chiết tính lại. Cứ hẹn kiểu này thì không biết đến khi nào chúng tôi mới có đường để đi”. Mới đây, Ban quản lý Dự án Bauxite Nhôm Lâm Đồng và Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Lâm Đồng đã đến vận động 6 hộ dân bàn giao đất để làm đường trước, khi nào có giá mới sẽ tiến hành đền bù sau. Tuy nhiên, các hộ dân đều không đồng ý vì lo sợ việc đề bù sẽ không thỏa đáng và kéo dài. Theo Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Lâm Đồng, do Luật đất đai năm 2013 đã có hiệu lực nhưng chưa có các văn bản hướng dẫn kịp thời nên Trung tâm chưa thể chiết tính giá đền bù mới cho dân. Hiện tại, Trung tâm đang chờ giá đất thì mới có thể thực hiện chiết tính, đền bù và làm đường cho dân. 
 
Trong khi chờ đợi, ngày ngày người dân nơi đây vẫn phải chui qua lại tuyến băng tải quặng bauxite…
 
HỮU SANG