Không nên dùng phân tươi chưa qua xử lý bón cho cây trồng, có thể ảnh hưởng dịch tễ tại địa phương

09:06, 25/06/2015

Qua chuyến công tác thực tế tại một số cơ sở địa phương chuyên về trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tôi nhận thấy tình hình bà con nông dân sử dụng phân vật nuôi chưa qua xử lý đem bón trực tiếp cho cây trồng là chưa hợp lý về quy trình kỹ thuật, điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và động vật nuôi. 

Qua chuyến công tác thực tế tại một số cơ sở địa phương chuyên về trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tôi nhận thấy tình hình bà con nông dân sử dụng phân vật nuôi chưa qua xử lý đem bón trực tiếp cho cây trồng là chưa hợp lý về quy trình kỹ thuật, điều đó có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và động vật nuôi. 
 
Bà con mua phân tươi không rõ nguồn gốc xuất xứ (có thể ở địa phương hoặc mua ở ngoại tỉnh) có đảm bảo an toàn dịch bệnh hay không? Điều này không ai đảm bảo chắc chắn an toàn dịch bệnh. Khi mua phân tươi về, bà con bón trực tiếp vào gốc cây mà không qua xử lý khử trùng, điều đó đã tạo điều kiện cho ruồi đẻ trứng, vào mùa mưa, thời tiết thuận lợi, ấu trùng ruồi nở hàng loạt và tạo ra nạn dịch ruồi. Giai đoạn ruồi trưởng thành, chúng bay tìm thức ăn và đậu vào bất cứ vị trí nào mà chúng có thể đậu được. Nguy hiểm nhất là chúng đậu vào các đống phân tươi ở gốc cây, sau đó bay đi mang theo rất nhiều mầm bệnh gieo vào nơi chúng đậu. Nếu chúng đậu vào thức ăn của người, có thể xảy ra một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như E.coli, Salmonella gây tiêu chảy cấp, bệnh cúm A,… cũng có thể chúng mang theo các ấu trùng giun, sán lây nhiễm cho người. Nếu chúng đậu vào trại chăn nuôi, có thể sẽ gây ra các nạn dịch bệnh cho động vật nuôi (bệnh tiêu chảy, bệnh lở mồm long móng, tai xanh, cúm gia cầm,... ảnh hưởng dịch tễ vùng) làm thiệt hại kinh tế đến các hộ chăn nuôi trong vùng. Vì vậy, khuyến cáo bà con nên sử dụng giải pháp đảm bảo an toàn sinh học mà đem lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Phương pháp ủ phân vật nuôi thành phân vi sinh: Phương pháp này có hai cách làm sau:
 
Cách 1: Ủ phân tươi động vật trộn cùng với men vi sinh: 
 
Chọn vị trí ủ phân: đảm bảo nước mưa không rửa trôi phân, kích thước chiều rộng và dài tối thiểu khoảng 2m trở lên, chiều cao tối thiểu 1m; 
 
Làm hoạt hóa chế phẩm để vi sinh vật có lợi phát triển mạnh: Phụ thuộc vào mỗi loại chế phẩm của các công ty mà có cách hoạt hóa khác nhau (Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại như: HB-01, BIO-ASTI,… Bà con có thể mua chế phẩm sinh học ở các cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật, cửa hàng thuốc thú y, sau đó đem về và thực hiện theo sự chỉ dẫn ở bao bì chế phẩm vi sinh mà nhà sản xuất hướng dẫn).
 
Làm ẩm toàn bộ nguyên liệu trước lúc ủ: tưới nước lên đống phân cần ủ, hàm lượng nước đảm bảo độ ẩm 65-75%, cách làm này để tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật có lợi phát triển nhanh.
 
Tưới chế phẩm vi sinh vào nguyên liệu cần ủ: Dùng chế phẩm vi sinh đã được hoạt hóa trộn cùng nguyên liệu cần ủ.
 
Đậy bạt phủ kín toàn bộ đống nguyên liệu cần ủ: Mục đích để tránh mưa rửa trôi phân; ánh nắng chiếu trực tiếp đống ủ làm vi sinh vật chết; giữ nhiệt cho hố ủ tạo điều kiện cho nhóm vi sinh vật có lợi phát triển nhanh.
 
Cách 2: Ủ phân tươi động vật, bổ sung thêm chất độn và trộn cùng với men vi sinh: Các bước làm bà con thực hiện tương tự như cách một. Trong cách làm này chỉ khác cách 1 ở chỗ: nguyên liệu phân tươi của động vật được trộn chung với chất độn như vỏ trái cà phê, cây phân xanh (thân và lá cây thuộc họ đậu được chặt nhỏ), một hàm lượng ít phân hóa học như lân, u rê, kali. Ưu điểm của cách làm này là đem lại hàm lượng dinh dưỡng cho cây trồng đầy đủ và cao hơn rất nhiều so với cách 1.
 
Lưu ý: Bà con nên 10 ngày kiểm tra hố ủ một lần, nếu thấy trong đống ủ nóng lên chứng tỏ hệ vi sinh vật có lợi phát triển tốt, để hệ vi sinh vật này tiếp tục phát triển mạnh thì bà con nên bổ sung tưới thêm lượng nước đảm bảo độ ẩm duy trì 65-75%. Sau thời gian ủ 2,5 - 3,5 tháng, tiến hành kiểm tra đống phân đã ủ, nếu thấy phân đã mục, nhiệt độ đã giảm lúc này có thể dùng bón cho cây trồng.
 
Những ưu điểm của phương pháp này là: dựa trên một số nhóm vi sinh vật có lợi (nấm Trichoderma để phân hủy chất xơ (Cellulose), vi khuẩn cố định đạm N Azotobacter và vi khuẩn phân giải P Bacillus megaterium). Sau 10 ngày hệ vi sinh vật có lợi này phát triển mạnh, sinh ra nhiệt ở trong đống ủ có thể dao động từ 35 - 600C, ở nhiệt độ này sẽ tiêu diệt được một số mầm bệnh (truyền nhiễm, ký sinh trùng có ở trong phân tươi) gây bệnh cho người, động vật và cây trồng. Ngoài ra, nhón vi sinh vật có lợi dùng để ủ phân còn tạo ra một số chất giàu dinh dưỡng tốt cho cây trồng đồng thời kháng được một số bệnh. Phương pháp làm này đơn giản, dễ áp dụng ở các nông hộ, góp phần cải tạo độ phì nhiêu đất, tăng năng suất cây trồng, cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạ giá thành đầu tư và góp phần tăng giá trị cây trồng dần phát triển theo hướng bền vững.
 
Với cách ủ phân vật nuôi thành phân vi sinh, không những phòng tránh được dịch bệnh có thể xảy ra trên người, động vật nuôi, cây trồng tại địa phương mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế nông hộ gia đình.
 
ThS. Nguyễn Cảnh Dũng - Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc