Cộng đồng kinh tế ASEAN và những thông tin cơ bản

09:06, 11/06/2015

Năm 2015 là năm quan trọng, thời điểm then chốt cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vậy AEC là gì và sẽ có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?

Năm 2015 là năm quan trọng, thời điểm then chốt cho việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Vậy AEC là gì và sẽ có tầm ảnh hưởng như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam?
 
Cộng đồng kinh tế ASEAN là một khu vực kinh tế chung bao gồm 10 thành viên: Brunei, Cam-pu-chia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. AEC - một trong những trụ cột nằm trong Cộng đồng chung ASEAN bên cạnh hai trụ cột khác là Cộng đồng An ninh - Chính trị và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Ngày 7/10/2003, tại Bali, Indonesia, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã kí kết Bản kế hoạch chiến lược nhằm hình thành và phát triển AEC và theo lộ trình, AEC sẽ được hình thành vào cuối năm 2015. 
 
Mục tiêu của EAC là hình thành 1 thị trường chung của các nước thành viên trong đó có 5 cấu phần quan trọng: tự do di chuyển hàng hóa, tự do cung cấp dịch vụ, tự do đầu tư, tự do di chuyển vốn, tự do di chuyển lao động có kỹ năng. AEC là một thị trường chung đồng nghĩa với một thị trường với sức mua và sức sản xuất của 600 triệu người, sản lượng hàng năm 2.000 tỷ đô la Mỹ. Các quốc gia thành viên sẽ có chung một thị trường và cạnh tranh cao trong nội khối nhưng ở góc độ là một khối kinh tế chung thì AEC sẽ hợp tác để tạo thành một sức mạnh chung. Điều này mang lại lợi thế cạnh tranh cho mỗi thành viên của Cộng đồng đồng thời mang lại sức mạnh tổng thể cho toàn khối. 
 
Theo kế hoạch, từ cuối năm 2015, AEC sẽ là một thị trường chung, một không gian sản xuất thống nhất. Thị trường ấy sẽ phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN để từng bước xây dựng một khu vực năng động, có tính cạnh tranh cao trên thế giới, đem lại sự thịnh vượng chung cho nhân dân và các quốc gia ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào. Tác động tích cực của AEC sẽ là hệ quả của sự vận động khách quan của các chủ thể và yếu tố sản xuất trong nền kinh tế khu vực. Người tiêu dùng ASEAN sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Thương mại trong khối có cơ hội phát triển. Các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới hàng hóa các nước cạnh tranh cao hơn. Thương mại và đầu tư trong khối được tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, giải phóng tiềm năng sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó sản phẩm đa dạng hơn, chất lượng và hiệu quả cao hơn, có lợi cho người tiêu dùng. Điều mong đợi hơn cả là việc AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào việc xây dựng năng lực cạnh tranh của ASEAN với thế giới, từ đó góp phần giảm khoảng cách giàu nghèo, khoảng cách phát triển và thúc đẩy ổn định xã hội. Như vậy, AEC không đơn thuần là tập hợp của các cam kết tự do hóa thương mại, đầu tư mà được xây dựng dựa trên sự thống nhất, hài hòa cao về hệ thống tiêu chuẩn, quy trình quản lý hoạt động thương mại, đầu tư và khả năng điều phối chặt chẽ các chính sách vĩ mô giữa các nước thành viên.
 
Theo lộ trình, thuế nhập khẩu sẽ bị xóa bỏ nhằm thúc đẩy tự do thương mại. Các rào cản phi thuế quan như hạn ngạch, điều tiết giá, kiểm soát chặt về chất lượng hàng hóa, kiểm dịch... cũng sẽ bị xóa bỏ theo lộ trình phù hợp với từng quốc gia. Sáng kiến 1 cửa sổ Asean (Asean single Window) nhằm tạo ra một cổng thông tin, trao đổi dữ liệu đầy đủ và thống nhất giữa các nước thành viên. Việc này cũng thúc đẩy sự hoàn thiện của hệ thống công nghệ thông tin viễn thông của khu vực.
 
Việc thành lập chính thức Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015 sẽ đánh dấu một mốc quan trọng nỗ lực của ASEAN trong việc hoàn thành các mục tiêu của một khu vực hội nhập, thể hiện “Một Tầm nhìn, Một Bản sắc, Một Cộng đồng”.      
           
DIỆP QUỲNH