Khi "suối nguồn" Đà Lạt không còn mát lành

09:06, 25/06/2015

"Chất lượng" sống của Đà Lạt sẽ ra sao nếu nguồn nước bị ô nhiễm? Những ai "nặng lòng" với thành phố xinh đẹp này ắt hẳn không muốn điều đó xảy ra. Nhưng điều đó đang xảy ra, không nhanh đến mức hoang mang, nhưng những gì họ cảm nhận được từng ngày, cũng đủ để lo ngại.

“Chất lượng” sống của Đà Lạt sẽ ra sao nếu nguồn nước bị ô nhiễm? Những ai “nặng lòng” với thành phố xinh đẹp này ắt hẳn không muốn điều đó xảy ra. Nhưng điều đó đang xảy ra, không nhanh đến mức hoang mang, nhưng những gì họ cảm nhận được từng ngày, cũng đủ để lo ngại.
 
Tại hội thảo Bảo vệ bền vững và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt lần thứ nhất (diễn ra năm 2013), các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành đã từng đưa ra cảnh báo về hiện trạng môi trường nước và nguồn nước gây ô nhiễm cho thành phố sạch này với những lập luận và chứng cứ khoa học không thể xem nhẹ, nếu chúng ta vẫn còn thờ ơ và không ngăn chặn bằng những giải pháp về cả quản lý lẫn kỹ thuật.
 
Rất nhiều sông suối của Đà Lạt đã trở nên ô nhiễm vì thói quen xấu của người dân trong đời sống sinh hoạt và sản xuất
Rất nhiều sông suối của Đà Lạt đã trở nên ô nhiễm vì thói quen xấu của người dân trong đời sống
sinh hoạt và sản xuất

Báo động từ những sự gia tăng
 
Nghiên cứu của Trung tâm quan trắc Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT Lâm Đồng) cho biết: Trong những năm qua, với sự gia tăng không ngừng về dân số (biến động cơ học do di dân), cùng với đó là sự gia tăng diện tích đất nông nghiệp trên thượng nguồn và sự thay đổi hình thức canh tác đất nông nghiệp cũng đã góp phần làm thay đổi chất lượng và số lượng nguồn nước theo chiều hướng thiếu tính bền vững.
 
Theo đó, từ bản đồ phân bố dân cư, cho thấy trên thượng nguồn các hồ chứa đều có dân cư sinh sống. Đặc biệt là tại lưu vực Cam Ly và hồ Xuân Hương (nơi dân cư tập trung khá đông). Đây là nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước do sinh hoạt và sản xuất kinh doanh dịch vụ, bởi hàm lượng các chất ô nhiễm hữu cơ nguồn nước mặt tại khu vực đều tăng lên theo hàng năm.
 
Đồng thời, từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bắt đầu từ năm 2010, khu vực thượng nguồn của các hồ chứa là hồ Đan Kia, hồ Xuân Hương, các hoạt động canh tác nông nghiệp phát triển rất nhanh về số lượng diện tích. Đây là một trong những nguồn “đóng góp” gây ô nhiễm môi trường nước chính trên địa bàn. Đặc biệt, khu vực canh tác nông nghiệp của người dân tại thượng nguồn đều có độ dốc lớn, dễ gây xói mòn do đây là khu vực có lượng mưa và cường độ mưa khá cao. Điều này sẽ làm tăng hàm lượng cặn lơ lửng và các chất có nguồn gốc Nitơ do quá trình rửa trôi phân bón đối với nguồn nước mặt trong mùa mưa tại khu vực.
 
Nỗi lo từ những chỉ số
 
Hiện nay, các khu vực có nguồn thải (chất thải làm vườn, sản xuất nông nghiệp) hầu hết tập trung tại các phường 7, 8, 9, 10, 11, 12. Các loại chất thải này bao gồm rau hỏng, cành cây hoa sau khi thu hoạch người dân thường tập trung sát bờ mương suối thành đống, thậm chí đổ thẳng xuống suối. Ngoài ra, việc gia tăng các hoạt động canh tác, sử dụng các loại phân bón khác nhau cùng với việc lạm dụng thuốc BVTV đã dẫn đến hiện tượng một lượng N, P, K, các chất hữu cơ dư thừa và dư lượng thuốc BVTV bị rửa trôi chuyển xuống mương, ao, hồ, sông suối, từ đó thâm nhập vào nguồn nước, làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng nguồn nước mặt. Một số bao bì và chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng chưa được thu gom còn để lại trên đồng ruộng, khi có mưa lớn sẽ trôi xuống lưu vực gây ô nhiễm nặng nề môi trường nước.
 
Dù trong thời gian qua, tình hình thu gom và vận chuyển rác thải tại Đà Lạt diễn ra tương đối tốt trong các khâu của quá trình quản lý rác thải (mới đây nhất là đưa vào hoạt động nhà máy xử lý chất thải rắn), nhưng do nhiều yếu tố, chủ yếu là nhân lực và phương tiện, nên việc thu gom vẫn còn chưa triệt để. Rác chưa được phân loại và chế biến mà hầu hết đều được đổ tập trung vào bãi rác. Việc thu gom rác thải gặp nhiều khó khăn ở những nơi dân cư phân bố trên đồi cao hoặc ở dưới sâu thung lũng. Nhiều người dân thường vẫn có “thói quen” cũ khó bỏ, tiện tay vứt rác xuống cống, rãnh, sông suối gây tắc nghẽn và ô nhiễm dòng chảy. Thêm vào đó, chất thải sinh hoạt từ các khu dân cư, nhà hàng, khách sạn, các khu du lịch, vui chơi giải trí, thương mại không được quản lý, thu gom cũng là tác nhân không nhỏ làm cho nguồn nước thành phố thêm phần ô nhiễm. 
 
Theo kết quả trắc quan của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thông qua chỉ số WQI (Water Quality index) của Bộ TN&MT quy định thì chất lượng nước Cam Ly, đặc biệt là khu vực cầu Cẩm Đô chất lượng nước rất kém, tiếp đến là khu vực thác Cam Ly và cầu Cam Ly và thường bị ô nhiễm nặng nề hơn vào mùa mưa. Với chất lượng nước hiện tại không thể đáp ứng được yêu cầu về phục vụ du lịch và cảnh quan. Tương tự, nước hồ Xuân Hương cũng bị ô nhiễm nặng hơn về mùa mưa, nguồn gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của các khu dân cư lân cận đổ vào hồ và hoạt động canh tác về thượng nguồn. Dù mới được nạo vét, nhưng chất lượng nước của “trái tim thành phố” vẫn ngày càng càng suy giảm.
 
Riêng với các hồ cấp nước sinh hoạt thì tình hình vẫn đang ở trong trạng thái “được kiểm soát”. Chỉ số WQI cho thấy, tại ba hồ Chiến Thắng, Tuyền Lâm và hồ Đan Kia thì chỉ có khu vực Cầu Suối Tía (hồ Tuyền Lâm) và hồ Chiến Thắng có dấu hiệu bị ô nhiễm nhưng vẫn sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, tuy nhiên cần biện pháp xử lý phù hợp...  
 
Để không “mất bò mới lo làm chuồng”
 
Bên cạnh khí hậu, cảnh quan, có thể nói nước có một vai trò quyết định tới chất lượng sống, chất lượng du lịch và “thương hiệu” của Đà Lạt. Để viễn cảnh như câu thành ngữ trên không xảy ra, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu “nặng lòng” với Đà Lạt đã đưa ra rất nhiều giải pháp để tìm phương án hữu hiệu nhất cho nguồn nước của thành phố không rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề như ở các thành phố lớn khác hiện nay.
 
Vấn đề đặt ra là cần phải có các giải pháp xử lý nước thải sinh hoạt của khu dân cư thượng nguồn tại các suối, hồ, đặc biệt là tại các hồ Tuyền Lâm, Đan Kia, những hồ hiện đang cấp nước sinh hoạt chính cho TP Đà Lạt và vùng phụ cận. Nâng cấp hệ thống thu gom, vận chuyển và xử lý triệt để chất thải rắn; cải tạo và bảo dưỡng các hệ thống thoát nước, chỉnh trang hệ thống mương, suối thoát nước trên địa bàn thành phố; tiếp tục đầu tư các công trình xử lý chất thải hiệu quả, đạt tiêu chuẩn về môi trường. Theo ông Lương Văn Ngự - Phó GĐ Sở TN&MT Lâm Đồng, về lâu dài cần quản lý tổng hợp tài nguyên nước, lồng ghép giải pháp về quản lý, giải pháp kỹ thuật và quy hoạch chiến lược trong bảo vệ bền vững và khai thác hiệu quả tài nguyên nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận.
 
Do các đe dọa và thử thách ngày càng lớn nguồn nước nói chung, ở Đà Lạt nói riêng, các cơ quan quản lý tài nguyên và cộng đồng địa phương cần phải có những mối liên kết tham gia (điều này là vô cùng cần thiết), có cam kết về mặt pháp lý và đầu tư tài chính một cách hiệu quả nhất trong việc kiểm kê nguồn nước, xây dựng cơ sở dữ liệu cho tài nguyên nước, từ đó có hoạch định định chính sách bảo vệ và phát triển. Với giải pháp về quản lý, công tác bảo vệ môi trường nước tại các khu vực thượng nguồn của các hồ cấp nước sinh hoạt cũng cần phải “gắn bó mật thiết” (trên quan hệ cộng sinh) với quy hoạch phát triển chung của địa phương. Đặc biệt, cần hạn chế quy hoach phát triển đô thị và nông nghiệp tại khu vực thượng nguồn của các hồ này.
 
Theo kiến nghị của Trung tâm Quan trắc TN&MT tỉnh, hiện nay thượng nguồn Cam Ly đang phát triển mạnh về canh tác nông nghiệp công nghệ cao với việc xây dựng dày đặc các nhà kính, nhà lưới. Đây cũng là những giải pháp giảm ô nhiễm môi trường do tác động của phân bón, thuốc BVTV. Tuy nhiên, rất có thể điều này cũng đang tiềm ẩn của sự ảnh hưởng đến nguồn nước do làm giảm diện tích thấm nước khi mưa, làm tăng dòng chảy mặt gây xói mòn, rửa trôi và làm dòng chảy ngầm gây cạn kiệt nguồn nước. Vì vậy cần phải có một nghiên cứu khoa học lớn cho vấn đề này.
 
Tất cả những giải pháp, bài học đều chỉ mang tính tương đối và là “tài liệu” tham khảo, dù không ai xem nhẹ tính chất quan trọng của chúng. Bên cạnh “cái tâm” của những nhà quản lý trong quy hoạch đối với thành phố, thì ý thức của mỗi du khách, đặc biệt là người dân đang sinh sống và sản xuất nông nghiệp tại đây, mới là những “nguồn lực” chính để giúp cho nguồn nước Đà Lạt có được sự trong lành.
 
* “Ngoài khí hậu, “thiên đường” du lịch Đà Lạt còn nổi tiếng về hồ, thác nước và rừng thông. Phần lớn các thắng cảnh nổi tiếng của thành phố đều liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tài nguyên nước với các đặc thù là các hồ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo không có dòng chảy liên tục quanh năm. Chất lượng nước mặt ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, chất lượng du lịch, ảnh hưởng đến cuộc sống, thương hiệu du lịch Đà Lạt.” - ThS. Lê Quang Huy - Khoa MT (Đại học Đà Lạt).
 
* “Quản lý tài nguyên nước tổng hợp, là một quá trình thúc đẩy sự phối hợp phát triển và quản lý nguồn nước, đất đai, tài nguyên liên quan, nhằm tối đa hóa lợi ích về kinh tế và phúc lợi xã hội một cách công bằng mà không phương hại đến tính bền vững của các hệ sinh thái thiết yếu” - Theo Tổ chức Hợp tác vì Nước Toàn cầu (GWP,2000).
 
Lam Anh