Chiến dịch kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4 -15/5) đã tổ chức 163 đoàn kiểm tra toàn tỉnh ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã.
Chiến dịch kiểm tra, thanh tra an toàn thực phẩm (ATTP) trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (15/4 -15/5) đã tổ chức 163 đoàn kiểm tra toàn tỉnh ở cả 3 tuyến: tỉnh, huyện, xã.
Tiêu hủy sản phẩm kém chất lượng
Qua chiến dịch này có 39 cơ sở bị hủy sản phẩm, yêu cầu đóng cửa 1 cơ sở để khắc phục các vi phạm về quy định an toàn thực phẩm. Các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến xã - phường - thị trấn khi phát hiện cơ sở vi phạm ATTP đã tiêu hủy các sản phẩm như: 10 gói trà sữa, bánh quế 11 gói, sữa chua 10 hũ, bánh mỳ ngọt 20 cái, bia heineken 10 lon, sa tế tôm 35 hũ, nước tương 3 chai loại 5 lít, cháo ăn liền 32 gói, nước súp gia vị 102 gói, bánh mì bao gói sẵn 15 ổ, bột bánh xèo, hạt nêm, bột canh tôm, sữa, bột ngũ cốc dinh dưỡng, bánh kẹo… Các đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến huyện - thành phố đã tiêu hủy các sản phẩm vi phạm quy định ATTP gồm: Sữa chua các loại 19 hộp; xúc xích các loại 27 cái; bánh các loại 14 gói; giò lụa có hàn the 8,5kg; bánh tráng cuốn quá hạn sử dụng 2,5kg; bánh tráng trộn không rõ nguồn gốc 5,5kg và không đảm bảo chất lượng; lạp xưởng không rõ nguồn gốc 5kg, bánh chocolatepie 30 gói, bột mỳ 19kg…
|
Kiểm tra các mặt hàng thực phẩm ở Siêu thị Big C Đà Lạt |
Xử phạt 7/1.038 cơ sở vi phạm
Kết quả kiểm tra: tuyến tỉnh kiểm tra 22/515 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống, chỉ có 2 cơ sở đạt (chiếm 9%) còn 20 cơ sở vi phạm; tuyến huyện - thành phố kiểm tra 1.584 cơ sở/7.916 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống thì có 1.202 cơ sở đạt các tiêu chuẩn quy định về ATTP, chiếm gần 76%, còn 382 cơ sở vi phạm; tuyến xã - phường - thị trấn kiểm tra 2.763 cơ sở/6.743 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, có 2.127 cơ sở đạt (chiếm gần 77%) còn 636 cơ sở vi phạm. Như vậy, toàn tỉnh có 1.038 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm được phát hiện qua đợt thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm. Qua phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra đã cảnh cáo 103 cơ sở, phạt tiền 7 cơ sở với số tiền 11 triệu đồng.
Mặt được và chưa được
Được sự quan tâm của UBND tỉnh và các huyện, thành phố cùng với sự phối hợp tốt của các ngành Y tế, Nông nghiệp, Công thương và các ngành có liên quan nên công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2015” đạt kết quả. Có 12/12 UBND huyện, thành phố đã họp Ban chỉ đạo VSATTP, xây dựng kế hoạch và có quyết định thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành theo đúng hướng dẫn. Tổ chức Lễ ra quân Tháng hành động vì an toàn thực phẩm tại tỉnh và 11 huyện, thành phố đạt các mục tiêu đề ra. Tổ chức truyền thông cơ động bằng xe loa lưu động, phát thanh, truyền hình; phân phối băng rôn, băng đĩa tuyên truyền kiến thức về VSATTP trên địa bàn toàn tỉnh góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kiến thức ATVSTP cho người dân. Các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống treo băng rôn hưởng ứng Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2015. Trong thời gian diễn ra Tháng hành động vì chất lượng VSATTP không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Các đoàn thanh kiểm tra từ tỉnh đến huyện, xã đều được triển khai theo đúng hướng dẫn và kế hoạch đã được phê duyệt. Có sự phối hợp liên ngành giữa Y tế, Nông nghiệp, Công thương, Công an và các ngành các cấp nên công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra về VSATTP trong “Tháng hành động vì ATTP” đạt kết quả. Các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh, huyện - thành phố triển khai hoạt động thường xuyên, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm nhưng các đoàn chỉ nhắc nhở, hướng dẫn cơ sở thực hiện. Một số cơ quan quản lý tuyến xã còn khó khăn do kinh phí hoạt động chương trình an toàn thực phẩm không đảm bảo cho cán bộ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm. Công tác quản lý về ATTP tại tuyến huyện, xã đa số vẫn chỉ do ngành Y tế chủ động triển khai.
Việc quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung và kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y chưa được cải thiện, còn rất nhiều hạn chế. Trên địa bàn cả tỉnh, hầu hết việc giết mổ gia súc, gia cầm đều có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Một số lò giết mổ tập trung chưa đủ điều kiện ATTP. Do vậy, việc kiểm tra vệ sinh thú y mới chỉ thực hiện ở khâu kiểm tra sản phẩm khi đưa ra lưu thông, chưa kiểm tra được vệ sinh thú y trước và trong quá trình giết mổ.
Đại đa số người kinh doanh thực phẩm thịt, cá và rau củ quả chưa được xác nhận kiến thức ATTP và khám sức khỏe. Các cơ sở kinh doanh thực phẩm chưa có sổ nhập nguyên liệu và theo dõi nguồn gốc thực phẩm.
BS Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Lâm Đồng đề xuất kiến nghị: UBND các cấp cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của Ban chỉ đạo tiếp tục duy trì, triển khai tốt việc tổ chức thực hiện các quyết định, kế hoạch trong việc thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Chỉ đạo, triển khai và kiểm tra chặt chẽ việc thực hiện các quy định pháp luật về ATTP, kiên quyết không để các cơ sở thực phẩm hoạt động khi không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các vi phạm. Công tác tuyên truyền đảm bảo ATVSTP trên các phương tiện thông tin đại chúng cần phải được thường xuyên và chú trọng hơn nữa nhằm cảnh báo, giáo dục người tiêu dùng về tầm quan trọng của công tác bảo đảm ATVSTP đến với mọi người, mọi nhà.
Đối với đoàn kiểm tra tiếp tục phối hợp theo dõi, giám sát các cơ sở thực phẩm sau khi xử lý và các cơ sở thực phẩm vi phạm đã bị cảnh cáo, nhắc nhở. Tiến hành hậu kiểm sau thanh tra, kiểm tra và giám sát việc thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính, nếu cơ sở vẫn tiếp tục vi phạm, không chấp hành phải có biện pháp cưỡng chế theo quy định.
AN NHIÊN